Hướng tới nền y tế thông minh, bệnh viện không giấy tờ

Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số toàn diện, ngành Y tế Vĩnh Phúc đã khẳng định vai trò tiên phong trong việc áp dụng công nghệ số để triển khai các mô hình bệnh viện thông minh, không giấy tờ. Từng bước hiện đại hóa các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân; tăng cường công tác quản lý nhà nước theo hướng khoa học, chính xác, kịp thời, hiệu quả.

Hình thức thanh toán viện phí trực tuyến được nhiều người sử dụng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Hình thức thanh toán viện phí trực tuyến được nhiều người sử dụng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Ảnh: Dương Chung

Ngành Y tế tỉnh không ngừng nỗ lực, triển khai các giải pháp đồng bộ đưa chuyển đổi số vào thực tiễn. Trong đó, hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử là một trong những bước tiến quan trọng được ngành tập trung thực hiện. Đến nay, hơn 1,2 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân đã được tạo lập, chiếm hơn 96% dân số tỉnh. Hệ thống này không chỉ quản lý sức khỏe cá nhân mà còn tích hợp dữ liệu khám, chữa bệnh với ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử của người dân, giúp đồng bộ hóa thông tin và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng. Toàn bộ dữ liệu khám, chữa bệnh tại các đơn vị y tế được liên thông với hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, tạo cơ sở dữ liệu tập trung và thống nhất.

Ngành Y tế cũng đã đề xuất UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thí điểm thực hiện Sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID. Đây là bước tiến quan trọng, không chỉ giúp người dân dễ dàng quản lý thông tin sức khỏe cá nhân, mà còn cung cấp cho bác sĩ cái nhìn tổng thể về lịch sử khám, chữa bệnh của từng bệnh nhân, hỗ trợ tối ưu trong chẩn đoán và điều trị.

Song hành với hồ sơ sức khỏe điện tử, hiện nay, 100% cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai hệ thống phần mềm quản lý thông tin khám, chữa bệnh trực tuyến; kết nối liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế với cổng giám định Bảo hiểm xã hội, đồng thời triển khai giải pháp không dùng tiền mặt thanh toán viện phí và các dịch vụ y tế, đảm bảo tính minh bạch… Điều này không chỉ mang lại sự thuận tiện cho người dân mà còn minh chứng cho sự tiến bộ vượt bậc của ngành Y tế trong công cuộc số hóa.

Chương trình khám, chữa bệnh từ xa, ứng dụng các nền tảng như Zalo, Telegram và Vtelehealth để kết nối bệnh nhân và bác sĩ; sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VNeID, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến… được triển khai hiệu quả, nhận được sự đánh giá cao từ người dân.

Là đơn vị tiên phong trong triển khai bệnh viện thông minh, không giấy tờ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lê Văn Tịnh cho biết: Năm 2023, sau khi bệnh viện triển khai thành công bệnh án điện tử đã cho thấy những ưu điểm vượt trội so với bệnh án giấy truyền thống như các quy trình được số hóa toàn bộ, không cần dùng giấy tờ, sổ sách; dữ liệu được ghi chép, hiển thị và lưu trữ bằng phương tiện điện tử, có cơ sở pháp lý và chức năng tương đương hồ sơ bệnh án giấy; mọi thông tin sức khỏe, tiền sử của người bệnh đang điều trị tại bệnh viện được lưu giữ đầy đủ, góp phần rút ngắn thời gian khám và điều trị bệnh. Tất cả đều bảo đảm an toàn, bảo mật; bác sĩ có thể truy cập bệnh án của người bệnh một cách nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi và đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Mặc dù việc triển khai bệnh án điện tử đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, như vậy mới chỉ hoàn thành 40% công cuộc chuyển đổi số của bệnh viện thông minh. Vì vậy, bệnh viện mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành trong công cuộc chuyển đổi số, tiến tới bệnh viện không giấy tờ vào năm 2025.

Với bệnh án điện tử, các bác sĩ có thể dễ dàng truy cập nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Ảnh: Dương Chung

Với bệnh án điện tử, các bác sĩ có thể dễ dàng truy cập nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Ảnh: Dương Chung

Cùng với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên cũng đã được công nhận đủ điều kiện triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, giúp giảm sử dụng giấy tờ và tối ưu hóa quy trình làm việc, quản lý dữ liệu y tế. Tuy nhiên, hiện bệnh án điện tử vẫn chưa được cơ quan Công an, bảo hiểm xã hội xem là một hồ sơ pháp lý, vì thế, các bệnh viện vẫn đang phải triển khai song song 2 bệnh án (bệnh án giấy và bệnh án điện tử).

Hướng tới xây dựng nền y tế thông minh, ngành Y tế tỉnh đề ra mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực, từ nâng cấp hạ tầng công nghệ đến cải tiến các dịch vụ y tế phục vụ người dân. Trọng tâm của kế hoạch là hoàn thiện các hệ thống dữ liệu y tế liên thông, đảm bảo 100% thông tin khám, chữa bệnh được kết nối và quản lý tập trung, hướng đến tính đồng bộ và minh bạch.

Bên cạnh đó, ngành Y tế tỉnh cũng chú trọng phát triển các dịch vụ y tế tiên tiến như bệnh án điện tử toàn diện và khám, chữa bệnh từ xa, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, giảm tải cho các cơ sở y tế và đảm bảo tiếp cận các dịch vụ y tế công bằng cho người dân, đặc biệt là tại các khu vực khó khăn.

Ngành Y tế tỉnh sẽ không ngừng đổi mới, khai thác tối đa lợi thế công nghệ để xây dựng một hệ thống y tế thông minh, hiện đại, bền vững, mang lại lợi ích thiết thực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.

Minh Nguyệt

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/123022//huong-toi-nen-y-te-thong-minh-benh-vien-khong-giay-to
Zalo