Hương vị mứt gừng truyền thống của vùng đất cố đô

Dịp giáp Tết Nguyên đán, làng Kim Long (phường Kim Long, quận Phú Xuân, TP. Huế) - nơi làm ra món mứt gừng nức tiếng lại rộn ràng hơn bao giờ hết. Những mẻ mứt gừng thơm ngon, cay nồng lần lượt ra lò để phục vụ người dân trong và ngoài tỉnh. Mứt gừng trở thành sản phẩm mang đậm hơi thở truyền thống của vùng đất cố đô.

Mứt gừng được sên trên bếp lửa nóng, tỏa mùi thơm nồng nàn.

Mứt gừng được sên trên bếp lửa nóng, tỏa mùi thơm nồng nàn.

Bước chân vào làng Kim Long, du khách sẽ được thu hút bởi hương thơm cay cay, ấm nồng của mứt gừng lan tỏa trong cơn mưa chiều của xứ Huế. Kim Long được mệnh danh là "thủ phủ mứt gừng" từ xưa, nơi đây lưu giữ nghề truyền thống với hơn 200 năm lịch sử. Không khí se lạnh đặc trưng của Huế vào những ngày cuối năm cùng những bếp lửa đỏ hồng, càng làm cho mùi thơm cay của gừng thêm phần nồng nàn.

Những người thợ miệt mài canh mứt gừng chờ Tết.

Những người thợ miệt mài canh mứt gừng chờ Tết.

Ngôi nhà nhỏ của ông Nguyễn Văn Dân trên đường Phạm Thị Liên (phường Kim Long, quận Phú Xuân, TP. Huế) là một trong những gia đình lưu giữ nghề mứt gừng truyền thống lâu đời. Ông Dân chia sẻ: "Hơn 40 năm trước, tôi nối nghiệp cha mẹ làm mứt gừng. Đây là nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn, nhưng tôi vẫn tự hào vì gia đình mình đã giữ gìn và phát triển nghề qua nhiều thế hệ." Theo ông Dân, mứt gừng không chỉ là một món ăn Tết mà còn là biểu tượng của hương vị quê hương và sự gắn kết gia đình.

Từng củ gừng được người thợ chọn lọc và gọt vỏ kỹ càng.

Từng củ gừng được người thợ chọn lọc và gọt vỏ kỹ càng.

Vào những ngày cuối năm, làng Kim Long ngập tràn tiếng cười nói rộn rã. Mỗi người phụ trách mỗi một công đoạn, tất cả cùng tạo nên một bức tranh lao động đầy năng lượng và ấm áp. Dù bận rộn, nhưng những người thợ lành nghề vẫn luôn tỉ mỉ trong từng công đoạn để đảm bảo chất lượng đầu ra tốt nhất cho sản phẩm.

Người thợ tỉ mỉ khi bào mỏng gừng - một công đoạn trong quá trình làm mứt.

Người thợ tỉ mỉ khi bào mỏng gừng - một công đoạn trong quá trình làm mứt.

Để có một mẻ mứt gừng thơm ngon cần đòi hỏi người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn công phu. Gừng được chọn lọc kỹ lưỡng, cạo vỏ, thái lát mỏng và ngâm trong nước vo gạo để giảm độ cay. Sau đó, gừng được luộc sơ với nước cốt chanh, trộn đường và sên trên chảo lớn với nhiệt độ phù hợp. Công đoạn quan trọng nhất là đảo đều liên tục trên lửa nhỏ để đường không bị cháy mà vẫn bám đều lên từng lát gừng. Khi đường khô lại, mứt được để nguội, xếp thẳng và bảo quản cẩn thận.

Công đoạn đảo gừng trên bếp lửa, đảm bảo thành phẩm bám đều đường và không bị cháy.

Công đoạn đảo gừng trên bếp lửa, đảm bảo thành phẩm bám đều đường và không bị cháy.

Mứt gừng Kim Long nổi tiếng nhờ hương vị cay nồng đặc trưng, không nơi nào có được. Để có được điều này, những người thợ làm nghề luôn cẩn thận trong khâu chọn lọc nguyên liệu. Gừng phải được lấy từ thượng nguồn sông Hương, củ không quá già cũng không quá non để đảm bảo vừa thơm vừa ít xơ. Chính sự khéo léo và kinh nghiệm lâu đời của người thợ lành nghề đã tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm này.

Dù ngày nay có nhiều loại mứt đa dạng như: Mứt dừa, mứt cam, mứt bí, mứt nghệ, mứt trái cây,… nhưng với người dân xứ Huế, mứt gừng Kim Long vẫn là món mứt không thể thiếu của mỗi gia đình trong mỗi dịp Tết đến xuân về.

Chị Hoàng Khánh Vân - một vị khách quen của ông Dân cho biết: "Mỗi năm, tôi đều đến đây mua mứt gừng làm quà cho bạn bè và người thân. Hương vị cay nồng, thơm ngon đặc trưng của mứt gừng Kim Long khiến ai ăn cũng nhớ mãi."

Mỗi mẻ mứt gừng ra lò đều chứa đầy tâm huyết của người thợ.

Mỗi mẻ mứt gừng ra lò đều chứa đầy tâm huyết của người thợ.

Mứt gừng Kim Long không chỉ là món ăn ngày Tết mà còn mang trong mình câu chuyện về làng nghề, về truyền thống và những giá trị về gia đình. Trong tiết trời se lạnh của đất cố đô, những bếp lửa mứt gừng đang sôi liên tục, tỏa mùi thơm nồng nàn như đang mang hơi thở của Tết lan tỏa khắp nơi, làm ấm lòng người.

"Trong mâm cỗ Tết của gia đình tôi, mứt gừng luôn có mặt. Cảm giác khi ăn mứt gừng, tôi thấy như đang trở về với ký ức tuổi thơ, về những ngày Tết của ông bà, cha mẹ. Đó là một phần của bản sắc Huế", chị Vân tâm sự.

Mứt gừng vừa ra lò được đóng gói kỹ càng trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Mứt gừng vừa ra lò được đóng gói kỹ càng trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Mứt gừng Huế không chỉ là món mứt đơn thuần mà còn là sợi dây kết nối tình cảm giữa người với người, là cầu nối giữa các thế hệ, giữa truyền thống và hiện đại. Và không chỉ mang hương vị của gừng, mứt còn mang những giá trị về văn hóa, câu chuyện và ký ức được người dân Huế gìn giữ qua các thế hệ.

Ngày 26/11/2024, nghề mứt gừng Kim Long (phường Kim Long, TP. Huế) được công nhận là nghề truyền thống của tỉnh theo Quyết định số 3041/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thu Mai - Xuân Hiếu

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/huong-vi-mut-gung-truyen-thong-cua-vung-dat-co-do-post1712675.tpo
Zalo