Hướng tới du lịch xanh: Giảm rác thải nhựa để tăng sức cạnh tranh

Rác thải nhựa do khách du lịch tạo ra ngày càng tăng, đe dọa cảnh quan và môi trường, buộc ngành du lịch phải hành động để phát triển xanh và bền vững.

Giảm thiểu rác thải nhựa đang trở thành một xu hướng cấp thiết trong nỗ lực bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam. Bên cạnh những đóng góp tích cực cho nền kinh tế, ngành du lịch cũng đồng thời tạo ra nhiều thách thức về môi trường, đặc biệt là từ lượng rác thải nhựa ngày càng gia tăng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thống kê từ Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho thấy, mỗi khách du lịch lưu trú tạo ra khoảng 1,2 kg rác/ngày đêm, còn khách không lưu trú thải ra khoảng 0,5 kg/ngày – trong đó, rác thải nhựa chiếm tới 60%. Dự thảo Báo cáo Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2045, cũng dự báo lượng chất thải nhựa do khách du lịch tạo ra sẽ tăng mạnh từ mức 150.820 tấn năm 2023 lên khoảng 236.000 tấn vào 2025 và có thể chạm mốc 349.400 tấn vào năm 2030 nếu không có giải pháp kiểm soát hiệu quả.

Đáng lưu ý, sản phẩm nhựa dùng một lần – đặc biệt là chai nhựa đựng nước – chiếm tỷ lệ rất lớn: tới 26,05% với khách nội địa và lên tới 38,73% với khách quốc tế. Tình trạng rác thải nhựa tràn lan không chỉ gây hại cho môi trường sống và sức khỏe con người mà còn trực tiếp đe dọa vẻ đẹp cảnh quan, hệ sinh thái và hình ảnh của điểm đến. Những bãi biển nổi tiếng, khu danh thắng, khu bảo tồn... đang phải chịu áp lực nặng nề, làm suy giảm sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên bản đồ quốc tế.

Trước thực trạng này, nhiều sáng kiến vì du lịch xanh đã được hình thành và bước đầu tạo ra tín hiệu tích cực. Điển hình là việc Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng phối hợp cùng Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương Việt Nam (PE-VN) chính thức ra mắt Mạng lưới Du lịch Việt Nam không Rác (Vietnam Zero Waste Tourism Network – VZWTN). Đây là mạng lưới liên kết các doanh nghiệp trong ngành cùng cam kết theo đuổi mục tiêu “không rác” thông qua việc giảm phát sinh và xử lý triệt để rác thải trong hoạt động kinh doanh.

Theo kế hoạch, đến năm 2030, mạng lưới sẽ ươm tạo ít nhất 100 doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực quản lý rác hiệu quả. Những đơn vị này không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, mà sẽ thực sự hành động bằng các giải pháp cụ thể, thực tiễn để hướng tới vận hành "gần như không rác".

Giảm rác thải nhựa không chỉ là một đòi hỏi về trách nhiệm môi trường, mà còn là yếu tố then chốt giúp du lịch Việt Nam nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh và đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của du khách toàn cầu. Khi doanh nghiệp du lịch, cộng đồng địa phương và chính quyền cùng hành động, du lịch xanh không còn là khái niệm xa vời mà hoàn toàn có thể trở thành hiện thực – bền vững, hấp dẫn và phát triển dài lâu.

BN

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/huong-toi-du-lich-xanh-giam-rac-thai-nhua-de-tang-suc-canh-tranh-100321.html
Zalo