Huy động nguồn vốn xã hội hóa để xóa nhà tạm, nhà dột nát
Bên cạnh nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng góp kinh phí để thực hiện chương trình.
Các nguồn vốn xã hội hóa đã tạo điều kiện cho hộ nghèo sớm ổn định cuộc sống và giúp địa phương hoàn thành mục tiêu đề ra.
Từ đầu năm đến nay, xã Cửu An đã sửa chữa 5 căn nhà và xây dựng 6 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí hơn 1,25 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước hỗ trợ 530 triệu đồng; doanh nghiệp, người dân ủng hộ 86 triệu đồng; các gia đình đóng góp gần 635 triệu đồng và lực lượng quân đội hỗ trợ 572 ngày công.
Anh Nguyễn Văn Nhi (thôn An Điền Bắc, xã Cửu An) cho biết: Vì điều kiện kinh tế khó khăn nên gia đình tôi phải sống trong căn nhà cũ nát. Đầu tháng 3 vừa qua, được xã hỗ trợ đất đổ nền, Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên hỗ trợ 60 triệu đồng, Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2) hỗ trợ công lao động và 1.000 viên gạch, vợ chồng tôi vay mượn thêm 10 triệu đồng để xây dựng căn nhà chắc chắn.

Được hỗ trợ kinh phí, vật liệu, ngày công gia đình anh Nguyễn Văn Nhi (thôn An Điền Bắc, xã Cửu An) xây dựng ngôi nhà chắc chắn. Ảnh: A.P
Ông Trần Hoàng Quang-Phó Bí thư Đảng ủy, quyền Chủ tịch UBND xã Cửu An-cho hay: “Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát xã đã vận động các đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân ủng hộ kinh phí, vật liệu, ngày công để thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Nhờ kịp thời huy động các nguồn vốn xã hội hóa, đến nay, xã đã hoàn thành kế hoạch đề ra”.
Tại phường Ngô Mây, cán bộ, người dân, doanh nghiệp đã đóng góp hàng chục triệu đồng, hàng trăm ngày công cùng nhiều vật liệu giúp các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo sửa chữa, xây dựng nhà ở. Với tinh thần tương thân tương ái, ngày 12-5 vừa qua, gia đình bà Lê Thị Tâm (tổ 4) đã ủng hộ phường Ngô Mây 50 triệu đồng.
“Tôi thấy chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát hết sức nhân văn, thiết thực. Vì vậy, tôi đã vận động con cháu gom góp ít tiền để chia sẻ một phần khó khăn với các hộ nghèo, cận nghèo để họ được an cư, có thêm động lực vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm ổn định cuộc sống”-bà Tâm chia sẻ.

Bà Lê Thị Tâm (thứ 2 từ trái sang, tổ 4, phường Ngô Mây) ủng hộ kinh phí cho chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: A.P
Còn ông Trần Quang Kiên-Giám đốc Nhà máy Đường An Khê thì thông tin: “Những năm qua, Nhà máy thường xuyên chung tay, góp sức cùng địa phương thực hiện các hoạt động an sinh xã hội. Hưởng ứng phong trào chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, Nhà máy ủng hộ thị xã 120 triệu đồng, góp phần cùng địa phương sửa chữa, xây dựng nhà cho hộ nghèo, để không ai bị bỏ lại phía sau”.
Nhằm huy động hiệu quả các nguồn vốn xã hội hóa, Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát thị xã An Khê có thư ngỏ kêu gọi sự ủng hộ chương trình của các tổ chức, cá nhân. Từ khi phát thư kêu gọi, Ban Chỉ đạo thị xã đã tiếp nhận hơn 2 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Ông Huỳnh Minh Thiện-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã-khẳng định: “Sự đóng góp của các công ty, nhà máy và người dân không chỉ là sự hỗ trợ về kinh phí, giúp thị xã hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, sự quan tâm, sẻ chia trách nhiệm của toàn xã hội đối với những gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở, giúp họ sớm an cư, ổn định cuộc sống”.