Đường sắt dừng chạy các tàu qua cầu Long Biên do nước sông Hồng dâng cao

Để đảm bảo cho hành khách và kết cấu hạ tầng giao thông, ngành đường sắt sẽ không chạy tàu qua Cầu Long Biên do nước sông Hồng dâng cao và chảy siết.

Nước sông Hồng dâng cao và chảy siết nên ngành đường sắt quyết định dừng chạy tàu qua cầu Long Biên. Ảnh: Vietnam+

Nước sông Hồng dâng cao và chảy siết nên ngành đường sắt quyết định dừng chạy tàu qua cầu Long Biên. Ảnh: Vietnam+

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (siêu bão Yagi), mực nước sông Hồng lên cao và chảy xiết, để đảm bảo an toàn cho hành khách sáng 10.9, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thông báo sẽ không chạy tàu qua cầu Long Biên.

Theo đó, các đoàn tàu khách tuyến Hà Nội-Hải Phòng sẽ thay đổi lịch trình với Ga Gia Lâm là ga xuất phát và kết thúc hành trình.

Hành khách có vé có ga đi từ Ga Hà Nội, Ga Long Biên di chuyển tới Ga Gia Lâm để đi tàu. Hành khách có vé tàu có ga đến là Ga Hà Nội, Ga Long Biên sẽ kết thúc hành trình tại Ga Gia Lâm.

Theo ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội, hiện mỗi ngày đường sắt có khoảng 14 chuyến tàu đi qua cầu Long Biên, trong đó có 8 chuyến tàu Hà Nội-Hải Phòng; 2 chuyến tàu Hà Nội-Lào Cai; và 4 chuyến tàu hàng.

Trước đó, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới qua khu vực Bắc Bộ nối với hoàn lưu của vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 3, tại tỉnh Yên Bái có mưa lớn, ngành đường sắt đã dừng chạy tàu khách Hà Nội-Lào Cai.

Cụ thể, tàu khách SP3 và SP4 chặng Hà Nội-Lào Cai sẽ dừng chạy trong ngày 8/9, kế hoạch khai thác lại tuyến này sẽ tùy thuộc vào tình hình thời tiết và Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về mưa lũ để thông báo tới khách đi tàu.

Cầu Long Biên được biết là cây cầu huyết mạch, kết nối các tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng, Hà Nội-Lạng Sơn với mạng lưới đường sắt quốc gia. Đây là cây cầu bằng thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, nối liền 2 quận Hoàn Kiếm và Long Biên, do người Pháp xây dựng từ năm 1898, khánh thành vào ngày 28.2.1902, ban đầu có tên là cầu Doumer.

Sau ngày Thủ đô giải phóng, cầu được đổi tên thành Long Biên.

Cấm nhiều loại xe ôtô qua cầu Chương Dương

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (siêu bão Yagi), các nhà máy thủy điện đang xả lũ dẫn đến mực nước sông Hồng dâng cao, dòng chảy xiết, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng công trình cầu, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa thông báo về việc hạn chế các phương tiện lưu thông trên cầu Chương Dương để bảo đảm an toàn giao thông cho người và các phương tiện lưu thông qua cầu.

Cụ thể, từ 8h30 ngày hôm nay (ngày 10.9), theo hướng từ Hoàn Kiếm đi Long Biên: cấm các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ; cấm xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn; xe buýt được phép hoạt động.

Hường từ Long Biên đi Hoàn Kiếm: cấm các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ; cấm xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn; xe buýt được phép hoạt động.

Phương tiện lưu thông qua cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng, lối lên từ Nguyễn Văn Cừ. Ảnh: Tuấn Đức

Các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ và xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn có nhu cầu đi qua cầu Chương Dương lưu thông theo các cầu Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy và Thăng Long.

“Việc điều chỉnh tổ chức giao thông hạn chế các phương tiện lưu thông trên cầu Chương Dương sẽ bắt đầu từ 8h30 ngày 10.9 cho đến khi có thông báo thay thế,” ông Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho hay.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội bố trí lực lượng hướng dẫn phân luồng cho các phương tiện tham gia giao thông nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tránh gây ùn tắc giao thông; tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tư đô thị trên tuyến đường, nút giao; theo dõi, đánh giá tình hình giao thông đi lại trên tuyến và khu vực để kịp thời phát hiện các bất cập, đề xuất phương án điều chỉnh tổ chức giao thông cho phù hợp.

Công an các quận Hoàn Kiếm, Long Biên và chính quyền địa phương phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Cảnh sát giao thông Hà Nội và các đơn vị có liên quan điều tiết, hướng dẫn phân luồng giao thông, tránh gây ùn tắc giao thông.

Phòng Quản lý Vận tải thông báo cho các bến xe, các doanh nghiệp vận tải nắm bắt lộ trình hướng dẫn phân luồng từ xa để điều chỉnh lộ trình tuyến cho phù hợp theo phương án phân luồng tổ chức giao thông.

Phòng Quản lý Kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục theo dõi, thường xuyên cập nhật tình hình mưa lũ sau bão và đánh giá tình hình giao thông qua cầu Chương Dương và khu vực lân cận để kịp thời phát hiện những bất cập, đề xuất phương án và báo cáo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình giao thông thực tế.

Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông triển khai thực hiện phương án điều chỉnh tổ chức giao thông (bổ sung biển báo, biển chỉ dẫn…); thường xuyên cập nhật tình hình mưa lũ sau bão, theo dõi mực nước trên sông Hồng để kịp thời phát hiện các hư hỏng đối với kết cấu hạ tầng công trình cầu, báo cáo Sở Giao thông vận tải để xử lý, bảo đảm an toàn giao thông.

Ban này cũng được giao tăng cường công tác kiểm tra cầu để kịp thời phát hiện các hư hỏng và đề xuất phương án xử lý bảo đảm an toàn giao thông; theo dõi, đánh giá tình hình giao thông đi lại trên cầu và khu vực để kịp thời phát hiện các bất cập, đề xuất phương án điều chỉnh cho phù hợp.

______________________

Cấm các phương tiện đường thủy qua cầu Vĩnh Phú do có tàu mắc kẹt

Sáng 10.9, Chi cục đường thủy nội địa khu vực 1 (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) đã có thông báo hạn chế giao thông đường thủy nội địa khu vực cầu Vĩnh Phú qua sông Lô do có phương tiện thủy bị mắc kẹt vào trụ và thành cầu này.

Một xà lan lớn mắc kẹt tại cầu Vĩnh Phú. Ảnh: TTXVN

Theo đó, thời gian hạn chế giao thông từ 8h30 ngày 10.9 đến khi Chi cục đường thủy nội địa khu vực 1 có thông báo mới.

Phạm vi hạn chế giao thông khu vực cầu Vĩnh Phú có lý trình đường thủy nội địa Km10+850 sông Lô, thuộc địa bàn phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc (trừ các phương tiện thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, điều tiết hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông).

“Thuyền trưởng, người lái phương tiện phải chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng; nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa,” ông Phạm Đình Kiêu, Phó Chi cục trưởng Chi cục đường thủy nội địa khu vực 1 nói.

Việt Hùng

Việt Hùng

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/duong-sat-dung-chay-cac-tau-qua-cau-long-bien-do-nuoc-song-hong-dang-cao-45174.html
Zalo