Hút vốn ngoại vào giáo dục đại học tại Việt Nam

Sự phát triển mạnh mẽ của giáo dục đại học ở Việt Nam đang ngày càng phát triển và có sức hấp dẫn lớn dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, quá trình này chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vì nhiều lý do.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), tính đến hết tháng 2/2025, Việt Nam có 707 dự án FDI trong lĩnh vực giáo dục với tổng vốn đầu tư gần 4,64 tỷ USD. Riêng trong lĩnh vực giáo dục đại học, hiện có 5 trường đại học có vốn nước ngoài đang hoạt động như Đại học RMIT, Đại học Fulbright, Đại học Mỹ tại Việt Nam (AUV), Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam (Tokyo Medical University Vietnam) và Đại học Anh Quốc Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có quan hệ hợp tác giáo dục với hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, là thành viên tích cực trong nhiều tổ chức quốc tế về giáo dục như UNESCO, SEAMEO, ASEM, APEC...

Nguồn vốn FDI từng bước được cải thiện và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường đại học quốc tế, tạo ra cạnh tranh lành mạnh và là động lực để các trường đại học trong nước đổi mới căn bản và toàn diện. Một số cơ sở đào tạo đại học Việt Nam đã dần vào danh sách các trường đại học thuộc top thế giới, như: Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Điểm xếp hạng của các trường đại học tại Việt Nam ngày càng tăng cao.

Đầu tư FDI vào giáo dục đại học gặp nhiều rào cản về chi phí và yêu cầu tài chính

Đầu tư FDI vào giáo dục đại học gặp nhiều rào cản về chi phí và yêu cầu tài chính

Tuy nhiên, cùng với những cơ hội đó, đầu tư FDI vào giáo dục đại học tại Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức, chưa xứng với tiềm năng phát triển. Theo các chuyên gia, số lượng dự án FDI vào lĩnh vực giáo dục hiện chủ yếu tập trung ở các phân khúc mầm non, phổ thông và đào tạo kỹ năng ngắn hạn. Trong khi Việt Nam hiện có quy mô dân số xấp xỉ 100 triệu người, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và xu hướng học chương trình quốc tế tại chỗ thay vì du học ngày càng phổ biến.

Không chỉ vậy, FDI thường đi kèm với việc chuyển giao công nghệ từ các nước tài trợ. Tuy nhiên, hiện hoạt động xúc tiến đầu tư và chuyển giao công nghệ trong giáo dục đại học tại Việt Nam chưa được đầu tư bài bản, chưa thúc đẩy FDI và nâng cao chất lượng giáo dục. Các hình thức chuyển giao chỉ ở mức đơn giản, ngắt quãng, ngắn hạn, không liên quan nhiều đến lĩnh vực hay ngành tổng quát, mà chỉ gói gọn trong từng dự án cụ thể.

Cùng với đó, việc lập dự án, xin giấy phép thành lập, cấp phép hoạt động, công nhận hiệu trưởng, hội đồng trường và chương trình đào tạo, đều là những bước phải thực hiện độc lập, kéo dài thời gian và làm tăng chi phí cơ hội. Đặc biệt là rào cản về chi phí và yêu cầu tài chính. Theo Nghị định 124/2024/NĐ-CP, để thành lập một phân hiệu đại học nước ngoài, nhà đầu tư phải có vốn tối thiểu 500 tỷ đồng (không bao gồm chi phí đất đai). Rõ ràng, đây là con số không nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh nhiều đại học quốc tế áp dụng mô hình linh hoạt, sử dụng hạ tầng thuê hoặc chia sẻ. Bên cạnh đó, việc quy định trường mẹ phải nằm trong top 500 toàn cầu, tuy mang tính chọn lọc tích cực, nhưng cũng làm hạn chế đáng kể số lượng nhà đầu tư có thể đáp ứng.

Ông Christopher Jeffery, Phó hiệu trưởng phụ trách học thuật của trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) đánh giá, hệ thống pháp lý, thủ tục cấp phép, yêu cầu chứng minh năng lực đào tạo là những bước sàng lọc khắt khe. Đó là điều cần thiết để bảo vệ uy tín giáo dục Việt Nam và tạo điều kiện cho những mô hình hiệu quả phát triển. Điều quan trọng là chọn đúng nhà đầu tư, những người không chỉ mang theo vốn, mà còn mang đến chuẩn mực, cam kết và tầm nhìn dài hạn.

PGS.TS. Ngô Văn Cẩm, Viện Quản trị và Công nghệ FSB, Trường Đại học FPT cho rằng, khi tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, chúng ta không chỉ thu hút đầu tư FDI, mà còn là tạo động lực cho doanh nghiệp trong nước liên kết, hợp tác với nhau để cùng phát triển.

Cùng chung nhận định này, Luật sư Phan Xuân Quý - Giám đốc bộ phận tư vấn luật và thuế - Công ty Luật Frasers cũng nhấn mạnh, trước tiên chúng ta phải xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, tạo môi trường đầu tư minh bạch để tạo niềm tin và thu hút các nhà đầu tư. Những quy định càng được thiết lập đồng bộ, thống nhất, cụ thể và đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư thì càng tạo động lực, niềm tin để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân mạnh dạn rót vốn.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia, muốn tăng cường hoạt động chuyển giao công nghệ đối với giáo dục đại học, đòi hỏi các trường đại học của Việt Nam phải có các giải pháp đột phá về ứng dụng công nghệ trong giáo dục; linh hoạt trong thay đổi khung thời gian đào tạo; đổi mới phương pháp và phương thức đào tạo...

Võ Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/hut-von-ngoai-vao-giao-duc-dai-hoc-tai-viet-nam-163185.html
Zalo