Hướng về Tổ quốc
Những ngày cuối tháng Tư, mọi con đường, góc phố từ khắp các tỉnh thành trong cả nước đều khoác lên mình chiếc áo rực rỡ của sắc đỏ, sắc vàng–màu cờ Tổ quốc. Không khí hân hoan, phấn khởi chào đón ngày kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngập tràn khắp nẻo đường và trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Đối với những người Việt Nam đang học tập và sinh sống ở nước ngoài, những ngày tháng lịch sử khiến cho mỗi trái tim lại hướng về quê hương với niềm xúc động và tự hào hơn bao giờ hết.

Lá cờ Tổ Quốc được anh Nguyễn Nguyên Phong treo trang trọng tại Nhật Bản vào dịp kỳ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Là thế hệ trẻ được sinh ra và lớn lên trong thời bình, có cơ hội học tập và sánh vai cùng bạn bè quốc tế, các du học sinh Việt luôn cảm thấy tự hào mỗi dịp 30/4-Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chính điều này đã trở thành nguồn động lực và hành trang để dù ở nơi đâu, những người con đất Việt vẫn luôn một lòng hướng về Tổ quốc, phấn đấu sống, học tập và cống hiến sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả của thế hệ cha ông đi trước. Với bạn Lê Nguyễn Việt Hà đang học tập tại Cộng hòa Liên bang Đức, những dấu mốc lịch sử như Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, Ngày Quốc khánh 2/9 luôn là những cột mốc, những ngày đầy ý nghĩa: “Khi còn là học sinh, mình vẫn được các thầy cô giáo dạy về lịch sử, về truyền thống cách mạng của cha ông đi trước, đó là những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc, đặc biệt là dấu ấn ngày đất nước thống nhất hai miền Nam - Bắc. Những ngày này theo dõi qua các kênh thông tin đại chúng, cũng như qua các trang cá nhân của người thân và bạn bè mình cũng cảm nhận được không khí sôi động, hào hùng đang diễn ra trên đất nước Việt Nam. Và mình thấy tự hào về điều đó”. Những du học sinh như Hà, được sinh ra trong hòa bình, lớn lên trong tình yêu thương của gia đình, có cơ hội được đặt chân đến một đất nước khác để học tập và giao lưu cùng bạn bè quốc tế, mỗi người đều luôn thấy tự hào và biết ơn công lao của thế hệ đi trước, từ đó càng thêm ý thức gìn giữ truyền thống cách mạng của dân tộc và nỗ lực hơn nữa trong cuộc sống.

Con gái anh Phong chụp ảnh tại Bảo tàng Hùng Vương
Những ngày tháng Tư, trên một góc phố tại thành phố Yokohama, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, có lá cờ Tổ quốc của Việt Nam tung bay trên nền trời xanh. Đó là lá cờ Nguyễn Nguyên Phong mang từ Việt Nam sang và vào những dịp lễ lớn của đất nước hay dịp Tết Nguyên đán Phong đều treo lên để hướng về quê hương, về Tổ quốc nơi có gia đình, có những người thân đang sinh sống.
Phong chia sẻ: “Cuộc sống xa nhà, xa gia đình, xa vợ và hai cô con gái những ngày đầu không dễ dàng. Mình chỉ biết lấy công việc bận rộn cho nỗi nhớ nguôi ngoai. Vào những dịp lễ kỷ niệm hay Ngày Tết Nguyên đán thì nỗi nhớ đó lại cồn cào hơn bao giờ hết. Và cách mình làm cho nỗi nhớ đó vơi bớt là nhìn lên lá cờ Tổ quốc. Đặc biệt năm nay, đúng dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước khiến cho tình yêu, niềm tự hào dân tộc của mình càng lớn hơn. Nhìn những dòng người cổ vũ cho các đoàn diễu binh, những khu phố, những quán hàng rực rỡ cờ hoa càng khiến mình thấy xúc động và tự hào hơn. Dù không có mặt vào đúng thời khắc đó nhưng mình cũng có thể cảm nhận được không khí đó. Ở nhà vợ mình cũng cho con gái ra Bảo tàng Hùng Vương để chụp ảnh”.

Gia đình chị Hồng Thắng du lịch Sapa trong chuyến trở về Việt Nam
Bay nửa vòng trái đất, chị Cao Hồng Thắng hiện đang sinh sống và làm việc tại Mỹ có chuyến trở về Việt Nam đúng dịp đại lễ. Chị chia sẻ: “Hơn chục năm sinh sống ở Mỹ nhưng trái tim tôi luôn hướng về Tổ quốc về gia đình, về quê hương. Mỗi năm khi có điều kiện tôi đều đưa các con về Việt Nam để các con biết quê hương, biết văn hóa, biết nguồn cội nơi mẹ sinh ra và lớn lên. Năm nay, do có công việc nên tôi về một mình, đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, được hòa mình trong không khí của mọi người trong gia đình, bạn bè tôi thấy rất vui và tự hào. Với tôi dù đi đâu, ở đâu tôi vẫn là người Việt Nam, chảy trong mình dòng máu của người con Đất Tổ cội nguồn”.