Huyện Đan Phượng: nhiều tấm gương nhà giáo tâm huyết, sáng tạo

Tâm huyết, yêu nghề, nhiều thầy cô giáo trên địa bàn huyện Đan Phượng đã chủ động, sáng tạo trong trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng các bài giảng, tạo sự hứng thú cho học sinh.

Ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy

Xác định đội ngũ giáo viên là yếu tố then chốt trong nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo luôn được huyện Đan Phượng đặc biệt quan tâm. Nhiều nội dung, hình thức bồi dưỡng chuyên môn theo nhu cầu, nguyện vọng của đội ngũ như đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy được triển khai mang lại hiệu quả rõ nét. Tiêu biểu như các Trường Mầm non: Tân Hội B, Tân Lập B, Liên Trung, Thọ An, Phương Đình; Trường Tiểu học: Đan Phượng, Tân Hội A, Tân Lập A, Tân Lập B, Đồng Tháp; THCS Tô Hiến Thành, Đan Phượng, Liên Hồng, Tân Hội...

Cô giáo Nguyễn Thị Nga - Trường Mầm non Tân Lập tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm cho trẻ. Ảnh: Hồng Nhung

Cô giáo Nguyễn Thị Nga - Trường Mầm non Tân Lập tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm cho trẻ. Ảnh: Hồng Nhung

Bên cạnh đó, phong trào tự học, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ được nhiều giáo viên tích cực hưởng ứng. Tiêu biểu như cô giáo Nguyễn Thị Nga - Trường Mầm non Tân Lập, mang trong mình một trái tim đầy nhiệt huyết và tình yêu thương đối với trẻ, cô không ngừng học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng phương pháp dạy học mới giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.

Năm học 2023 - 2024 cô Nguyễn Thị Nga đã đạt được nhiều giải trong các hội thi cấp huyện, cấp TP; được báo cáo tại giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”. Những đóng góp quý báu của cô đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng các đồng nghiệp và phụ huynh học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Nga chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn. Ảnh: Hồng Nhung

Cô giáo Nguyễn Thị Nga chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn. Ảnh: Hồng Nhung

Hay cô giáo Bùi Thị Giang - Trường Tiểu học Đan Phượng là tấm gương tiêu biểu về tự học và sáng tạo. Cô đặc biệt say mê tìm hiểu, khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, tạo hứng thú cho học sinh. Phòng học ngoại ngữ thông minh được huyện Đan Phượng đầu tư thí điểm do cô giáo Bùi Thị Giang phụ trách được khai thác, sử dụng hiệu quả. Những phương pháp, cách làm của cô được lan tỏa đến nhiều trường, nhiều giáo viên trong huyện tạo phong trào ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả trong dạy học bộ môn ngoại ngữ.

Còn với cán bộ quản lý, cô giáo Nguyễn Thị Thu - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hiến Thành là một tấm gương sáng của ngành giáo dục Đan Phượng. Cô luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy và giáo dục học sinh với bạn bè đồng nghiệp, góp phần vào nâng cao chất lượng đội ngũ của nhà trường. Trong công tác giảng dạy và giáo dục học sinh, cô luôn tìm kiếm những điểm mạnh, điểm yếu, hoàn cảnh của các em. Từ đó có các giải pháp truyền cảm hứng, khơi gợi sự đam mê học tập, giúp học sinh tự tin hơn vào chính bản thân mình.

Không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Theo Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng, toàn huyện hiện có trên 2.400 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Những năm qua, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện bồi dưỡng thường xuyên; khuyến khích giáo viên tự bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ.

Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Đan Phượng.

Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Đan Phượng.

Đồng thời tổ chức các chuyên đề, đặc biệt là các chuyên đề giảng dạy Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 5, lớp 9. Đặc biệt, mời các chuyên gia về bồi dưỡng, chia sẻ xây dựng kế hoạch dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh; ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm giảng dạy; ứng dụng STEM, STEAM trong phát triển chương trình giáo dục...

Với những nỗ lực, cố gắng của các nhà trường, của đội ngũ nhà giáo, kết thúc năm học 2023 - 2024, toàn ngành có 51 cán bộ quản lý, giáo viên hoàn thành lớp thạc sĩ, 177 giáo viên tốt nghiệp đại học, nâng tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đạt chuẩn, trên chuẩn đạt 91,2%. Ngành giáo dục huyện phát triển thêm 107 đảng viên mới, nâng tỷ lệ đảng viên toàn ngành lên 52,5%.

Nhiều đổi mới trong hoạt động giáo dục giúp học sinh Đan Phượng hứng thú với các môn học.

Nhiều đổi mới trong hoạt động giáo dục giúp học sinh Đan Phượng hứng thú với các môn học.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng cho biết, nhiều trường đã triển khai những giải pháp mới trong bồi dưỡng, nâng cao chất lượng như: tiết dạy số 0, tiết dạy ngoài giờ chính khóa, tiết dạy online theo nhu cầu người học. Đồng thời phối hợp sinh viên giỏi trên địa bàn tổ chức các câu lạc bộ môn học, bồi dưỡng học sinh theo đối tượng... thể hiện được tính trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ nhà giáo và mang tính nhân văn sâu sắc khi các tiết dạy trên đều là miễn phí. Tiêu biểu như các trường THCS Tô Hiến Thành, Liên Hồng, Thọ Xuân...

Một hoạt động tiêu biểu nữa cũng thu hút được đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh tham gia đó là Ngày hội công nghệ thông tin, STEM, văn hóa và thể thao. Đây là cơ hội để các nhà trường, giáo viên được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, chỉ đạo trên nền tảng số, ứng dụng các phần mềm trong giảng dạy và giao lưu văn hóa thể thao…

Lan tỏa từ ngày hội, các nhà trường thi đua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, triển khai hiệu quả các phần mềm trong quản lý, giảng dạy và thực hiện thí điểm thành công phần mềm học bạ số cấp tiểu học. Tiêu biểu như các Trường Mầm non: Đan Phượng, Tân Hội A; Tiểu học: Đan Phượng, Tân Lập A, Đồng Tháp, THCS: Tô Hiến Thành, Đan Phượng.

Lãnh đạo huyện Đan Phượng tuyên dương, khen thưởng các nhà giáo tiêu biểu.

Lãnh đạo huyện Đan Phượng tuyên dương, khen thưởng các nhà giáo tiêu biểu.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng cho biết thêm, hội thi giáo viên, nhân viên giỏi được tổ chức hàng năm nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt”. Tại hội thi, nhiều nhà giáo đã phát huy được năng lực, kỹ năng, phương pháp trong giảng dạy tạo sự lôi cuốn học sinh, phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh trong lĩnh hội kiến thức.

Năm học 2023 – 2024, huyện Đan Phượng có 156 lượt giáo viên, nhân viên được công nhận giáo viên dạy giỏi, nhân viên giỏi cấp huyện; 15 giáo viên, nhân viên được công nhận giáo viên, nhân viên giỏi cấp TP (trong đó có 5 giải Nhất, 6 giải Nhì, 4 giải Ba).

“Nhờ nỗ lực đổi mới, tâm huyết, sáng tạo của các thầy cô giáo, chất lượng giáo dục toàn diện của huyện có chuyển biến rõ nét, chất lượng học sinh được nâng lên với 75 giải cấp TP, tăng 7 giải so với năm học trước. Giáo dục Đan Phượng tiếp tục khẳng định trong tốp đầu khối huyện của TP Hà Nội” – bà Bùi Thị Thu Hằng chia sẻ.

Thiên Tú

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huyen-dan-phuong-nhieu-tam-guong-nha-giao-tam-huyet-sang-tao.html
Zalo