Hướng tới nền hành chính hiện đại
Xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số là mục tiêu quan trọng mà tỉnh ta hướng tới khi ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về 'Chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030'. Với sự định hướng rõ ràng và hành động quyết liệt của các cấp chính quyền, cùng sự tham gia tích cực từ phía người dân, doanh nghiệp đã tạo nên bước chuyển rõ nét trong xây dựng nền hành chính hiện đại, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.
Để hiện thực hóa các mục tiêu đặt ra trong xây dựng chính quyền điện tử, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, như: Hoàn thiện thể chế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ; cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết; thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tích cực hoàn thành các mục tiêu về CĐS... UBND tỉnh cũng đã cụ thể hóa, đề ra nhiều giải pháp và giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện. Trên cơ sở các kế hoạch và mục tiêu lớn mà tỉnh đề ra, thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã luôn đề cao vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian hoàn thành.
Xây dựng chính quyền điện tử được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong kế hoạch CĐS với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ở cả 3 cấp. Bắt đầu từ cấp cơ sở, ngoài đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, nhiều địa phương đã nghiên cứu, áp dụng các mô hình, sáng kiến mới trong thực hiện. Năm 2023, Thanh Hóa thực hiện thí điểm mô hình “3 không” tại 5 xã, phường, đến nay cơ bản các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai mô hình này ở các xã, phường, thị trấn nhằm cung cấp các công cụ thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp tham gia CĐS. Ngoài ra, nhiều mô hình CĐS đã được triển khai và nhân rộng như “ngày không bút”, “chợ 4.0”, “thôn thông minh”... Hiện nay, toàn tỉnh đã có 114 xã, phường, thị trấn được công nhận hoàn thành CĐS cấp xã.
Với quyết tâm đổi mới phương thức làm việc, các cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã thay đổi quy trình xử lý văn bản, hồ sơ công việc từ làm việc trên giấy sang làm việc trên môi trường điện tử. Theo đó, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được giải quyết trực tuyến toàn phần và một phần, được số hóa kết quả giải quyết; 100% cơ quan hành chính Nhà nước đã hoàn thành chuyển đổi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2015; 100% hồ sơ công việc của các cơ quan Nhà nước được thực hiện trên môi trường mạng với tỷ lệ ký số cơ quan đạt 98%, đảm bảo công khai, minh bạch, nhanh chóng. Việc trao đổi và xử lý văn bản liên thông trên môi trường mạng giữa các cơ quan khối đảng, chính quyền, đoàn thể được thực hiện ở cả 3 cấp trên nền tảng tích hợp dữ liệu của tỉnh.
Để chia sẻ, công khai các thông tin, dữ liệu phục vụ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, Thanh Hóa đã đưa vào vận hành Cổng dữ liệu mở của tỉnh với hơn 300 dữ liệu mở thuộc 16 lĩnh vực. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã được chuyển đổi sang địa chỉ IPv6, hiện đang cung cấp 733 dịch vụ công trực tuyến một phần và 977 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh cũng đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giúp người dân khi thực hiện các dịch vụ công không phải khai báo lại thông tin cá nhân, thời gian thực hiện các dịch vụ công cũng nhanh chóng, chính xác và thuận lợi hơn.
Không chỉ các cấp chính quyền, các ngành, đơn vị cũng đã và đang thực hiện CĐS một cách mạnh mẽ. Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ứng dụng hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi diễn biến rừng; ứng dụng thiết bị kỹ thuật hiện đại để phát hiện sớm cháy rừng; chuyển bản đồ các khu bảo tồn lên máy định vị GPSmap62 và GPSmap78S phục vụ công tác tuần tra, kiểm tra, lập tuyến tuần tra cố định trong rừng đặc dụng... Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã ứng dụng công nghệ WebGIS xây dựng Atlas điện tử; ứng dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước; cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học và an toàn sinh học. Lĩnh vực tài chính khai thác và sử dụng kho dữ liệu ngân sách Nhà nước; hệ thống thông tin thống kê tài chính; hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS). Lĩnh vực thuế triển khai ứng dụng thuế điện tử trên thiết bị di động (eTax Mobile); hệ thống dịch vụ thuế điện tử Etax; hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền...
Chính quyền điện tử là hoạt động của chính quyền dựa trên nền tảng công nghệ thông tin nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động và cung ứng dịch vụ công theo hình thức trực tuyến nhanh nhạy, hiệu quả và chất lượng hơn. Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thanh Hóa tập trung khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, tạo bước chuyển mạnh mẽ hơn nữa trong xây dựng chính quyền điện tử để đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.