Huyện Chợ Gạo: Ngăn chặn sâu đầu đen gây hại dừa

Sâu đầu đen đang gây hại trên nhiều vườn dừa tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Để tránh dịch lây lan và gây thiệt hại lớn cho nhà vườn, ngành Nông nghiêp đang phối hợp với chính quyền địa phương tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp dập dịch.

NHIỀU VƯỜN DỪA BỊ THIỆT HẠI NẶNG

Xã Xuân Đông là khu vực bị sâu đầu đen gây hại nặng. Men theo tuyến đường Bắc Xuân Hòa, chúng tôi không khó để bắt gặp các vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại. Điều đáng nói, có vườn gần như bị thiệt hại hoàn toàn do dịch sâu đầu đen. Nhiều vườn dừa đang xanh tốt chỉ trong thời gian không lâu đã trở nên xơ xác, khô trắng.

Vườn dừa của ông Hết bị thiệt hại trên 90%.

Ông Nguyễn Phước Hết (ấp An Lạc Trung, xã Xuân Đông) trồng 1 công dừa lấy dầu. Cách nay khoảng 1 tháng, sâu đầu đen xuất hiện trên vườn dừa của gia đình ông gây thiệt hại rất nặng. Theo ông Hết, hiện vườn dừa của gia đình ông bị sâu đầu đen gây thiệt hại hơn 90%, khả năng không thể phục hồi được. Nhiều cây dừa bị sâu tấn công chết trụi.

Mặc dù gia đình ông Hết đã phun xịt thuốc, nhưng sâu đầu đen vẫn tấn công mạnh vườn dừa. “Ban đầu, lá dừa bị đốm đốm một vài lỗ. Khi xé ra để kiểm tra, tôi thấy con sâu nằm bên trong to bằng chân nhang. Sau đó, tình trạng nhiễm bệnh tiếp tục lan rộng. Hiện hầu hết cây dừa đã bị rụng sạch trái, lá cũng khô hết. Trước đây, trung bình mỗi tháng, gia đình tôi bán dừa được khoảng 1 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện sâu đầu đen gây thiệt hại hơn 90%, coi như mất nguồn thu nhập” - ông Hết buồn bã nói.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, sâu đầu đen gây hại cây dừa xuất hiện trên các vườn dừa cao trên 10 m và thiếu công lao động nên khó khăn trong công tác phát hiện, phòng trừ. Một số hộ dân chưa quan tâm đến sự gây hại của sâu đầu đen, không tham dự các cuộc tập huấn khi được địa phương mời. Mặt khác, tình hình giá dừa rẻ gây ảnh hưởng tới kinh tế của nông dân trong vùng nên người dân không có tiền để thuê công phun xịt. Việc phun xịt thuốc bảo vệ thực vật trên diện rộng có thể gây ảnh hưởng môi trường và các hộ chăn nuôi trong vùng sản xuất đó cũng là khó khăn hiện nay. Ngoài ra, một số ít nông dân chưa quan tâm đến công tác phòng, trị. Một số hộ mua đất trồng dừa trên địa bàn, nhưng lại thường trú ở nơi khác, hoặc chủ hộ thường xuyên đi làm xa, vắng nhà, chính quyền không liên hệ được trong công tác phòng, trị. Do đó, sâu đầu đen bùng phát và lây lan nhanh đến các hộ trồng dừa cùng địa bàn.

Phía bên kia kinh Xuân Hòa, gia đình ông Trần Văn E (ấp An Lạc Thượng, xã Xuân Đông) trồng được khoảng 1,2 ha dừa lấy dầu. Hiện vườn dừa đang trong giai đoạn từ 3 - 5 năm tuổi. Mấy ngày qua, sâu đầu đen bắt đầu xuất hiện tại một số cây dừa trong vườn dừa của gia đình ông.

Một số cây dừa đã xuất hiện tình trạng đốm trắng. Để ngăn chặn tình trạng nhiễm bệnh, gia đình ông đã tiến hành phun xịt thuốc được 2 lần. “Những vườn dừa ở phía Bắc kinh Xuân Hòa bị sâu đầu đen tấn công trước. Sau đó, tình trạng sâu gây hại mới lan sang các vườn dừa phía bờ Nam, trong đó có gia đình tôi. Loài sâu này rất nguy hiểm, cây dừa bị sâu gây hại nặng là chết luôn” - ông E lo ngại.

Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Đông Nguyễn Văn Mười, xã có diện tích dừa 668 ha. Theo thống kê, hiện toàn xã có khoảng 192 ha dừa với 442 hộ bị bệnh sâu đầu đen gây hại, trong đó có một số ít diện tích bị thiệt hại 100%. Trên địa bàn xã chỉ còn 1 ấp không có bệnh sâu đầu đen gây hại. Hiện xã đang phối hợp với huyện, ngành Nông nghiệp hướng dẫn người dân ngăn chặn dịch bệnh. Theo đó, trên địa bàn xã, mỗi ấp đã thành lập 1 tổ đến vận động trực tiếp người dân để phun xịt thuốc.

QUYẾT LIỆT NGĂN CHẶN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, dịch bệnh sâu đầu đen đang xuất hiện nhiều trên địa bàn huyện Chợ Gạo với tổng diện tích 211 ha dừa bị nhiễm bệnh. Trong đó, nhiều nhất tại xã Xuân Đông với diện tích 191 ha, xã Hòa Định 16,96 ha (27 hộ) và An Thạnh Thủy 1,55 ha (4 hộ). Tỷ lệ nhiễm bệnh rất nặng, từ 60% - 70%; có một số khu vực tỷ lệ nhiễm bệnh 100%. Trong đó, có một số diện tích dừa bị nhiễm nặng gần như không còn khả năng phục hồi. Đặc điểm của sâu đầu đen là xuất hiện nhiều trên các loại dừa cao trên 10 m.

Nhiều vườn dừa tại xã Xuân Đông bị thiệt hại nặng do sâu đầu đen.

Cũng theo Sở NN&PTNT, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương tăng cường thông tin về sâu đầu đen hại dừa. Song song đó, ngành Nông nghiệp còn tổ chức tập huấn hướng dẫn biện pháp quản lý sâu đầu đen hại dừa; phát tờ bướm hướng dẫn biện pháp quản lý tạm thời… Đồng thời, vận động người dân chủ động phun xịt đồng loạt trên các vườn bị nhiễm sâu đầu đen để tránh lây lan trên diện rộng; đốn bỏ và tiêu hủy những vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại nặng và không có khả năng phục hồi. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo nhà vườn cần áp dụng biện pháp hóa học để phòng trừ kịp thời rồi mới tiếp tục áp dụng các biện pháp sinh học như ong ký sinh…

Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, vừa qua, Sở cùng Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam đã có buổi làm việc với UBND huyện Chợ Gạo để có giải pháp tập trung dập dịch trong thời gian sớm nhất. Năm 2021, dịch sâu đầu đen gây hại dừa đã xuất hiện 1 lần, nhưng không nhiều bằng đợt này. Đối với những vườn dừa lão bị dịch bệnh tấn công khả năng không còn thu hoạch được, ngành Nông nghiệp vận động nhà vườn cắt bỏ và đốt tập trung tiêu diệt mầm bệnh. Đối với vườn dừa 5 - 6 tuổi thời gian thu hoạch còn dài thì phun thuốc hóa học, sinh học để ngăn chặn. Giải pháp về lâu dài vẫn là thả thiên địch trên diện rộng.

Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương theo dõi chặt chẽ, điều tra, phát hiện kịp thời những diện tích nhiễm sâu đầu đen và hướng dẫn nông dân biện pháp xử lý kịp thời để tránh bệnh lây lan trên diện rộng. Đồng thời, tổ chức lớp TOT cho cấp huyện, cấp xã ở địa phương có trồng dừa về nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh trên sâu đầu đen hại dừa trong thời gian tới nhằm quản lý hiệu quả sâu đầu đen bằng biện pháp sinh học bền vững và an toàn.

“Ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp cùng Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam và UBND huyện Chợ Gạo quyết tâm dập dịch trong thời gian sớm nhất, không để lây lan diện rộng, gây thiệt hại lớn cho nhà vườn” - đồng chí Nguyễn Văn Mẫn thông tin thêm.

T. ĐẠT

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202408/huyen-cho-gao-ngan-chan-sau-dau-den-gay-hai-dua-1017831/
Zalo