Huy động nguồn lực, đưa thành phố ngày càng phát triển

Để thành phố Huế trực thuộc Trung ương ngày càng phát triển, sự đóng góp nguồn lực từ người dân, tổ chức, doanh nghiệp (DN) là rất cần thiết.

Lãnh đạo thành phố Huế khởi công xây dựng xóa nhà tạm ở huyện Phú Lộc

Lãnh đạo thành phố Huế khởi công xây dựng xóa nhà tạm ở huyện Phú Lộc

Thêm nguồn lực xóa nhà tạm

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chánh Văn phòng UBND TX. Phong Điền thông tin: Tính từ năm 2021 đến tháng 3/2025, Phong Điền có hơn 150 hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ xây nhà mới và sửa chữa nhà bị xuống cấp; trong đó, có 66 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ hơn 2,5 tỷ đồng từ nguồn huy động xã hội hóa để xây mới và sửa chữa nhà ở.

Theo ông Dũng, để huy động các nguồn lực chung tay xóa nhà tạm, Phong Điền đã chủ động kêu gọi thêm sự chung sức hướng về quê hương của các cá nhân, tổ chức đang làm ăn, sinh sống xa quê. Nổi bật là kết nối với Hội Đồng hương Phong Điền ở TP. Hồ Chí Minh tổ chức giải quần vợt từ thiện. Qua các hoạt động này, mỗi năm đã hỗ trợ xây mới 10 - 12 ngôi nhà...

Ông Lê Công Tưởng, đại diện Hội Đồng hương Phong Điền ở TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, cứ mỗi năm có thêm những mái ấm vững chắc được xây dựng, giúp người dân ổn định cuộc sống. Đó cũng là động lực để những người con xa quê tìm mọi cách có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ cho quê hương.

Trên địa bàn toàn TP. Huế hiện nay, ngoài người có công cách mạng và người được hỗ trợ theo chương trình mục tiêu Quốc gia, còn có 386 hộ gia đình cần hỗ trợ nhà ở; trong đó, 80 hộ cần xây mới và 306 hộ sửa chữa nhà. Tổng kinh phí hỗ trợ cho 386 hộ là gần 14 tỷ đồng. Thành phố quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn trước ngày 30/7/2025.

 Hạ tầng nông thôn ngày càng khang trang

Hạ tầng nông thôn ngày càng khang trang

Ông Nguyễn Tiến Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Huế cho biết, từ nguồn Quỹ Vì người nghèo của thành phố sẽ hỗ trợ 4,66 tỷ đồng; trong đó, hỗ trợ 80 nhà xây mới, mỗi nhà 20 triệu đồng và 306 hộ sửa chữa, mỗi hộ 10 triệu đồng. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đang tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của của các tổ chức, DN, cá nhân để hỗ trợ thêm các vật dụng phục vụ đời sống của người dân khi vào nhà mới.

Tại buổi làm việc của Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát TP. Huế đầu tháng 3/2025, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH TP. Huế, ông Lê Trường Lưu cho rằng, bên cạnh bố trí nguồn ngân sách để thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát, một giải pháp mang tính lâu dài, tăng thêm nguồn lực là huy động xã hội hóa từ các tổ chức, DN, cá nhân. Qua thời gian, nhà của người dân sẽ bị xuống cấp, hư hỏng cũng cần có nguồn kinh phí để hỗ trợ sửa chữa. Khi có thêm các nguồn xã hội hóa tốt, sự hỗ trợ từ cộng đồng cũng là giải pháp để tạo thêm việc làm, hỗ trợ sản xuất, giúp các hộ nghèo ổn định cuộc sống lâu dài.

Góp thêm sức người, sức của

Trong chặng đường phát triển của TP. Huế, sự tham gia đóng góp sức người, sức của từ người dân, các tổ chức, DN đã từng bước làm thay đổi bộ mặt từ đô thị đến nông thôn. Người dân đã hiến đất để mở rộng đường làng, ngõ xóm; đóng góp từng công lao động để làm cho những ngôi trường, đường phố thêm khang trang, sạch đẹp. Nhiều mô hình kinh tế mới được áp dụng, người dân giúp nhau trong làm ăn kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.

Ông Trần Quang Dũng, Đội phó Đội quản lý đô thị quận Thuận Hóa (nguyên Chủ tịch UBND phường An Cựu, quận Thuận Hóa) cho rằng: Một cán bộ, người dân, tổ chức, DN đóng góp một phần nhỏ sức của, sức người sẽ tạo ra một nguồn lực rất lớn để thực hiện các nhiệm vụ chung. Như trong năm 2024, từ nguồn kinh phí vận động được từ các cơ quan, DN, các cơ sở kinh doanh, phường An Cựu đưa vào sử dụng 10 điểm vệ sinh miễn phí phục vụ du khách; xây dựng 2 điểm xanh văn hóa với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng. Thông qua việc huy động các nguồn lực đã trao 8.500 suất quà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình khó khăn với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng.

Hay như tại thôn Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, để thực hiện dự án đường Phú Mỹ - Thuận An, hàng trăm hộ gia đình đã chủ động bàn giao hàng chục ha đất nông nghiệp và di dời lăng mộ của họ tộc, gia đình. Tại Tỉnh lộ 10A, hơn 50 hộ dân trên tuyến đường tự tháo dỡ các công trình lấn chiếm lòng, lề đường. Người dân hiến hàng ngàn m2 đất mở rộng các tuyến đường thôn, xóm trên địa bàn và đóng góp nguồn lực xây dựng các công trình công cộng tại địa phương.

Tại quận Phú Xuân, đã triển khai nhiều mô hình xây dựng đô thị, như: “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường, văn minh, hiện đại”; “Điểm xanh văn hóa”, “Khu dân cư văn minh - thân thiện - an toàn - giàu bản sắc”… Các mô hình đã huy động được sự tham gia hưởng ứng tích cực của người dân, tạo được điểm nhấn trong phát triển đô thị ở quận.

Ông Hoàng Tân Ninh, Phó Chủ tịch UBND quận Phú Xuân cho hay: “Trong kế hoạch phát triển, Phú Xuân xác định sẽ xây dựng những không gian mang đậm bản sắc văn hóa Huế. Để làm được điều này, sự tham gia hưởng ứng của toàn thể người dân là yếu tố quyết định. Mục tiêu hướng đến là khi du khách đến với quận Phú Xuân, sẽ cảm nhận được sự khác biệt, xứng đáng là quận trung tâm của TP. Huế trực thuộc Trung ương”.

Thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tiếp tục con đường phát triển. Trên hành trình đến những mục tiêu đã được vạch ra, sự chung sức, đồng hành của toàn thể người dân, tổ chức, DN sẽ là nguồn sức mạnh to lớn để thực hiện các nhiệm vụ đạt hiệu quả.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/huy-dong-nguon-luc-dua-thanh-pho-ngay-cang-phat-trien-152357.html
Zalo