Huy động tài chính cho giải pháp ô nhiễm nhựa tại Việt Nam

Theo ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, để tiếp tục thực hiện quyết tâm giảm thiểu ô nhiễm nhựa, Việt Nam cần tìm kiếm các công cụ tài chính để giải quyết ô nhiễm nhựa, tạo động lực cho các sáng kiến sáng tạo, hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn nhựa, phát triển kinh tế xanh, bao trùm và bền vững.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TL

Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TL

Ngày 12/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Huy động tài chính cho giải pháp ô nhiễm nhựa tại Việt Nam: Từ lý thuyết đến thực thi”.

Phát biểu hội thảo, ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, cho biết: Trong nỗ lực nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa, những năm qua, các cơ quan chính phủ Việt Nam, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp triển khai các chương trình, dự án nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa.

Qua đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong quá trình giảm thiểu ô nhiễm nhựa và từng bước cải thiện hình ảnh quốc gia, đưa tên ra khỏi danh sách các quốc gia gây ô nhiễm nhựa hàng đầu trên thế giới. Để tiếp tục thực hiện quyết tâm giảm thiểu ô nhiễm nhựa, Việt Nam cần tìm kiếm các công cụ tài chính để giải quyết ô nhiễm nhựa, tạo động lực cho các sáng kiến sáng tạo, hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn nhựa, phát triển kinh tế xanh, bao trùm và bền vững. Đồng thời khuyến nghị triển khai các giải pháp tài chính cho vấn đề ô nhiễm nhựa tại Việt Nam, đảm bảo thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, cũng như các định chế tài chính, đảm bảo nguồn lực thực thi cho các hoạt động này.

TS. Muthukumara S. Mani, Chuyên gia trưởng về Kinh tế Môi trường và Biến đổi Khí hậu khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh: Các cơ chế tài chính sáng tạo đóng vai trò quan trọng để vượt qua thách thức về ô nhiễm nhựa. Huy động nguồn lực và tận dụng các công cụ như trái phiếu dựa trên kết quả, tín chỉ nhựa, và quan hệ hợp tác công tư có thể mở khóa nguồn vốn cần thiết để chuyển đổi hệ thống quản lý chất thải.

Ông Patrick Haverman, Phó trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho rằng: ”Hội thảo diễn ra tại một thời điểm đặc biệt, ngay sau khi Phiên đàm phán của Ủy ban Liên chính phủ lần thứ năm (INC-5) vừa kết thúc. Mặc dù Phiên đàm phán đạt được một số bước tiến đáng kể để hướng tới một thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, chúng ta vẫn còn những thách thức lớn cần vượt qua, đặc biệt là trong việc xây dựng các cơ chế tài chính công bằng và huy động nguồn lực hiệu quả để giải quyết ô nhiễm nhựa tại Việt Nam. Hơn thế nữa, chúng ta cần đảm bảo một lộ trình tài chính rõ ràng, lồng ghép các cam kết của Thỏa thuận vào kế hoạch chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn nhựa của quốc gia”.

Hội thảo “Huy động tài chính cho giải pháp ô nhiễm nhựa tại Việt Nam: Từ lý thuyết đến thực thi”. Ảnh: TL

Hội thảo “Huy động tài chính cho giải pháp ô nhiễm nhựa tại Việt Nam: Từ lý thuyết đến thực thi”. Ảnh: TL

Trong khuôn khổ hội thảo diễn ra 2 phiên thảo luận. Cụ thể, tại Phiên 1: Công cụ tài chính để giải quyết ô nhiễm nhựa, ông Michikazu Kojima, Chuyên gia Kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), đã có bài trình bày chi tiết về các lựa chọn tài chính để cải thi cũng như xử lý rác thải.

Ông Tao Wang, Chuyên gia cấp cao về Biến đổi khí hậu và Môi trường tại Ngân hàng Thế giới và Bà Mira Nahouli, Cán bộ cấp cao thuộc Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) phân tích báo cáo của Ngân hàng Thế giới về các nguồn tài chính bền vững nhằm giải quyết khủng hoảng nhựa hiện nay.

Tại Phiên 2: Khuyến nghị triển giải pháp tài chính cho vấn đề ô nhiễm nhựa tại Việt Nam. Bà Trần Minh Huế, chuyên viên chính Vụ Khoa học, Giáo dục và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác và vai trò của các bên liên quan trong tài trợ các tác động giảm thiểu rác nhựa và hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, bà Lê Nguyễn Bảo Khánh, Trưởng ban Phát triển đối tác và doanh nghiệp, FiinGroup đã giới thiệu tổng quát về nguồn vốn xanh cho các giải pháp tuần hoàn nhựa tại thị trường Việt Nam. Cũng tại Hội thảo, bà Sohini Ghosh Mukherjee, Quản lý tại Công ty Kiểm toán KPMG Ấn Độ đã chia sẻ đánh giá ban đầu về phương pháp nghiên cứu xây dựng lộ trình tài chính cho các hoạt động giảm thiểu ô nhiễm nhựa tại Việt Nam./.

Theo dangcongsan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/huy-dong-tai-chinh-cho-giai-phap-o-nhiem-nhua-tai-viet-nam-5031585.html
Zalo