Huyện Gia Lâm: bảo đảm cơ sở vật chất cho năm học mới

Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp của các đơn vị liên quan; năm học 2023-2024, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Gia Lâm đã được Sở GD&ĐT Hà Nội đánh giá là đơn vị hoàn thành tốt và xuất sắc 13/13 chỉ tiêu. Nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng.

Thời điểm này, huyện Gia Lâm đang chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho năm học mới 2024 – 2025, đặc biệt là điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp, phòng học.

Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền tại Lễ công bố Quyết định thành lập Trường Tiểu học Đại Hưng.

Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền tại Lễ công bố Quyết định thành lập Trường Tiểu học Đại Hưng.

Hoàn thành xuất sắc nhiều chỉ tiêu

Năm học 2023-2024, toàn huyện Gia Lâm có 92 trường (81 trường công lập và 11 trường ngoài công lập) với tổng số 68.472 học sinh (tăng 2.549 học sinh so với năm học trước). Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên là 3.805 người. Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, ngay từ đầu năm học, Phòng GD&ĐT Gia Lâm đã chủ động xây dựng kế hoạch đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng những mô hình không gian sáng tạo trong nhà trường, các mô hình giáo dục lồng ghép với các kỹ năng liên quan. Triển khai hiệu quả các chương trình giáo dục, đảm bảo chất lượng với các yêu cầu cốt lõi, trọng tâm, các điều kiện nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018.

Kết thúc năm học, cả 3 cấp học trên địa bàn huyện Gia Lâm đều đạt và vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra; 100% trẻ ở độ tuổi mẫu giáo ra lớp; 99,79% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học; 99,98% học sinh lớp 9 được xét công nhận tốt nghiệp.

Lãnh đạo huyện Gia Lâm cùng các phòng, ban kiểm tra tiến độ xây dựng Trường Mầm non Sao Khuê.

Lãnh đạo huyện Gia Lâm cùng các phòng, ban kiểm tra tiến độ xây dựng Trường Mầm non Sao Khuê.

Chất lượng học sinh Gia Lâm tiếp tục được khẳng định trong các kỳ thi cấp huyện và TP. Trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 các môn văn hóa và khoa học cấp TP, học sinh Gia Lâm đạt 74 giải, trong đó có 3 giải Nhất môn Lịch sử, GDCD; 10 giải Nhì, 25 giải Ba; 36 giải khuyến khích. Tại cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp TP đạt 1 giải Nhì, 1 giải khuyến khích. Tại các sân chơi cấp TP, cấp Quốc gia, học sinh Gia Lâm cũng xuất sắc đạt nhiều giải thưởng cao như: thi Olympic Toán đạt 6 giải Nhất, 22 giải Nhì, 36 giải Ba, 54 giải khuyến khích; thi Olympic Tiếng Anh đạt 1 giải khuyến khích; thi Trạng nguyên Tiếng Việt đạt 133 giải Nhất, 181 giải Nhì, 139 giải Ba, 102 giải khuyến khích; tại Hội khỏe Phù Đổng đạt 34 Huy chương, trong đó 8 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc, 15 Huy chương Đồng... Ngoài ra, tại các kỳ thi mở rộng nhưthi “Toán quốc tế Singapore và châu Á SASMO”, Toán quốc tế “Kangaroo”, Toán AMO ..., học sinh Gia Lâm cũng đạt nhiều giải thưởng đáng ngưỡng mộ.

Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên; phong trào thi giáo viên dạy giỏi được tổ chức rầm rộ. Toàn huyện có 113 giáo viên khối Mầm non, THCS đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp huyện; 11 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp TP; 947 sáng kiến được Hội đồng khoa học huyện Gia Lâm công nhận Sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở. Phòng GD&ĐT Gia Lâm được Sở GD&ĐT Hà Nội tặng giấy khen hoàn thành xuất sắc trong chỉ đạo phong trào thi giáo viên dạy giỏi cấp TP...

Lãnh đạo huyện Gia Lâm kiểm tra dự án cải tạo Trường Tiểu học Văn Đức.

Lãnh đạo huyện Gia Lâm kiểm tra dự án cải tạo Trường Tiểu học Văn Đức.

Kết thúc năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT huyện Gia Lâm đã được Sở GD&ĐT Hà Nội đánh giá là đơn vị hoàn thành tốt và xuất sắc 13/13 chỉ tiêu (trong đó 12 chỉ tiêu đạt xuất sắc, 1 chỉ tiêu hoàn thành tốt). Nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng và công nhận là “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.

Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trường học

Phát huy những thành tích và kết quả đạt được trong năm học 2023-2024; để triển khai, thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của Sở GD&ĐT và các yêu cầu nhiệm vụ của Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Gia Lâm trong năm học 2024-2025, ngành GD&ĐT Gia Lâm tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu, gồm: Bảo đảm an toàn trường học, chủ động, linh hoạt thực hiện chương trình, kế hoạch năm học. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Tích cực đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp giáo dục nhằm nâng cao chất lượng toàn diện, chất lượng mũi nhọn.

Cô, trò Trường Tiểu học Đa Tốn háo hức trước thềm năm học mới.

Cô, trò Trường Tiểu học Đa Tốn háo hức trước thềm năm học mới.

Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý giáo dục, chuyển đổi số, cải cách hành chính trong công tác quản lý và dạy học. Phát triển mạng lưới, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện của các nhà trường. Tăng cường công tác hội nhập trong giáo dục và truyền thông.

Để chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025, thời gian qua, công tác đầu tư xây dựng trường chuẩn Quốc gia đã được UBND huyện Gia Lâm tập trung thực hiện. Năm 2024, UBND huyện đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 4 dự án cải tạo, nâng cấp và xây mới trường học, gồm: Cải tạo, nâng cấp Trường THCS Ninh Hiệp, Trường THCS Đặng Xá; xây dựng mới Trường TH Đại Hưng, Trường MN Sao Khuê tại xã Đa Tốn. Hiện tại, UBND huyện Gia Lâm đang chuẩn bị đầu tư để cải tạo, sửa chữa 11 trường phục vụ nâng chuẩn và công nhận lại chuẩn. Đồng thời, đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư đối với 1 trường liên cấp tại thị trấn Trâu Quỳ và 3 trường trong khu vực Vinhomes Ocean Park.

Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Đại Hưng chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh trong năm học mới.

Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Đại Hưng chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh trong năm học mới.

Tính đến nay, toàn huyện Gia Lâm có 74/79 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia (đạt 93,7%), trong đó có 27/74 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Dự kiến đến cuối năm 2024, huyện Gia Lâm sẽ đủ điều kiện đề nghị thêm 2 trường chuẩn Quốc gia nữa trên địa bàn gồm: THCS Đặng Xá và TH Nông nghiệp 1. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục thực hiện rà soát bổ sung quy hoạch đất trường học để đề nghị TP cập nhật; đặc biệt là quy hoạch hệ thống trường chất lượng cao, trường THPT nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Nhân dân khi huyện đang trong quá trình phát triển thành quận, với áp lực rất lớn từ việc tăng dân số cơ học.

Ngoài ra, huyện tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách mua sắm trang thiết bị trường học phục vụ giảng dạy năm học mới và chương trình thay sách giáo khoa lớp 5 và lớp 9 đảm bảo yêu cầu dạy và học.

“Thời điểm này, lãnh đạo huyện Gia Lâm và Phòng GD&ĐT huyện đã đến tận các trường để kiểm tra cơ sở vật chất đảm bảo cho năm học mới, đặc biệt đối với các dự án trường học được cải tạo, xây mới. Mặc dù số lượng học sinh tăng lên nhưng với sự đầu tư của UBND huyện Gia Lâm và sự chuẩn bị của các trường, về cơ bản học sinh đều được bố trí đủ chỗ học. Phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm cũng triển khai công tác tuyên truyền để ngày 5/9 thực sự là ngày hội “Toàn dân đưa trẻ đến trường” trong toàn huyện” – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương.

Hoàng Quyết

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huyen-gia-lam-bao-dam-co-so-vat-chat-cho-nam-hoc-moi.html
Zalo