Thủ tướng chỉ đạo không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Để đáp ứng nhu cầu điện trong những tháng cao điểm năm 2025, đảm bảo không thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương kịp thời ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh trước ngày 10-5-2025, giám sát việc vận hành và triển khai các dự án nguồn điện, đảm bảo tiến độ các dự án truyền tải.

Dự báo tiêu thụ điện năm 2025 tăng trưởng lên đến 12,2%. Ảnh: TL
Hôm nay (23-4), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký công điện về việc triển khai các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2025 và thời gian tới, Baochinhphu.vn đưa tin.
Dự báo tiêu thụ điện năm 2025 tăng trưởng lên đến 12,2% (năm 2024 tăng 10,1% so với năm 2023), công suất cực đại toàn quốc đạt 54.510 MW (tăng 11,3% so với năm 2024 là 48.950 MW). Do đó, để kịp thời đáp ứng nhu cầu điện trong những tháng cao điểm năm 2025 (các tháng 5, 6, 7) và thời gian tới, đảm bảo không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu nhiều bộ, ngành, đơn vị liên quan tiến hành các giải pháp theo thẩm quyền.
Trong đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương triển khai Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, kịp thời ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. Việc này hoàn thành trước ngày 10-5-2025. Bộ trưởng chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc vận hành và triển khai các dự án nguồn điện, chuẩn bị tốt nhất phục vụ phát điện những tháng cao điểm. Cụ thể hơn, đối với các nhà máy thủy điện, đơn vị liên quan đảo đảm tích nước tối đa theo quy trình vận hành liên hồ chứa, phù hợp với tình hình dự báo khí tượng thủy văn để bảo đảm dự phòng và khả năng phát điện tối đa trong các tháng cao điểm.
Đối với các nhà máy nhiệt điện than, cơ quan chủ động nguồn nhiên liệu than để cung ứng đủ cho vận hành; chủ động duy tu, bảo dưỡng máy móc, dự phòng vật tư thiết bị thay thế để bảo đảm vận hành tốt nhất, tối đa công suất, hạn chế thấp nhất sự cố trong thời gian cao điểm.
Việc chủ động nguồn, bảo đảm cung ứng đủ khí cung cấp cho vận hành các nhà máy nhiệt điện khí là cần thiết. Ngoài ra, các nhà máy điện gió, điện mặt trời cần được tăng khả năng khai thác, lưu trữ, tích điện để nâng cao hiệu quả và khả năng cung ứng điện.
Về các dự án nguồn điện, các bên tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng đã có trong quy hoạch, trong đó, sớm đưa vào vận hành nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 vào vận hành trong tháng 6-2025, nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 4 vào vận hành trong tháng 8-2025.
Cùng với đó là hòa lưới tổ máy số 1 dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 vào trước ngày 2-9; đưa tổ máy số 1 dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng vào vận hành trong tháng 8-2025, tổ máy 2 vận hành vào tháng 10-2025.
Về các dự án truyền tải điện, Bộ Công Thương tập trung đảm bảo tiến độ các dự án truyền tải, thực hiện những giải pháp cấp bách về truyền tải, mua điện từ nước ngoài như dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, các công trình đường dây 500kV Hải Phòng - Thái Bình, Than Uyên - Lào Cai. Đặt mục tiêu hoàn thành dự án trước ngày 2-9-2025.
Một số đơn vị khác như Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan và địa phương liên quan, chỉ đạo chủ các hồ chứa thủy điện tính toán, lập kế hoạch lấy nước cụ thể từ các hồ chứa thủy điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó ưu tiên dành nguồn nước dự phòng tối đa để phát điện trong thời gian cao điểm.
Bộ Tài chính chỉ đạo, giám sát EVN, TKV, PVN thực hiện hợp đồng mua bán điện, cung cấp than, cung cấp khí, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với các bộ, ngành trung ương, EVN và chủ đầu tư các nhà máy thủy điện, trung tâm điện gió, mặt trời; lập kế hoạch sử dụng nước hợp lý, cụ thể cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.