Hướng tới nâng tầm quan hệ Việt Nam-Ba Lan lên Đối tác Chiến lược

Trong 75 năm qua, mối quan hệ Việt Nam-Ba Lan được xây dựng và phát triển trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục-đào tạo...

Quan hệ Việt Nam-Ba Lan. Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Quan hệ Việt Nam-Ba Lan. Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Cách đây 75 năm, Việt Nam và Cộng hòa Ba Lan thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 4/2/1950.

75 năm qua, dù thế giới có đổi thay, có khó khăn và phức tạp song những giá trị cốt lõi, những tình cảm mà nhân dân Việt Nam và Ba Lan dành cho nhau không hề thay đổi, ngày càng phát triển sâu sắc, toàn diện, hiệu quả.

Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt phát triển tốt đẹp

Trong 75 năm qua, mối quan hệ Việt Nam-Ba Lan được xây dựng và phát triển trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục-đào tạo...

 Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau thăm chính thức Việt Nam (Hà Nội, 16/3/2024). (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau thăm chính thức Việt Nam (Hà Nội, 16/3/2024). (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Nhân dân Việt Nam luôn đánh giá cao sự ủng hộ nhiệt tình, sự giúp đỡ quý báu của Chính phủ và nhân dân Ba Lan trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Trong giai đoạn những năm từ 1960 đến1990, Ba Lan đã giúp đào tạo trên 4.000 sinh viên và cán bộ khoa học Việt Nam; trên 3.500 công nhân lành nghề, chủ yếu trong các ngành than, đóng tàu.

Trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại mở cửa hướng về châu Á, Ba Lan rất coi trọng vai trò, vị trí của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là đối tác ưu tiên hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á.

Lãnh đạo hai nước thường xuyên trao đổi đoàn các cấp nhằm củng cố và thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước. Về phía Việt Nam có các chuyến thăm Ba Lan của: Thủ tướng Võ Văn Kiệt (tháng 5/1997); Chủ tịch nước Trần Đức Lương (tháng 10/2003); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (tháng 3/2013); Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Radoslaw Sikorski bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 24 (AEMM-24) và Diễn đàn Bộ trưởng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lần thứ 3 (IPMF-3) (tháng 2/2024); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nhân dịp tham dự Hội nghị WEF Đại Liên 2024, tại thành phố Đại Liên, Trung Quốc (tháng 6/2024); Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương thăm làm việc tại Ba Lan (tháng 3/2024); Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Ba Lan (16 đến 18/1/2025)…

Về phía Ba Lan có các chuyến thăm Việt Nam của: Tổng thống Aleksander Kwasniewski (tháng 3/1999); Chủ tịch Thượng viện Ba Lan Longin Pastusiak (tháng 9/2003); Thủ tướng Marek Belka (tháng 1/2005); Thủ tướng Donald Tusk thăm chính thức (tháng 9/2010); Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (tháng 11/2017); Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau (tháng 3/2023); Quốc Vụ khanh Bộ Ngoại giao Ba Lan Władysław Teofil Bartoszewski (tháng 12/2024)…

Gần đây nhất, trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Ba Lan từ ngày 16 đến 18/1/2025, lãnh đạo hai nước đã ra Tuyên bố chung Việt Nam-Ba Lan về nâng tầm quan hệ song phương, trong đó nhấn mạnh hai bên cần thúc đẩy hợp tác chính trị, kinh tế, ngành nghề, địa phương và giao lưu nhân dân sâu rộng, hiệu quả hơn nữa, hướng tới nâng cấp quan hệ Việt Nam-Ba Lan lên tầm chiến lược trong tương lai gần.

Hai bên cũng nhất trí đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột quan trọng của quan hệ song phương; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt 5 tỷ USD...

Chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng, mở đầu cho năm kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ba Lan (1950-2025), tạo động lực mới đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.

Hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp Việt Nam-Ba Lan cũng không ngừng phát triển. Quốc hội Việt Nam khóa XV đã thành lập Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Việt Nam-Ba Lan. Về phía Ba Lan, Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị Ba Lan-Việt Nam đã được thành lập tại cả Thượng viện và Hạ viện.

Trên các diễn đàn đa phương, hai nước phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn như Liên hợp quốc, thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với Ba Lan và Liên minh châu Âu (EU); phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật tại mỗi nước trong năm 2025, hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ba Lan (4/2/1950-4/2/2025).

Hợp tác kinh tế, thương mại tăng trưởng vượt bậc

Việt Nam hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Ba Lan tại Đông Nam Á và Ba Lan cũng là đối tác hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông Âu. Kim ngạch thương mại những năm qua tăng khá nhanh: năm 2020 đạt 2,115 tỷ USD; năm 2021 đạt 2,576 tỷ USD; năm 2022 đạt 2,566 tỷ USD; năm 2023 đạt 2,824 tỷ USD; năm 2024 đạt 3,435 tỷ USD.

 Việt Nam xuất khẩu sang Ba Lan chủ yếu các mặt hàng: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng…; hàng dệt may, thủy sản, gạo, cà phê, hạt tiêu, bánh kẹo, nông sản. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Việt Nam xuất khẩu sang Ba Lan chủ yếu các mặt hàng: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng…; hàng dệt may, thủy sản, gạo, cà phê, hạt tiêu, bánh kẹo, nông sản. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Việt Nam xuất khẩu sang Ba Lan chủ yếu các mặt hàng: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng…; hàng dệt may, thủy sản, gạo, cà phê, hạt tiêu, bánh kẹo, nông sản... và nhập khẩu từ Ba Lan sữa bột, tân dược, thiết bị cho ngành than, đóng tàu, kim loại, phế liệu sắt thép...

Ba Lan hiện đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), nhưng đến nay chưa phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA).

Do đó, trong các cuộc tiếp xúc gần đây, phía Việt Nam luôn bày tỏ mong muốn Ba Lan sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA; thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) gỡ bỏ “thẻ vàng” (IUU) đối với hàng thủy sản Việt Nam; tiếp tục thúc đẩy thực hiện những thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước.

Về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 12/2024, Ba Lan có 33 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 473,82 triệu USD, đứng thứ 34/147 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Mới đây tại Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Ba Lan do Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng và Phó Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ba Lan Anna Krystyna Radwan-Röhrenschef đồng chủ trì tại Hà Nội (ngày 30/5/2024), hai bên nhất trí tích cực thực hiện cơ chế họp tham vấn hợp tác kinh tế song phương giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Phát triển và Công nghệ Ba Lan; xem xét việc thành lập Ủy ban liên Chính phủ giữa hai nước về hợp tác kinh tế; tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của nhau có mặt nhiều hơn trên thị trường mỗi bên; khuyến khích các doanh nghiệp Ba Lan đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực Ba Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như dược phẩm, công nghệ thông tin truyền thông, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến chế tạo, khai khoáng, đóng tàu…

Về hợp tác phát triển, năm 2005, Ba Lan đã cam kết dành cho Việt Nam một khoản tín dụng hỗn hợp trị giá 280 triệu USD. Trong khuôn khổ cam kết đó, ngày 22/1/2008, Bộ Ngoại giao Ba Lan và Bộ Tài chính Việt Nam đã ký Hiệp định tín dụng Dự án Phòng thí nghiệm trọng điểm - Bể thử mô hình tàu thủy với trị giá vốn vay ODA là 16,47 triệu Euro (tương đương khoảng 20 triệu USD). Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tháng 11/2017, hai bên đã ký Hiệp định tài chính trị giá 250 triệu Euro.

Đặc biệt, Ba Lan là một trong những nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn dịch COVID-19, đã tặng Việt Nam 1,4 triệu liều vaccine và 8 tấn thiết bị y tế trị giá 4 triệu USD.

Ngoài ra, hợp tác trong các lĩnh vực khác như quốc phòng, an ninh, giáo dục, đào tạo, nông nghiệp, văn hóa, lao động giữa hai nước cũng phát triển tích cực.

Kể từ những năm 1960 cho đến đầu những năm 1990, Ba Lan đã đào tạo cho Việt Nam trên 4.000 sinh viên và cán bộ khoa học; trên 3.500 công nhân lành nghề, chủ yếu trong các ngành than, đóng tàu.

Nhân chuyến thăm của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (tháng 11/2017), hai bên đã ký Thỏa thuận giáo dục mới, trong đó nhất trí tăng số lượng học bổng lên 20 suất/1 năm; Ba Lan cấp cho Việt Nam 20 suất học bổng đại học và trên đại học; Việt Nam tiếp nhận 20 sinh viên Ba Lan sang thực tập.

Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan hiện có khoảng 25 nghìn người, có truyền thống đoàn kết, hướng về tổ quốc, có nhiều đóng góp cho sở tại và quan hệ hai nước, được chính quyền Ba Lan đánh giá cao.

Đánh giá về tiềm năng hợp tác giữa hai nước, theo Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Hà Hoàng Hải, Việt Nam và Ba Lan đều là các quốc gia đang phát triển năng động trong khu vực, với vị trí vai trò ngày càng được nâng cao. Cả hai nước đều có những định hướng, tầm nhìn phát triển dài hạn với những mục tiêu riêng.

Do đó thời gian tới, để phát huy được tiềm năng thế mạnh của mỗi nước, hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn các cấp, phát huy hiệu quả của các cơ chế tham vấn, tăng cường trao đổi phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn hai bên để có thể hiểu biết được các nhu cầu, mục tiêu của nhau, từ đó lựa chọn các lĩnh vực mà các bên có ưu tiên, thế mạnh, góp phần hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Một số lĩnh vực đang phát triển và có nhiều tiềm năng trong hợp tác hai nước như du lịch, hợp tác khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo…

Đối với lĩnh vực du lịch, Đại sứ cho biết hai bên cần tính toán thiết lập lại đường bay thẳng, phục vụ nhu cầu của người dân hai nước, cũng như đẩy mạnh thu hút khách du lịch Ba Lan đến thăm Việt Nam.

Đối với lĩnh vực lao động, đây là lĩnh vực hợp tác còn nhiều dư địa, lao động Việt Nam phù hợp và được đón nhận tại thị trường lao động Ba Lan. Chính vì vậy cơ quan chức năng hai bên cần sớm ký kết các thỏa thuận lao động và thúc đẩy cung cấp lao động chính ngạch từ Việt Nam sang Ba Lan…

Trước đó, trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào tháng 12/2024, Quốc vụ khanh thứ nhất Bộ Ngoại giao Ba Lan Władysław Teofil Bartoszewski cũng đã đưa ra những đánh giá về triển vọng hợp tác song phương khi cho rằng hiện nay các doanh nghiệp Ba Lan quan tâm đến việc phát triển ngành năng lượng, bao gồm cả ngành than. Ba Lan là nhà sản xuất máy móc khai thác than rất lớn.

Ba Lan cũng quan tâm đến một số công nghệ xanh và đang cố gắng xây dựng các trang trại gió trên biển; hợp tác công nghệ số với mong muốn làm cho cuộc sống của người dân trở nên dễ dàng hơn.

Đây đều là những lĩnh vực mà Việt Nam đang hướng tới trong khi Ba Lan đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực số hóa từ trong đại dịch COVID-19. Do đó điều này sẽ mở ra những hướng phát triển mới trong tương lai giữa hai nước…

Nhìn về tương lai, có thể khẳng định Việt Nam và Ba Lan đang đứng trước những cơ hội lớn để đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới, trở thành một điển hình về quan hệ hợp tác hữu nghị giữa khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Nhân kỷ niệm 75 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (4/2/1950-4/2/2025), hai nước đã lên kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa cho sự kiện này.

Theo Đại sứ Hà Hoàng Hải cho biết, một trong những hoạt động nổi bật là từ cuối năm 2024, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan đã phối hợp với Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội tổ chức cuộc thi thiết kế logo nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Cuộc thi đã thu hút được 350 bài dự thi của cả nghệ sĩ Ba Lan và Việt Nam. Đại sứ quán hai nước đã lựa chọn được logo rất chất lượng, ý nghĩa đối với việc kỷ niệm sự kiện đặc biệt của quan hệ Việt Nam-Ba Lan.

Cuối tháng 1/2025, các hoạt động triển lãm tranh kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước cũng đã diễn ra...

Các hoạt động này nhằm đẩy mạnh giao lưu nhân dân và tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/huong-toi-nang-tam-quan-he-viet-nam-ba-lan-len-doi-tac-chien-luoc-post1010230.vnp
Zalo