Hiệu quả từ nuôi tằm phòng lạnh
Học hỏi kinh nghiệm nuôi tằm theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, thời gian qua, ông Võ Xuân Đông đã hợp tác với một số người bạn đầu tư xây dựng trại tằm Đồng Phú ở ấp Dên Dên, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú. Với sự đầu tư bài bản, hiện đại và quy trình nuôi khép kín, trại tằm đã mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với nhiều mô hình khác.
“Tôi nuôi tằm tại Đồng Phú thấy ổn định hơn các nơi khác, vì thời tiết, khí hậu ở đây khá thuận lợi và mát mẻ. Khi nắng quá thì dùng máy lạnh nên phù hợp cho việc nuôi tằm quanh năm” - ông Võ Xuân Đông mở đầu câu chuyện “nuôi tằm phòng lạnh” của mình như thế.
Ông Võ Xuân Đông (thứ 2 từ trái sang) hy vọng mở rộng mô hình nuôi tằm phòng lạnh để vừa phát triển kinh tế vừa tạo việc làm cho lao động địa phương - Ảnh: Đặng Hùng
Sẵn có ao nuôi cá lóc thương phẩm được đầu tư từ trước trên đất trang trại, ông Đông đã cùng những người bạn bố trí riêng 3 ha đất để trồng dâu và xây trại nuôi tằm. Nhờ tận dụng nguồn nước thải từ nuôi cá lóc tưới cho dâu, cây dâu phát triển xanh tốt, cung cấp lại nguồn thức ăn dồi dào cho tằm. Ông Đông còn mua máy thái lá dâu, giúp rút ngắn tối đa thời gian băm lá và giảm nhân công chăm sóc.
Riêng trại tằm được chia làm 2 sàn, trong đó sàn lạnh rộng 300m2, lắp 4 máy lạnh dùng nuôi tằm khi nhỏ. Đến giai đoạn nhả tơ, tằm sẽ được chuyển sang sàn nóng với diện tích khoảng 90m2. Tại trại tằm Đồng Phú, tằm lớn được nuôi dưới sàn nhà phòng lạnh ở nhiệt độ trung bình từ 27-31OC. Buổi sáng, kỹ thuật viên rắc vôi lên tằm để khử khuẩn và hút ẩm, sau đó cho tằm ăn. Tằm cần cho ăn đúng giờ và theo dõi thường xuyên để kịp phòng bệnh. Bệnh trên tằm chủ yếu là bủng nghệ, bệnh tằm gai, bệnh do vi khuẩn, nấm..., nếu không phòng trị kịp thời sẽ làm giảm sản lượng, chất lượng kén.
Anh Đặng Xuân Khánh, kỹ thuật viên tại trại tằm cho hay, vòng đời của tằm dâu khoảng 15 ngày, kể từ khi trứng nở với các giai đoạn: ăn tư, ăn rỗi, tằm chín lên né, nhả tơ và cho thu hoạch kén. Khi tằm chín lên né cần theo dõi sát sao, nếu không lên né kịp thời thì tằm sẽ không quấn tơ được. Để tằm phát triển tốt, nhả nhiều tơ, khâu vệ sinh trại nuôi và nguồn thức ăn được đặc biệt chú trọng. “Cần phải vệ sinh và khử khuẩn đầy đủ, xem lá dâu có đảm bảo chất lượng không. Đặc biệt, không dùng bất cứ loại thuốc nào trên lá dâu, cỏ dưới gốc dâu cũng không được phun thuốc, môi trường xung quanh lá dâu phải sạch sẽ, chỉ một tác động nhỏ trên thức ăn cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của tằm” - anh Khánh chia sẻ.
Nhờ đầu tư bài bản, hiện đại, theo quy trình khép kín nên trại tằm Đồng Phú có thể nuôi được quanh năm. Trung bình 1 đợt nuôi, với 2 hộp giống (khoảng 2kg giống) sẽ cho thu hoạch từ 1-1,2 tạ kén, nếu nuôi tốt có thể đạt 1,5 tạ kén. Trên thị trường hiện nay, giá bán kén tằm dao động từ 170-200 ngàn đồng/kg. Bình quân 1 năm, 1 ha đầu tư trồng dâu nuôi tằm có thể cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng, cao hơn nhiều mô hình kinh tế khác.
“Về đầu ra, chúng tôi đã ký kết hợp đồng lâu dài với doanh nghiệp ở các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng. Trong đó có những doanh nghiệp vừa phân phối giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và thu mua kén luôn nên rất thuận lợi” - ông Đông cho biết thêm.
Phát huy hiệu quả mô hình, ông Đông và bạn bè của mình đã đầu tư xây dựng thêm trại tằm quy mô 20 ha tại xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú. Trại đang trồng dâu để có nguồn thức ăn phục vụ tằm sau này. Ông Đông hy vọng, việc phát triển trại tằm không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần giải quyết việc làm ổn định cho lao động địa phương.
Dâu cho tằm ăn tại Trại tằm Đồng Phú phải đảm bảo "sạch", không dùng phân thuốc hóa học