Huy động các nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô
Ngày 18/4, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội thảo giải pháp tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa và khu phát triển thương mại và văn hóa. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì hội thảo.
Tham gia hội thảo có đại diện các đơn vị của Bộ VHTT&DL; đại diện tổ chức nước ngoài; lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã; các chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, nghệ nhân làng nghề, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, sáng tạo. Hội thảo còn được trực tuyến tới các điểm cầu của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.
Nền tảng để biến văn hóa thành nguồn lực
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn khẳng định, Thủ đô Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước. Vì thế, hội thảo là cơ hội để TP Hà Nội tiếp thu các ý kiến của cơ quan T.Ư, Bộ VHTT&DL, các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức, DN để hoàn thiện thể chế bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô, xứng tầm với truyền thống ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa cả nước nói chung, phát triển văn hóa Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu đề dẫn.
“Hiện TP Hà Nội đang xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các quy định của Luật Thủ đô 2024. Theo kế hoạch tại Kỳ họp thứ 22 HĐND TP khóa XVI (kỳ họp chuyên đề) tới đây sẽ xem xét, ban hành 2 dự thảo Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa. Hội thảo sẽ tập trung vào thảo luận về mô hình tổ chức, cách thức vận hành của trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa. Từ đó phát huy thế mạnh, biến văn hóa thành động lực phát triển Thủ đô” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội cũng cho biết, hiện nay, cùng với cả nước, Hà Nội đang đứng trước yêu cầu phát triển, tăng trưởng 2 con số và cần phát triển hơn nữa trong những năm tới. Để đạt được tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh, Hà Nội cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế văn hóa trên tinh thần giữ gìn bản sắc và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, Hà Nội kỳ vọng, với cơ sở pháp lý quan trọng là Luật Thủ đô 2024, TP sẽ phát huy tối đa tiềm năng văn hóa để đạt được mục tiêu tăng trưởng nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa Thủ đô.
"Hai Nghị quyết này nếu được ban hành là cơ sở quan trọng của việc phát triển văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng, là nền tảng để biến văn hóa thành nguồn lực phát triển Thủ đô. TP Hà Nội tin tưởng với sự tham gia nhiệt tình của các cấp, ngành, chuyên gia, nhà khoa học cùng tình yêu Hà Nội, hội thảo sẽ đóng góp những cơ sở quan trọng để tiếp tục hoàn thiện hai văn bản trên...” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn khẳng định.
Tham luận tại hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh khẳng định, phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa là bước đi quan trọng trong việc xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm văn hóa sáng tạo của cả nước và khu vực. Trong khi đó, khu vực phát triển thương mại và văn hóa là một chiến lược quan trọng để kết nối phát triển kinh tế và văn hóa, tạo ra không gian sáng tạo, tăng cường giao lưu văn hóa, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế đô thị bền vững. Đây sẽ là một chiến lược quan trọng để kết nối phát triển kinh tế và văn hóa, hướng tới sự tăng trưởng kinh tế 2 con số mà Thủ đô đã đặt mục tiêu.
Bên cạnh đó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cũng khuyến nghị, trung tâm công nghiệp văn hóa cần đa dạng hóa mô hình tổ chức, khuyến khích các mô hình ngoài công lập để phát huy tối đa khả năng sáng tạo và quản trị hiệu quả. Đối với khu phát triển thương mại và văn hóa đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan, đại diện cả Nhà nước, DN, cộng đồng dân cư. Do đó, cần nghiên cứu, làm rõ mô hình phù hợp với từng khu vực: khu phố, tuyến phố, làng nghề, điểm dân cư nông thôn hiện hữu vì các khu vực này có đặc điểm riêng, rất khác biệt.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh tham luận.
“Tại Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 1569/QĐ-TTg ngày 12/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ) đã xác định “Xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa, sáng tạo hai bên bờ sông Hồng và khu vực có lợi thế”. Tuy nhiên, Quy hoạch Thủ đô chưa có nội dung xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi nổi sông Hồng. Vì thế, khi xây dựng mô hình này tại bãi sông Hồng cần lưu ý các vấn đề về quy hoạch đê điều, thủy lợi. Cân nhắc nghiên cứu xây dựng các mô hình trung tâm công nghiệp văn hóa thích ứng với điều kiện thủy văn của sông Hồng, không làm cản trở thoát lũ. Việc thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa có liên quan trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư, cần nghiên cứu giao chính quyền cấp cơ sở chịu trách nhiệm” - ông Lê Ngọc Anh khuyến nghị.
Động lực để phát triển Thủ đô
Theo dự thảo Nghị quyết, trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa được thành lập tại các địa điểm có lợi thế về vị trí thương mại, không gian văn hóa, khu du lịch hoặc điểm du lịch được Nhà nước và quốc tế công nhận. Mục tiêu chính là thu hút và phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại, bảo tồn các ngành nghề truyền thống, đồng thời cải thiện đời sống người dân.

Quang cảnh hội thảo.
Điểm nổi bật của mô hình là nguyên tắc tự nguyện, tự quản và đảm bảo sự đồng thuận của đa số cư dân trên địa bàn, với các tiêu chuẩn về văn hóa kinh doanh, an ninh trật tự, bảo vệ môi trường cao hơn so với quy định hiện hành. Khu phát triển thương mại và văn hóa thực hiện nhiều hoạt động đa dạng như tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội, biểu diễn nghệ thuật; phát triển hệ thống cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại gắn với đặc điểm văn hóa địa phương; quảng bá, giới thiệu các hoạt động du lịch; thực hiện các hoạt động tạo cảnh quan, vệ sinh đường phố, bảo vệ môi trường; tổ chức giao thông và giữ gìn an ninh trật tự.
Tại hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra nhiều mô hình phát triển công nghiệp văn hóa từ các quốc gia, rút ra bài học cho Hà Nội. Ông Emmanuel Cerise – Trưởng đại diện vùng Région Ile-de-France tại Hà Nội cho biết, tại Pháp, quản lý văn hóa gắn với phát triển kinh tế. Hiện nay, ngành công nghiệp văn hóa mang lại cho kinh tế Pháp khoảng 110 tỷ euro. Trên toàn khu vực châu Âu, công nghiệp văn hóa đứng thứ 3 sau lĩnh vực xây dựng và kinh doanh nhà hàng – khách sạn.
“Hà Nội có địa giới hành chính rộng, sức hút văn hóa lớn ở ngoại thành, có thể phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa hiệu quả. Hà Nội nên phát triển cả mô hình này do Nhà nước và tư nhân quản lý. Để phát huy các trung tâm công nghiệp văn hóa, cần đầu tư hạ tầng giao thông, xây các tuyến buýt kết nối di sản, cung cấp tài liệu cho hành khách. Hà Nội nên tổ chức sự kiện thường kỳ như Lễ hội Thiết kế sáng tạo, hoạt động quảng bá di sản tại biệt thự 46 Hàng Bài. Chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng Hà Nội trong bảo tồn, phát huy di sản và xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa hiệu quả” - ông Emmanuel Cerise nói.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu.
Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, Nghị quyết sẽ tạo hành lang pháp lý và cơ chế hoạt động rõ ràng, giúp cho các trung tâm công nghiệp văn hóa có cơ sở pháp lý để triển khai các hoạt động, liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước, là căn cứ để quản lý, phân bổ ngân sách, nhân sự, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như vận hành bộ máy một cách minh bạch, hiệu quả.
Đồng thời, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới trong lĩnh vực văn hóa, cần tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, nghệ sĩ, DN văn hóa phát triển sản phẩm văn hóa sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới, thúc đẩy thị trường hàng hóa và dịch vụ văn hóa. Thông qua đó, góp phần phát triển kinh tế dựa trên giá trị văn hóa.

Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL) Trần Hoàng.
Tại hội thảo, các đại biểu tham gia góp ý cho dự thảo Nghị quyết, trong đó đề nghị TP cần làm rõ hơn nữa nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt là từ khối DN nước ngoài; xây dựng cơ chế cụ thể hơn về việc cho thuê tài sản công; cần bổ sung chính sách hỗ trợ các chủ thể sáng tạo trong hoạt động công nghiệp văn hóa dựa trên không gian văn hóa, di sản văn hóa, gắn liền với cộng đồng.
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL) Trần Hoàng nhấn mạnh, thể chế quan trọng nhất là huy động các nguồn lực để phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa và khu phát triển thương mại và văn hóa. Từ đó định hình được nội hàm của công nghiệp văn hóa, đặc biệt khối tư nhân như các DN phát triển hệ thống hạ tầng phát triển văn hóa cũng như các DN nước ngoài. Ngoài ra, yếu tố cho thuê tài sản cũng cần được lưu ý khi Hà Nội có Luật Thủ đô 2024, cơ chế chính sách mạnh hơn so với địa phương khác nhưng lại thiếu hợp tác công tư (PPP) để thu hút nguồn đầu tư.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu kết luận.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn khẳng định, việc phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những chủ trương quan trọng của TP nhằm biến văn hóa thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong điều kiện hiện nay, Hà Nội sẽ ưu tiên việc sử dụng lại các khu nhà máy, trụ sở, khu công nghiệp cũ để cải tạo, chuyển đổi công năng phục vụ phát triển văn hóa.
“Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về liên doanh, liên kết, nhượng quyền… Đây là cơ sở để các đơn vị thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa theo hình thức này. TP sẽ chủ trương đẩy mạnh hình thức hợp tác công - tư (đầu tư công, quản trị tư), phát huy sự sáng tạo, đổi mới của khu vực tư nhân. Ngoài ra, cần quan tâm đến quy hoạch chuyên ngành, tránh chồng chéo, để có thể huy động tối đa các nguồn lực cùng tham gia phát triển. Với vai trò định hướng, TP Hà Nội sẽ tập trung hỗ trợ về công nghệ, truyền thông, hợp tác quốc tế và phát triển thị trường. Việc phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa cần được thực hiện theo lộ trình với những bước đi phù hợp, chắc chắn” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.