Hướng tới logistics xanh
Theo Ngân hàng thế giới (WB), trung bình mỗi năm, hoạt động vận tải ở Việt Nam phát thải hơn 50 triệu tấn CO2, trong đó, vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng 85% lượng khí phát thải.
Dự báo, phát thải CO2 của ngành vận tải đạt mức 90 triệu tấn vào năm 2030. Chính vì vậy, giảm phát thải carbon trong ngành logistics đang trở thành vấn đề cấp thiết với doanh nghiệp Việt Nam.
![Hướng đến chuyển đổi liên phương thức trong phát triển hệ thống vận tải liên phương thức giữa đường bộ, đường biển và đường sắt. Ảnh: Quang Vinh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_113_51483143/b603ebcfd88131df6890.jpg)
Hướng đến chuyển đổi liên phương thức trong phát triển hệ thống vận tải liên phương thức giữa đường bộ, đường biển và đường sắt. Ảnh: Quang Vinh.
Yêu cầu bức thiết
Đề cập đến thực trạng phát triển logistics xanh tại Việt Nam hiện nay, chia sẻ tại hội thảo “Logistics xanh - đích đến bền vững” mới đây do Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức, ông Đào Trọng Khoa - Chủ tịch Hiệp hội DN cho biết, biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức lớn nhất của toàn cầu trong thế kỷ 21. Trong đó, riêng ngành logistics đang phát thải một lượng lớn carbon - CO2, ước tính ở mức 7-8%. Bởi vậy, cũng tương tự như yêu cầu với các ngành kinh tế khác, phát triển logistics xanh, giảm phát thải đang trở thành thành phần quan trọng của bất kỳ chuỗi cung ứng nào trong bối cảnh thế giới bất ổn về địa chính trị.
Dẫn số liệu từ Ngân hàng thế giới (WB), ông Khoa cho biết trung bình mỗi năm, hoạt động vận tải ở Việt Nam phát thải hơn 50 triệu tấn CO2, trong đó, vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng 85% lượng khí phát thải. Lượng phát thải này được dự báo tăng trung bình 6-7% mỗi năm, đồng thời, lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam bị đánh giá cao hơn nhiều so với các quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới. Dự báo, phát thải CO2 của ngành vận tải đạt mức 90 triệu tấn vào năm 2030.
Bên cạnh phát thải lớn, ngành logistics Việt cũng chịu ảnh hưởng từ các chính sách, quy định và yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng khắt khe hơn. Các hiệp định thương mại thế hệ mới đều yêu cầu DN Việt Nam phải nâng cao tiêu chuẩn, giảm “dấu chân” carbon trong hoạt động logistics để hướng tới phát triển bền vững chuỗi cung ứng.
Thực tế, việc giảm phát thải carbon trong ngành logistics đang trở thành vấn đề cấp thiết đối với doanh nghiệp Việt Nam. Đơn cử, Liên minh châu Âu (EU) là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam đã áp dụng Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM), đánh thuế carbon đối với hàng hóa có lượng phát thải cao khi nhập khẩu. Ngoài ra, EU còn có Chỉ thị Báo cáo Bền vững doanh nghiệp (CSRD) nhằm chuẩn hóa báo cáo bền vững. DN phải công khai thông tin về tác động môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Xác định “xanh hóa” là động lực để cạnh tranh
Trước yêu cầu từ thị trường trong thời gian qua nhiều DN đã thực hiện những bước đầu tiên trong quá trình chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, chủ yếu thì tập trung ở các DN lớn có tiềm lực tài chính mạnh mẽ. Trong khi đó, các DN vừa và nhỏ chưa đủ tiềm lực tài chính vẫn gặp nhiều khó khăn do chi phí tăng cao.
Đánh giá từ Bộ Công thương cho thấy, số DN logistics thực hiện chuyển đổi xanh này còn rất hạn chế trong số hơn 34.000 DN logistics trên cả nước. Nguyên nhân do việc triển khai rộng rãi logistics xanh còn gặp nhiều thách thức, như: các rào cản kỹ thuật và công nghệ, vấn đề về chi phí đầu tư, hạn chế trong nhận thức của chính DN, hạ tầng logistics chưa đồng bộ.
Bên cạnh đó, nhận thức và hiểu biết của các DN, nhất là DN nhỏ và vừa về yêu cầu xanh hóa ngành logistics đang rất hạn chế. Kế đến là sự hạn chế về công nghệ, trong khi đó, việc áp dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa chuỗi cung ứng lại đòi hỏi kỹ năng cao và công nghệ tiên tiến, điều mà không phải mọi DN đều có khả năng đầu tư.
Trước thực trạng này, theo ông Đào Trọng Khoa, các DN logistics Việt cần tận dụng lợi thế, đưa yêu cầu bức thiết về xanh hóa trở thành động lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh thương hiệu, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn.
“DN phải cập nhật những xu hướng, tiêu chuẩn mới của thế giới, hướng tới việc chuyển đổi năng lượng với các phương tiện sử dụng năng lượng tiết kiệm, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Đồng thời, tối ưu chi phí vận hành, số hóa hoạt động, nâng cao hiệu suất, hiệu quả trong cung cấp dịch vụ logistics”, ông Đào Trọng Khoa chia sẻ.
Theo ông Phạm Thiên Ân – chuyên gia về khí nhà kính, Tập đoàn Vina cotrol cho rằng, để giảm phát thải trong logistics, các DN logistics cần nhanh chóng đẩy mạnh chuyển đổi xanh.
Theo ông Ân, hiện nay Nhà nước đã có rất là nhiều cơ chế để chính sách hỗ trợ cho các DN, ngoài ra còn có thị trường về trao đổi tín triển carbon. Đây có thể là một công cụ tài chính đắc lực cho các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi xanh. Do đó, DN cần xây dựng chiến lược cắt giảm khí nhà kính với chiến lược cụ thể, chính xác và rõ ràng để đạt được mục đích giảm thải carbon hiệu quả nhất, nhanh nhất. Bên cạnh đó, DN cần chuyển đổi liên phương thức trong phát triển hệ thống vận tải liên phương thức giữa đường bộ, đường biển và đường sắt. Áp dụng các giải pháp số hóa chuỗi cung ứng thông qua việc đầu tư vào nền tảng kỹ thuật số để tối ưu hóa các hành trình vận chuyển.
Để giảm phát thải trong logistics, các chuyên gia cho rằng, ngành logistics tại Việt Nam cần triển khai các giải pháp logistics thông minh, tối ưu hóa hệ thống quản lý lưu trữ, giảm lãng phí năng lượng; hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để cùng chuyển đổi xanh. Cùng với đó, Nhà nước cần có thêm nhiều cơ chế ưu đãi, để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu giảm phát thải.