Huy động, quản lý, sử dụng Quỹ Nhà ở quốc gia bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội tại phiên thảo luận Tổ 10 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Phú Yên), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, cần quy định rõ ràng hơn theo hướng Quỹ Nhà ở quốc gia thực hiện chức năng bảo đảm nguồn vốn, kinh phí để đầu tư xây dựng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 10, sáng 21/5. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 10, sáng 21/5. Ảnh: Hồ Long

Sáng 21/5, tiếp tục Kỳ họp thứ Chín, các ĐBQH tiến hành thảo luận ở Tổ về: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.

Bổ sung nội dung Chính phủ bố trí, cân đối nguồn vốn

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ 10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, hiện nay chúng ta đang trong khí thế cách mạng tiến công, tất cả mọi hướng đều mở ra cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để thúc đẩy phát triển, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên cất cánh. Hiện nay các công việc đang được tiến hành rất khẩn trương với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” vì vậy phải có cơ chế kiểm soát, phòng ngừa rủi ro.

Do đây là nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần có quy định về điều khoản chuyển tiếp. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị quyết hiện nay chưa có nội dung này.

Điều 12 dự thảo Nghị quyết quy định thời gian thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hải Phòng quy định tại Chương II là 5 năm; riêng đối với các cơ chế, chính sách quy định tại Điều 9, Điều 10 Nghị quyết này thời gian thực hiện thí điểm là 10 năm.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quy định như vậy là chưa hợp lý, chưa chặt chẽ. Nghị quyết thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hải Phòng trong 5 năm nhưng những cơ chế, chính sách đã được quyết định cho chủ thể được hưởng thì nên hưởng hết thời gian được quyết định.

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề cấp bách và cũng rất mới. Đối tượng áp dụng của Nghị quyết là cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan đến phát triển, quản lý, sử dụng, sở hữu nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân tuy không gọi là nhà ở xã hội nhưng cũng có tính chất xã hội rất cao, rất cần thiết.

Một điểm mới nữa là nhà ở xã hội khi xây dựng xong có được bán, cho thuê và cho thuê mua; các cơ quan nhà nước có thể thuê nhà ở xã hội sau đó cho cán bộ thuê lại, nhất là tại những tỉnh trong diện sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh thì rất cần thiết.

Về Quỹ nhà ở quốc gia quy định tại Điều 4 dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nguồn ngân sách nhà nước chỉ là một phần, thời gian tới chủ yếu là phải huy động nguồn lực xã hội hóa. Khoản 3 Điều 4 quy định “Quỹ Nhà ở quốc gia thực hiện chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê”. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm, quỹ có chức năng chủ yếu là cung cấp vốn để đầu tư, do đó, trong khoản 3 cần quy định rõ ràng hơn theo hướng Quỹ Nhà ở quốc gia thực hiện chức năng bảo đảm nguồn vốn, kinh phí để đầu tư xây dựng.

Về tổ chức thực hiện quy định tại Điều 13, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần bổ sung nội dung Chính phủ phải bố trí, cân đối nguồn vốn hoặc hướng dẫn địa phương bố trí vốn và trong trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho các đối tượng có thu nhập thấp

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, các ĐBQH cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, đồng thời hoàn thành mục tiêu đã được đề ra tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.

ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhấn mạnh, chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, phát triển nhà ở xã hội sẽ giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Đây là yêu cầu bức thiết đặt ra hiện nay.

Trong Đề án của Chính phủ đặt ra mục tiêu Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Theo báo cáo của Chính phủ, từ năm 2021 đến nay cả nước có khoảng 657 dự án xây dựng nhà ở xã hội, quy mô 597.152 căn và hiện có 103 dự án hoàn thành với 66.755 căn, 140 dự án đang khởi công với khoảng 124.352 căn, 414 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô khoảng hơn 406.045 căn.

Như vậy, theo đại biểu Dương Khắc Mai, đến nay mới chỉ đạt khoảng hơn 15%, không đạt chỉ tiêu đã đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2025. Từ nay đến năm 2030 thời gian không còn nhiều, trong khi đó số lượng các căn hộ cần được gấp rút hoàn thành là rất lớn, khoảng trên 150.000 căn/năm. Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay đang tiến hành sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, có nhiều cán bộ, công chức ở các địa phương phải di dời đến đơn vị mới để thực hiện nhiệm vụ, đại biểu tán thành việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù như quy định tại dự thảo Nghị quyết.

Nhất trí với việc thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị, trong quản lý, sử dụng Quỹ phải có quy định chặt chẽ để việc huy động, quản lý, sử dụng Quỹ bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/huy-dong-quan-ly-su-dung-quy-nha-o-quoc-gia-bao-dam-dung-muc-dich-hieu-qua-10373147.html
Zalo