HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG NĂM 2025: Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động
Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được xác định là một trong những hoạt động quan trọng giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất. Những năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu với chính quyền, các sở, ban, ngành, chủ doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động ngăn chặn, phòng ngừa nguy cơ mất ATVSLĐ.

Công ty TNHH Padmac, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản) phối hợp với lực lượng Công an trên địa bàn tuyên truyền phòng chống cháy nổ, đảm bảo ATVSLĐ trong doanh nghiệp.
Là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu sản xuất các loại giày thể thao xuất khẩu, hiện nay Công ty TNHH Viet Power (Hải Hậu) có trên 6.300 công nhân lao động, trong đó tỷ lệ lao động nữ chiếm 92%. Với lợi thế 100% người lao động là đoàn viên công đoàn, hàng năm Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty không chỉ làm tốt các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động, mà còn luôn chủ động tham mưu cho lãnh đạo công ty lập kế hoạch, xây dựng nội quy, quy chế, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, rà soát xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp vào thỏa ước lao động tập thể. Hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2025 với chủ đề: “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc”, CĐCS Công ty đã xây dựng kế hoạch phấn đấu 100% người lao động được tiếp cận thông tin truyền thông về ATVSLĐ, được tham gia các lớp tập huấn, được trang bị bảo hộ lao động, tham gia diễn tập, xử lý, ứng cứu các tình huống khi xảy ra tai nạn lao động, cháy nổ… Theo đó, để bảo đảm 100% người lao động đều được tiếp cận với các hoạt động truyền thông, tăng cường nhận thức và tính tự giác thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh trong lao động, sản xuất, CĐCS công ty đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền thông qua các hội nghị người lao động, sơ kết, tổng kết, đưa nội dung thực hiện công tác bảo đảm ATVSLĐ vào bình xét thi đua hàng tháng, hàng quý. Bên cạnh đó, CĐCS Công ty tăng cường phối hợp với chuyên môn tổ chức kiểm tra, đánh giá, rà soát những vị trí, công việc có nguy cơ rủi ro cao để thường xuyên cải thiện điều kiện, môi trường làm việc và trang bị cho người lao động đầy đủ phương tiện bảo hộ; cử thành viên ban chấp hành, người lao động tham gia tập huấn các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ do Công đoàn cấp trên và địa phương tổ chức; mời chuyên gia thuộc các ngành chức năng tổ chức diễn tập các phương án cấp cứu do tai nạn lao động và xử lý sự cố, thực hiện nghiêm chế độ định kỳ bảo dưỡng máy móc và kiểm định các thiết bị có yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt; thường xuyên rà soát, bảo dưỡng hoặc thay thế hệ thống máy móc đã xuống cấp, hay hỏng hóc…; chú trọng chăm sóc sức khỏe, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám chuyên sâu cho 100% công nhân lao động. Công đoàn cũng tiếp tục duy trì và phát triển các phong trào thi đua như: “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất”, “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ” không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tiết kiệm thời gian, vật liệu, hạn chế sai sót, lỗi hỏng, ảnh hưởng tiến độ và chi phí sản xuất mà còn phát huy được khả năng sáng tạo, bảo vệ môi trường, xây dựng môi trường làm việc trong doanh nghiệp ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả và có điều kiện tốt hơn để chăm lo đời sống cho người lao động. Nhờ làm tốt công tác bảo đảm ATVSLĐ, nhiều năm liền Công ty TNHH Viet Power không xảy ra các vụ, việc mất ATVSLĐ, được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, LĐLĐ tỉnh, huyện Hải Hậu biểu dương, khen thưởng.
Để góp phần bảo đảm ATVSLĐ, hàng năm LĐLĐ tỉnh đều xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các tổ chức công đoàn phối hợp với chính quyền, chuyên môn, CNLĐ đẩy mạnh tuyên truyền; tổ chức và phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về ATVSLĐ, trung bình hàng năm, LĐLĐ tỉnh tổ chức từ 2-3 hội nghị tư vấn pháp luật và công tác ATVSLĐ lưu động cho hàng nghìn lượt công nhân lao động tại các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, công ty có đông công nhân lao động và công ty cần có sự bảo đảm an toàn lao động cao thuộc các ngành nghề như xây dựng, cơ khí, may mặc, luyện kim…; biên soạn, phát hành hơn 10 nghìn tờ gấp với các nội dung về tư vấn pháp luật, ATVSLĐ; tổ chức mô hình sức khỏe của bạn, tuyên truyền các biện pháp đảm bảo an toàn lao động và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân lao động. Hàng năm, 100% doanh nghiệp Nhà nước, khoảng 80% doanh nghiệp ngoài Nhà nước tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức, hội nghị người lao động, nhằm tiếp thu ý kiến của người lao động tu sửa cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, bảo hộ lao động; bố trí chuyên môn định kỳ bảo dưỡng máy móc, nhà xưởng, lắp đặt hệ thống cải thiện điều kiện làm việc, nơi sản xuất, bảo vệ môi trường chung của doanh nghiệp… Trong năm 2024, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức 2 hội nghị tư vấn pháp luật về ATVSLĐ lưu động cho 550 công nhân lao động tại Công ty TNHH LongYu Việt Nam (Nam Trực) và Công ty TNHH May mặc dệt kim Smart Shirts Việt Nam, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản); tổ chức mô hình sức khỏe của bạn, với nội dung khám và tư vấn sức khỏe miễn phí cho 500 nữ công nhân lao động Công ty TNHH một thành viên Giầy Thành Bách Việt Nam, Khu công nghiệp Hòa Xá (thành phố Nam Định)...
Đặc biệt hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2025, bám sát chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam và kế hoạch triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2025 của UBND tỉnh với chủ đề “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc”, LĐLĐ tỉnh đã tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền thông qua tổ chức hội nghị, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng mạng xã hội… Trong quý I/2025, đã có 89% khối các cơ quan hành chính Nhà nước đơn vị sự nghiệp tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; 65% doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động đều lồng ghép tuyên truyền công tác bảo đảm ATVSLĐ. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng như Sở Nội vụ, Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh biên soạn, phát hành các tài liệu tuyên truyền về ATVSLĐ, chế độ chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chú trọng khám chuyên sâu các nội dung liên quan đến bệnh nghề nghiệp và phục hồi chức năng lao động…
Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh định hướng mỗi CĐCS tổ chức ít nhất một hoạt động thiết thực với phương châm “Mỗi CĐCS - một lợi ích đoàn viên”, thúc đẩy các phong trào thi đua như lao động giỏi, lao động sáng tạo, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, thực hành tiết kiệm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm… Thúc đẩy công tác phối hợp giữa tổ chức công đoàn với các cơ quan chức năng, chính quyền đồng cấp và người sử dụng lao động trong việc triển khai các chương trình, hành động cụ thể để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cải thiện điều kiện lao động, phát động thi đua, đẩy mạnh phong trào công nhân lao động tham gia công tác ATVSLĐ, góp phần xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc.