Hướng về cội nguồn chính là một cách để 'tiếp lửa'…
'Đảng ta chỉ có một mục đích là phụng sự Nhân Dân thì tờ báo của Đảng lấy tên là Nhân Dân…'- tự hào với sứ mệnh đã được Bác Hồ, khi đặt tên cho tờ báo giao phó, như khẳng định của đồng chí Tổng Biên tập Lê Quốc Minh trong cuộc trò chuyện với Báo Nhà báo và Công luận, rằng, tất cả các thế hệ nhà báo của Báo Nhân Dân luôn giữ vững truyền thống kể cả trong những năm lửa đạn chiến tranh, trong thời kỳ xây dựng đất nước với muôn vàn khó khăn cho đến giai đoạn phát triển mạnh mẽ hiện nay…
Kể những câu chuyện từ nhiều thập niên trước…
+ Cùng với hành trình không ngừng phát triển, Báo Nhân Dân cũng luôn quan tâm đến công tác “hướng về nguồn”. Hành trình “về nguồn” có ý nghĩa như thế nào đối với tờ báo Đảng, thưa ông?
- Cũng giống như tất cả các cơ quan báo chí lớn khác của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo Nhân Dân luôn chú trọng đến các hoạt động hướng về cội nguồn của mình, bởi nó chính là truyền thống của dân tộc, là nét văn hóa từ bao đời và càng đặc biệt có ý nghĩa trong thời kỳ hiện nay, khi mà chúng ta rất dễ bị xao lãng bởi quá bận rộn với lượng công việc ngày càng tăng, với dòng chảy cuồn cuộn trong cuộc sống và công việc, đặc biệt là những người trẻ giờ đây có rất nhiều mối quan tâm, có thể tiếp cận rất nhiều luồng thông tin.
Với những nhà báo thuộc thế hệ Y, thế hệ Z, mối dây liên hệ giữa họ với quá khứ hào hùng của Báo Nhân Dân không thể gắn kết như những thế hệ đi trước, và đó là điều hết sức bình thường. Nhưng ngoài những trang sách, thước phim, tấm hình về lịch sử của tờ báo, nếu đưa được họ đến tận những nơi tờ báo ra đời và hoạt động vào những ngày đầu gian khó, kể cho họ những câu chuyện từ nhiều thập niên trước, thì chúng tôi chắc chắn rằng họ sẽ càng yêu mến, càng gắn bó với cơ quan của mình.
+ Để kể cho thế hệ trẻ về những câu chuyện từ nhiều thập niên trước, gần đây, Báo Nhân Dân đã có nhiều hoạt động “về nguồn” thiết thực và ý nghĩa, đồng chí Tổng Biên tập có thể chia sẻ rõ hơn về những hoạt động này?
- Đúng vậy, đầu năm 2023, đúng vào dịp Kỷ niệm 72 năm ngày Báo Nhân Dân ra số đầu, chúng tôi đã khánh thành công trình Nhà bia di tích Báo Nhân Dân thời kỳ kháng chiến tại thôn Khuôn Điển, xã Kim Quan, Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Tháng 10/2023, Cơ sở A2 của Báo Nhân Dân tại tỉnh Hòa Bình – còn được biết đến với cái tên “Hang Nhà báo” – đón nhận Bằng công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh, mang đến một tin vui nữa cho những người làm báo Đảng.
Tháng 7/2024, dự án tôn tạo Nhà bia di tích lịch sử quốc gia “Địa điểm Báo Nhân Dân ra số đầu tiên” tại xóm Khuân Nhà, xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cũng được khánh thành. Ngay sau khi khánh thành các di tích quan trọng này, đã có rất nhiều chuyến về nguồn của các đơn vị trong báo. Trước kia hoạt động về nguồn diễn ra thường xuyên nhưng kể từ khi các di tích này được tôn tạo thì thực sự là mỗi chuyến về nguồn cũng sinh động hơn nhờ địa điểm rộng rãi, nhà bia to đẹp, tạo điều kiện cho các hoạt động tri ân, dâng hương…
Ngày 9/8 vừa qua, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân và các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời là dấu mốc đặc biệt gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của Báo chí Cách mạng, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc ta. Tên trường do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn đặt. Trong vòng 3 tháng, từ ngày 4/4/1949 đến ngày 6/7/1949, Trường đã tổ chức thành công khóa đào tạo ngắn hạn đặc biệt. Đây cũng là một “địa chỉ đỏ” của những người làm báo cách mạng, trong đó có Báo Nhân Dân và việc đưa di tích này đi vào hoạt động chắc chắn sẽ thu hút các cơ quan báo chí, các Hội nhà báo địa phương tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa…
Trước đó vào tháng 7, trong khuôn khổ chương trình “Thắp sáng ngọn lửa tri ân - năm 2024”, nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ Cầu siêu cho 512 Anh hùng, liệt sĩ nhà báo cách mạng tại chùa Da ở tỉnh Nghệ An. Chùa Da (Âu Lạc cổ tự) tại thành phố Vinh là ngôi chùa duy nhất trong cả nước thờ tự 512 liệt sĩ là phóng viên, nhà báo của các cơ quan báo chí đã anh dũng hy sinh khi tác nghiệp, tuyên truyền tại các chiến trường và làm nhiệm vụ quốc tế trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hội Nhà báo Việt Nam đang có kế hoạch kêu gọi tài trợ cũng như đóng góp của các nhà báo, các cơ quan báo chí để xây dựng nhà tưởng niệm tại đây, kịp thời gian kỷ niệm dấu mốc trăm năm của Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Sứ mệnh của Báo Nhân Dân suốt 73 năm qua không bao giờ thay đổi ….
+ Nhắc đến câu chuyện về nguồn, lại nhớ tới chuyện Bác Hồ đặt tên cho Báo Nhân Dân. Bác nói: “Đảng ta chỉ có một mục đích là phụng sự Nhân dân thì tờ báo của Đảng lấy tên là Nhân Dân”. Sứ mệnh được Bác giao phó, qua thời gian và những chuyển biến của thời cuộc có gì thay đổi không, thưa ông?
- Xin khẳng định rằng sứ mệnh của Báo Nhân Dân suốt 73 năm qua kể từ khi ra số báo đầu tiên không bao giờ thay đổi. Báo Nhân Dân là cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, vì thế nhiệm vụ của tờ báo luôn luôn là tuyên truyền hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của Nhân dân, là cầu nối giữa Đảng với dân.
+ Và thưa ông, sứ mệnh ấy đã và đang được lan tỏa, tiếp nối như thế nào trong bối cảnh mới?
- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, ý nghĩa sống còn trước mắt và lâu dài đối với lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm, có tác động nhanh chóng, mạnh mẽ và sâu sắc tới mọi phương diện của đời sống xã hội. Làm báo hiện nay khác xa với mấy chục năm về trước, thậm chí so với 5 - 7 năm trước cũng đã khác nhiều.
Độc giả hiện nay có cơ hội tiếp cận rất nhiều nguồn thông tin, họ “thông minh” hơn nhiều và khó tính hơn so với trước kia, vì thế nội dung báo chí phải thực sự thuyết phục và có độ tin cậy cao. Cách làm báo đương nhiên phải ngày càng chuyên nghiệp và hiện đại, áp dụng những công nghệ làm báo mới. Ngay cả tờ báo in hằng ngày truyền thống và mang tính chính thống rất cao cũng phải có cách thức thể hiện mới mẻ, đi sâu vào báo chí giải pháp, báo chí mang tính xây dựng, có nhiều hình ảnh hơn.
Cần phải có sự liên thông giữa các sản phẩm báo chí trong toàn bộ “hệ sinh thái” nội dung của Báo Nhân Dân, bao gồm các ấn phẩm báo in, truyền hình và báo điện tử cũng như nền tảng mạng xã hội, theo đúng xu hướng chuyển đổi số báo chí mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
Nhưng dù dưới hình thức thể hiện ra sao thì Báo Nhân Dân vẫn phải giữ đúng định hướng, giàu tính Đảng để luôn là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam.
Chúng tôi rất tự hào vì tất cả các thế hệ nhà báo của Báo Nhân Dân luôn giữ vững truyền thống của tờ báo, kể cả trong những năm lửa đạn chiến tranh, trong thời kỳ xây dựng đất nước với muôn vàn khó khăn cho đến giai đoạn phát triển mạnh mẽ hiện nay.
Bên cạnh việc bồi dưỡng những kỹ năng làm báo hiện đại, nắm bắt những xu hướng báo chí - truyền thông mới, thì những hoạt động hướng về cội nguồn chính là một cách để tiếp lửa cho những nhà báo của thế hệ hôm nay, để họ không quên lịch sử hào hùng của dân tộc, chặng đường hơn 7 thập kỷ rất đỗi tự hào của những người làm báo Báo Nhân Dân, để tiếp tục đi trên con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, con đường mà Đảng và Nhân dân đã tin cậy giao phó.
+Xin trân trọng cảm ơn ông!