Bên khay mứt Tết

Trong khay mứt tết bây giờ, người có tuổi gặp lại cả một trời ký ức. Người ít tuổi hồ hởi với những món giao lưu văn hóa Đông – Tây và những sáng tạo không ngừng.

bây giờ có vô vàn bánh trái mời khách, nhưng Tết không có mứt, nhiều người vẫn băn khoăn. Bởi món ăn đâu chỉ là món ăn, nó là văn hóa của cả một vùng đất, là ký ức của con người. Hà Nội có những món mứt không chỉ người Hà Nội làm, nhưng người Hà Nội làm nên nó với sự khác biệt.

Tinh tế, thanh tao bậc nhất - nên dành cho mứt sen trần. Phải là sen trần chứ không phải mứt sen thông thường nhiều nơi có. Thứ mứt sen trần của Hà Nội là sự khác biệt.

Mứt sen thì nhiều nơi làm, nhưng quá ngọt, quá gắt, với lớp vỏ đường dày bao ngoài che lấp cả hạt sen, đến độ không nhận ra vị sen bùi, mà hạt sen có khi còn lượng sượng. Nên mứt sen trần nhà Ninh Hương ở Hàng Điếu thành thứ quà hay được chọn dành cho người xa quê nhớ vị tết Hà thành. Ở làng Xuân Đỉnh, Tây Hồ, làng nghề làm bánh mứt kẹo của Hà Nội, gia đình cụ Đỗ Năng Tý làm nghề đã trăm năm nay. Cụ Tý làm mứt sen cầu kỳ, để hạt sen ít ngậm đường nhất, giữ độ dẻo bùi, hạt mứt không trở thành ‘viên đường’ – theo lời cụ Tý.

Chẳng cứ trẻ con mà nhiều người lớn cũng thích mứt lạc. Những viên mứt trắng sáng bóng lên, y như quả trứng chim nhỏ nhắn, nên loại mứt này “chết” tên là trứng chim. Trứng chim thành nỗi nhớ của nhiều người có tuổi, nhớ những cái tết ngày khó khăn, thuở trẻ con háo hức thèm thuồng trông lên hộp mứt bày long trọng trên ban thờ suốt mấy ngày tết. Hộp mứt “thần thánh” ngày xưa, chính giữa là mứt dừa nhuộm màu cuốn thành bông hoa hồng đẹp đẽ, bao quanh là ít mứt gừng, vài lát mứt khoai lang, mứt bí, cà rốt, cà chua, mứt táo, mứt me, một bông mứt quất vàng suộm xòe những cánh hoa, và không thể thiếu túi trứng chim…

Bây giờ, ngồi giữa ngày xuân se lạnh, nhấp ngụm trà, nhón hạt mứt lạc giòn tan, vẫn thích thú như ngày nào.

Mứt quất đúng là một tác phẩm nghệ thuật. Quả quất ép dẹp, trong veo, được khía đều thành bông hoa 5-6 cánh. Làm mứt quất cũng kỳ công lắm. Phải ngâm nước muối (xưa thì người ta hay ngâm nước vôi trong hay phèn chua) sao cho vỏ bớt đắng, sên đường sao cho vẫn giữ được vị chua, sao cho không bị nát cánh.

Trong tiết trời ẩm ướt mùa xuân, mứt quất không chỉ là món ăn mà còn là vị thuốc giữ ấm họng. Hẳn thế nên trong khay mứt tết, người Hà Nội xưa hay nay thích chọn mứt gừng, mứt quất…

Còn với mứt khế, không hiểu sao nhiều phụ nữ Hà Nội ưa khế đến thế. Tết chọn mứt khế. Quanh năm thì có món khế xào, khế ướp. May là loại quả này ra quanh năm để mùa nào cũng thành quà ngon cho phố. Một hôm cuối năm, có người phụ nữ đã luống tuổi ra ngoại thành chơi, được cho túi khế. Cô bỗng nôn nao nhớ về những cái tết xa xưa nơi phố “Hàng”, thế là tỉ mẩn gọt khế, ngâm khế, ướp đường, nấu mứt. Loay hoay cả buổi thì xong được mẻ mứt khế sóng sánh màu mật. Mứt khế làm không khó, chỉ tốn thời gian chờ đợi lúc ngâm, lúc nấu.

Người phụ nữ ấy nấu xong mẻ mứt khế, lòng dậy lên một nỗi hoài niệm. Buổi tối, đợi các con về, cô bày ra đĩa mứt khế, pha một ấm trà, tưởng như cả nhà đang trong một cái tết cũ Hà Nội năm nào…

Người Hà Nội rồi cũng ưa những thứ mới lạ hơn. Thế là có mứt kiwi, mứt cam, mứt vỏ bưởi, mứt rong sụn, mứt dâu… Mới mẻ hơn nữa, thì nhúng vào chocolate, thành món mới “Tây hóa”. Hay sấy các loại trái cây lên thành thứ quà khác vị.

Trong khay mứt tết bây giờ, người có tuổi gặp lại cả một trời ký ức. Người ít tuổi hồ hởi với những món giao lưu văn hóa Đông – Tây và những sáng tạo không ngừng.

Bài viết: Bích Phượng
Thiết kế: Thanh Nga

Đài Hà Nội

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/ben-khay-mut-tet-298530.htm
Zalo