Chàng trai biến sân thượng ở TPHCM thành 'vườn chữa lành' sum sê
Anh Trí biến sân thượng tầng 6 của căn nhà tại quận 10, TPHCM, thành 'khu vườn tuổi thơ' như ở quê nhà, quanh năm sum sê rau xanh, bầu, bí lúc lỉu trên giàn, chim hót líu lo.
Anh Nguyễn Đức Trí (SN 1994, quê ở Quảng Ngãi), hiện là kiến trúc sư, sống ở TPHCM. Yêu thích làm vườn, chăm cây và mong muốn nghiên cứu nhiều hơn về kiến trúc xanh, bền vững, anh Trí đã cải tạo, biến sân thượng tầng 6 nơi mình ở thành một "nông trại" xanh mướt, sum sê rau trái.
"Bố tôi là một nghệ nhân cây cảnh, nên từ nhỏ tôi đã yêu thích trồng cây và thường phụ giúp bố mẹ làm vườn. Khi lên thành phố học tập, làm việc, tôi cũng muốn có một khu vườn xanh để thư giãn", anh Trí nói.

Anh Trí đã có 5 năm kinh nghiệm làm "nông dân sân thượng"
Thời gian dịch Covid-19, anh từng cải tạo sân thượng nơi ở cũ để làm khu vườn nhỏ trồng rau, trái cây, vừa cung cấp thực phẩm sạch vừa rèn luyện sức khỏe, giải tỏa áp lực công việc. Tháng 9/2023, chuyển tới ngôi nhà ở quận 10, anh liền bắt tay làm một khu vườn khác.
Sân thượng này được chia thành hai tầng, có cầu thang gỗ để lên xuống thuận tiện. Tầng dưới rộng 35m2, tầng trên rộng 40m2.

Sân thượng hiện tại có hai tầng
"Sân thượng nằm ở tầng 6 nên việc khuân vác đất, phân bón, vật tư lên đây rất vất vả. Một mình tôi tự bê khoảng 50, 60 bao đất, phân. Nhưng nghĩ tích cực thì đây là cơ hội để tập thể dục, nâng cao thể lực ngoài giờ làm việc với máy tính", anh Trí nói.


Anh Trí mất khá nhiều thời gian để khuân vác đất, phân bón, vật tư lên sân thượng
Anh Trí cảm thấy, so với trồng ở đất vườn, trồng rau trên sân thượng ít bị sâu bệnh hơn. Anh chăm sóc vườn hoàn toàn hữu cơ để cung cấp rau củ sạch, an toàn cho chính mình hoặc tặng bạn bè.
Ở khu vườn tầng dưới, nằm ngay trước cửa phòng, anh Trí làm giàn trồng bầu, bí, dưa hấu, dưa gang... Giàn cây xanh mướt, phủ kín khoảng sân, giúp căn phòng tầng 6 thông thoáng, mát mẻ hơn trong mùa hè oi bức. Bầu, bí, dưa các loại trĩu quả, lúc lỉu trước cửa phòng, nhìn rất thích mắt.
Anh Trí thường ra chiếc bàn dưới giàn cây uống trà hay ăn cơm, hóng mát, tận hưởng "không gian quê giữa phố".


Khu vườn phía dưới, ngay trước cửa phòng trở thành không gian thư giãn mỗi tối của anh Trí
Phía trước vườn trồng một vài cây lớn chắn gió trên cao như đu đủ, roi, đặt chậu trồng rau xanh như cải, xà lách.
Với khu vườn tầng trên, anh Trí chủ yếu trồng các loại cây ăn quả cho trái quanh năm như táo, ổi.



Những chậu cây ăn quả "nhỏ nhưng có võ", sai trĩu trịt
Theo anh Trí, công đoạn quan trọng nhất trong làm vườn là làm đất. Anh thường ủ đất thịt với trấu, sơ dừa, phân bò, phân gà, trùn quế và nấm đối kháng. Anh ủ đất khoảng 7 đến 10 ngày để vi sinh vật phân giải đất và xong quá trình sinh nhiệt mới bắt đầu trồng cây.
"Trong quá trình chăm sóc, để phòng ngừa sâu bệnh, tôi hay dùng các chế phẩm sinh học, phun định kì 1 tuần 1 lần. Vì chế phẩm sinh học có hoạt lực yếu hơn hóa học nên cần phun đều để bảo vệ khu vườn của mình tránh các loại sâu bệnh", anh Trí nói.
Đều đặn mỗi ngày, cứ sáng sớm, anh Trí sẽ dành thời gian chăm sóc vườn, thu hoạch rau trái để nấu ăn. Thời điểm này, chim hót líu lo quanh vườn như tiếp thêm năng lượng cho anh bắt đầu ngày làm việc hiệu quả.
Buổi tối, anh cũng dành thêm chút thời gian vừa chăm sóc vừa ngắm vườn, giúp thư giãn đầu óc.
"Dưới giàn bầu, bí, tôi hay ngồi ăn tối, ngồi vẽ những công trình cho khách hàng hay xem các chương trình trên máy chiếu. Gió thổi rất mát mẻ và thoáng đãng", anh nói.


Rau trái được thu hái và chế biến ngay nên luôn tươi ngon
"Tất nhiên, không phải lúc nào làm vườn cũng thuận lợi, có lúc vườn gặp sâu bệnh, phát triển kém. Tôi học cách đón nhận, tìm cách xử lý để nó phát triển theo hướng tích cực hơn", anh Trí chia sẻ.
Việc làm vườn cũng giúp anh hiểu hơn về các loại cây trái, quá trình sinh trưởng, phát triển, cách chăm sóc cũng như lợi ích của nó với không gian sống. Điều này hỗ trợ nhiều cho công việc kiến trúc sư của anh.

Khu vườn được "thay áo" trồng hoa dịp Tết