Huyện Chợ Gạo: Sức bật từ thực hiện các nghị quyết chuyên đề

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025, thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) chú trọng ban hành các nghị quyết chuyên đề bám sát yêu cầu thực tiễn, nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ và bước đầu tạo chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực.TẬN DỤNG THẾ MẠNH NÔNG NGHIỆP

Thực hiện Nghị quyết 03 ngày 22-4-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XI về tiếp tục lãnh đạo phát triển vùng sản xuất chuyên canh cây thanh long đến năm 2020 và những năm tiếp theo, đến nay toàn huyện có 6.735 ha thanh long, trong đó có 5.700 ha cho sản phẩm.

Huyện Chợ Gạo có 44 sản phẩm OCOP, trong đó 26 sản phẩm 3 sao và 18 sản phâm 4 sao.

Huyện Chợ Gạo có 44 sản phẩm OCOP, trong đó 26 sản phẩm 3 sao và 18 sản phâm 4 sao.

Theo đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân đăng ký xây dựng mã số vùng trồng. Đồng thời, phối hợp với sở, ngành tỉnh quản lý chặt chẽ các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói thanh long đã được cấp mã số xuất khẩu trên địa bàn huyện. Mặt khác, huyện đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân duy trì và giữ vững diện tích cây thanh long; bởi thanh long là 1 trong 2 cây trồng chủ lực của huyện.

Để tạo thuận lợi cho sản xuất thanh long, bằng các nguồn vốn khác nhau, huyện đã thực hiện các công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có trồng thanh long; hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư; hệ thống lưới điện được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp đảm bảo phục vụ việc xông đèn ra hoa trái vụ trên thanh long.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp xây dựng mô hình dùng đèn compact thay thế đèn sợi đốt để xông thanh long ra hoa trái vụ nhằm giúp nhà vườn tiết kiệm điện, giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập…

Các xã trên địa bàn huyện Chợ Gạo đã có hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ thanh long; nhiều cơ sở chuyên thu mua, sơ chế thanh long có xây dựng kho lạnh để bảo quản thanh long. Giá thanh long hiện nay đã ổn định hơn trước; giá thanh long xông đèn ruột trắng từ 13.000 đến 18.000 đồng/kg, ruột đỏ từ 24.000 đến 28.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân có thu nhập khá.

Trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế, đặc biệt là lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, Huyện ủy xác định bên cạnh cây thanh long thì dừa là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, có lợi thế, tiềm năng phát triển, là 1 trong 2 loại cây chủ lực của huyện Chợ Gạo.

Do đó, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề về phát triển cây thanh long, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Huyện ủy đã ban hành 2 Nghị quyết chuyên đề: Lãnh đạo phát triển vùng sản xuất chuyên canh cây dừa đến năm 2025 và những năm tiếp theo; lãnh đạo phát triển kinh tế tập thể, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 10 ngày 1-12-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về lãnh đạo phát triển vùng sản xuất chuyên canh cây dừa đến năm 2025 và những năm tiếp theo, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang tổ chức tuyên truyền, chọn hộ đủ điều kiện tham gia sản xuất dừa hữu cơ. Bên cạnh đó, huyện còn hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ sở thu mua, sơ chế sản phẩm có liên quan từ trái dừa.

Nông dân đã chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây dừa, nâng toàn huyện đến nay có 8.436 ha dừa; trong đó, có hàng chục ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đã tăng năng suất dừa từ 22 tấn lên 24 tấn/ha/năm, lợi nhuận bình quân đạt 129 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh trồng chuyên canh, nông dân còn tận dụng trồng cây ăn trái, cây ca cao, rau màu… xen canh vườn dừa để tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11 ngày 13-12-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về lãnh đạo phát triển kinh tế tập thể và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025, huyện khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế các sản phẩm của địa phương; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến; nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có 44 sản phẩm OCOP (ở 17 xã), trong đó 26 sản phẩm 3 sao và 18 sản phẩm 4 sao.

Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Phạm Hùng Vinh cho biết, việc phát triển cây thanh long và cây dừa thời gian qua còn tồn tại một số hạn chế như: Diện tích trồng của từng hộ dân ít, phân tán nên việc đầu tư kết cấu hạ tầng, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất chưa được đồng bộ; sâu, bệnh gây hại phát sinh nhiều. Việc quảng bá sản phẩm dừa chưa được thực hiện, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững, hiệu quả. Giá đầu ra của sản phẩm không ổn định; tình hình hạn, mặn có lúc kéo dài ảnh hưởng đến sự phát triển và năng suất của cây trồng.

Do đó, thời gian tới, các cấp, các ngành tập trung công tác tuyên truyền cho nông dân trồng thanh long, dừa tiếp tục duy trì diện tích. Các ngành chuyên môn tập trung thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, tập trung thực hiện sản xuất hữu cơ; xây dựng mã vùng trồng, nhãn hiệu, thương hiệu, truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu “Thanh long Chợ Gạo”, “Dừa Chợ Gạo”; tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại để giải quyết đầu ra của sản phẩm.

ĐƯA NGHỊ QUYẾT VÀO CUỘC SỐNG

Để các nghị quyết chuyên đề đi vào cuộc sống, huyện tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất hàng hóa, thúc đẩy sự hợp tác giữa “4 nhà” trong nông nghiệp; thực hiện có hiệu quả các dự án, mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế, đa dạng hóa sinh kế; tập trung phát triển các giống cây, con đặc sản, thế mạnh của địa phương, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, chuỗi tiêu thụ sản phẩm, mô hình kinh tế tập thể, mô hình khởi nghiệp; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp…

Thanh long là 1 trong 2 cây trồng chủ lực của huyện Chợ Gạo.

Thanh long là 1 trong 2 cây trồng chủ lực của huyện Chợ Gạo.

Việc thực hiện các nghị quyết chuyên đề của huyện Chợ Gạo đã góp phần quan trọng tạo nên cuộc thay đổi phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân không ngừng được cải thiện. Tình hình kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục giữ đà tăng trưởng khá.

Nếu so với cách đây khoảng 10 năm, diện mạo nông thôn huyện Chợ Gạo đã có bước tiến vượt bậc, đời sống nhân dân chuyển biến rõ nét. Khi mới bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), hầu hết các xã trên địa bàn huyện có xuất phát điểm thấp, hạ tầng yếu, thiếu, chưa được đầu tư; sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; cuộc sống người dân rất khó khăn. Năm 2024, xã Bình Ninh được chọn xây dựng NTM kiểu mẫu của tỉnh.

Từ chỗ cơ sở vật chất nghèo nàn, đường giao thông liên xã gập ghềnh, với sự vào cuộc của hệ thông chính trị, huy động người dân tham gia, đến năm 2022 xã đã hoàn thành xây dựng NTM nâng cao, 2024 hoàn thành xã NTM kiểu mẫu.

Nhiều xóm, ấp khang trang, đường giao thông cứng hóa ra tận đồng ruộng. Xã chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị cao; phát triển, mở mang ngành nghề nông thôn; đời sống người dân được cải thiện.

Một trong những điểm nổi bật là xã Bình Ninh đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 10 của Huyện ủy Chợ Gạo về lãnh đạo phát triển sản xuất vùng chuyên canh cây dừa đến năm 2025 và những năm tiếp theo; thực hiện Nghị quyết 11 của Huyện ủy về lãnh đạo phát triển kinh tế tập thể và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025.

Kết quả, đến nay toàn xã có 324 hộ đăng ký trồng dừa hữu cơ với diện tích 55 ha, triển khai tập huấn trồng dừa hữu cơ ở 12 ấp. Xã có 16 sản phẩm đạt OCOP của Công ty TNHH Ca cao Xuân Ron. Toàn xã có 30 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên các lĩnh vực; 16 công ty và 10 doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng/năm.

Qua gần 10 năm chuyển đổi sản xuất, đến nay huyện Chợ Gạo chỉ còn khoảng 132 ha lúa, có 17.310 ha chuyển sang trồng các cây ăn trái chủ lực như thanh long, dừa, bưởi, rau màu…. Đặc biệt, giá trị sản xuất bình quân trên thanh long là 600 triệu đồng/ha.

Mức thu nhập bình quân đầu người của huyện tăng từ 61 triệu đồng/năm (năm 2020) lên 72,85 triệu đồng/người (năm 2024). Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 1,91% năm 2020 còn 0,77% năm 2024; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1,11%; 2 xã (Thanh Bình, Quơn Long) không còn hộ nghèo. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng lên hơn 11.290 tỷ đồng.

Huyện Chợ Gạo là 1 trong 2 huyện của tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao, góp phần để Tiền Giang là một trong những tỉnh sớm nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.

SỚM MAI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202505/huyen-cho-gao-suc-bat-tu-thuc-hien-cac-nghi-quyet-chuyen-de-1043758/
Zalo