Huy động các nguồn lực xã hội có hiệu quả
Xác định nguồn lực xã hội là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh quan tâm kêu gọi, thu hút nguồn lực đầu tư từ bên ngoài để tạo bước đột phá trong phát triển; khuyến khích thành lập doanh nghiệp, đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong mọi người dân. Đặc biệt, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công, tập trung đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng thiết yếu, có tác động lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Đất Sen hồng.
Nét nổi bật trong thu hút nguồn lực xã hội thời gian qua trên địa bàn là môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh không ngừng được cải thiện, tiếp tục khẳng định cam kết của lãnh đạo tỉnh đối với chủ trương “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện từ tỉnh đến cơ sở, nhất là thường xuyên rà soát, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tập trung cải thiện các Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI, DDCI), phát huy giá trị thương hiệu PCI Đồng Tháp với chuỗi 16 năm liền xếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cả nước, gắn với đổi mới công tác xúc tiến, hỗ trợ và thu hút đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời quan tâm, tháo gỡ khó khăn đối với từng dự án đầu tư tư nhân chưa đi vào hoạt động.
Trong năm 2024, tỉnh đã chấp thuận và phê duyệt 9 dự án với tổng vốn đăng ký gần 5.450 tỷ đồng, trong đó có 1 dự án FDI với vốn đăng ký 78,68 tỷ đồng. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp được triển khai; đưa vào vận hành và triển khai các hoạt động tại Không gian làm việc chung Hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 5.400 doanh nghiệp đang hoạt động, qua đó khẳng định việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh là vì “Sự lớn mạnh và thịnh vượng của cộng đồng doanh nghiệp”. Đây là một nhân tố quan trọng, góp phần giúp tỉnh thuận lợi hơn trong công tác kêu gọi đầu tư, phát triển doanh nghiệp.
Ngoài ra, dữ liệu PCI từ năm 2006 đến nay cho thấy, Đồng Tháp là địa phương duy nhất trên cả nước có mức độ cải thiện ổn định với các chỉ số thành phần tăng dần qua các năm và Đồng Tháp cũng là tỉnh duy nhất có 12 năm liên tục nằm trong nhóm 5 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất. Điều này đã khẳng định vai trò chỉ đạo, năng lực điều hành của các cấp chính quyền tỉnh trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Năm 2024, tỉnh phân khai vốn đầu tư công hơn 6.667 tỷ đồng; phân khai vốn và triển khai các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 gần 29.330 tỷ đồng.
Các dự án công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng 16/23 dự án, đang triển khai thi công 6 dự án, đang đề xuất dự án đầu tư 1 dự án (Dự án Hạ tầng giao thông đường bộ khu vực Nam sông Tiền), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội quê hương Đất Sen hồng. Nguồn lực ngân sách có hạn thì nguồn vốn đầu tư sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư trên địa bàn tỉnh, của cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, hội quán và vốn đầu tư của cộng đồng dân cư địa phương là nguồn động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2024, công tác huy động vốn xã hội cho đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh đạt gần 25.000 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2023, trong đó tỷ trọng vốn đầu tư phát triển ngoài khu vực nhà nước chiếm gần 73% tổng vốn (đạt hơn 18.000 tỷ đồng).
Nhằm phấn đấu thực hiện mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 7,5%, tỉnh tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR Index); từng bước xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao năng lực, hiệu quả, trách nhiệm giải trình của bộ máy nhà nước nhằm tạo dựng và khẳng định hình ảnh tỉnh Đồng Tháp là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thân thiện; thực hiện nhất quán chủ trương Nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hỗ trợ có hiệu quả cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong giai đoạn tìm hiểu cơ hội đầu tư, chuẩn bị đầu tư; chủ động tìm hiểu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong triển khai thực hiện dự án, hoạt động sản xuất kinh doanh; huy động nguồn lực về đất đai cho phát triển công nghiệp, đô thị và nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.