Ứng dụng phương thức quản lý thuế hiệu quả
Việc không ngừng đổi mới phương thức quản lý thuế, trong đó nổi bật là triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài đã đem lại kết quả thu ngân sách hiệu quả. Đến nay đã có 120 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài trong năm 2024, với tổng số thuế đạt 8.687 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023, vượt 74% so với dự toán.
Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn Nguyễn Bằng Thắng cho hay: “Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, Tổng cục Thuế đã không ngừng đổi mới phương thức quản lý thuế, trong đó nổi bật là việc triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Cổng thông tin điện tử giúp các nhà cung cấp nước ngoài có thể thực hiện nghĩa vụ thuế một cách trực tiếp và minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời giảm thủ tục hành chính phức tạp. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc thu hút sự hợp tác của các nhà cung cấp nước ngoài, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế trong kỷ nguyên số”.
Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác quản lý thuế đối với thương mại điện tử xuyên biên giới, song thực tế cho thấy không ít khó khăn và thách thức vẫn tồn tại. Những vướng mắc này chủ yếu xoay quanh 3 vấn đề chính: Chính sách thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu và công tác thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới như sàn giao dịch thương mại điện tử hay các dịch vụ quảng cáo trực tuyến vẫn chưa được quy định rõ ràng trong hệ thống pháp lý về nghĩa vụ thuế. Mặc dù các hoạt động này chịu sự quản lý của các bộ, ngành như Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, nhưng vẫn thiếu các quy định về việc cấp phép kinh doanh cũng như quy trình cấp mã số thuế cho các nhà cung cấp nước ngoài. Điều này khiến việc quản lý thu thuế trở nên phức tạp, đặc biệt là đối với các mô hình kinh doanh mới phát sinh.
Hiện nay, công tác xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu là một yếu tố quan trọng giúp cơ quan thuế nhận diện và giám sát các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới. Tuy nhiên, việc kết nối dữ liệu giữa các cơ quan, bộ, ngành liên quan và Tổng cục Thuế vẫn gặp phải không ít khó khăn. Dữ liệu thu thập từ các đơn vị này vẫn chưa có định dạng thống nhất, cách thức khai thác dữ liệu còn nặng tính thủ công và chưa tự động hóa hoàn toàn. Điều này dẫn đến việc phân tích, sử dụng dữ liệu chưa hiệu quả, từ đó ảnh hưởng đến khả năng giám sát và quản lý thu thuế.
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử, thời gian tới, Tổng cục Thuế tập trung vào các giải pháp: Đổi mới phương thức quản lý phù hợp với tinh thần đổi mới, sáng tạo trong kỷ nguyên chuyển đổi số; xây dựng cơ sở dữ liệu Big data từ các ngân hàng, ví điện tử, đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến, tổ chức thẻ quốc tế, nghiên cứu áp dụng công nghệ (trong đó có AI-trí tuệ nhân tạo) để nhận diện thanh toán của hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Từ đó làm cơ sở đối soát dữ liệu kê khai của người nộp thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, nhận diện nhà cung cấp nước ngoài có phát sinh doanh thu tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký thuế để đưa vào diện quản lý thuế...