Hà Nội đề xuất 5 chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ

Sắp tới, Hà Nội sẽ ban hành một Nghị quyết mang tính đột phá, mở đường cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng mới. Trong đó, 5 nhóm chính sách đặc thù lần đầu tiên được thể chế hóa ở cấp thành phố được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các rào cản lâu nay.

Hà Nội đang gấp rút xây dựng Nghị quyết quy định chi tiết một số chính sách đặc thù nhằm phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là bước cụ thể hóa các định hướng quan trọng từ Luật Thủ đô (sửa đổi năm 2024), Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo mới được Quốc hội thông qua.

Theo đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, thực tiễn triển khai thời gian qua còn nhiều bất cập: Nhiệm vụ nghiên cứu chưa gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh; cơ chế chuyển giao kết quả nghiên cứu chậm; thiếu ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia; thủ tục đầu tư công, chuyển giao tài sản, kết quả nghiên cứu chưa đầy đủ. Đặc biệt, Thành phố chưa có chính sách hỗ trợ các nhiệm vụ khoa học công nghệ do doanh nghiệp tư nhân chủ trì không dùng ngân sách nhà nước.

Các đại biểu tham quan các gian hàng triển lãm tại Techfest Hà Nội. Ảnh minh họa

Các đại biểu tham quan các gian hàng triển lãm tại Techfest Hà Nội. Ảnh minh họa

Trưởng phòng Khoa học và Sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội) Nguyễn Thị Mai cho biết, Nghị quyết được xây dựng căn cứ theo thẩm quyền tại Luật Thủ đô năm 2024, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và các quy định pháp lý hiện hành. Đồng thời, nội dung nghị quyết tiếp thu đầy đủ các chủ trương mới từ Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị; Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội; Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ...

Hà Nội xác định cần có một nghị quyết riêng do HĐND thành phố ban hành, nhằm tạo đột phá trong chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, nghị quyết sẽ tập trung vào việc tạo lập hành lang pháp lý, tài chính, tổ chức để khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng và thương mại hóa kết quả khoa học; thúc đẩy liên kết Nhà nước – nhà khoa học – doanh nghiệp – nhà đầu tư, và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đồng bộ.

Dự thảo Nghị quyết quy định 5 nhóm chính sách đặc thù, trong đó nhiều nội dung lần đầu tiên được áp dụng.

Theo đó, Nghị quyết cho phép thành phố đặt hàng, tuyển chọn, giao trực tiếp các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm, nhằm khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức tư nhân đầu tư nghiên cứu, được công nhận là nhiệm vụ trọng điểm và hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ, ưu đãi. Quy định cơ chế chuyển giao không bồi hoàn tài sản, kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ sử dụng ngân sách thông qua Sàn Giao dịch công nghệ Hà Nội.

Nghị quyết cũng hỗ trợ tối đa 100% chi phí mua sắm và vận hành thiết bị cho đề tài nghiên cứu, tối đa 50% chi phí mua sắm với dự án sản xuất thử nghiệm, cùng việc hưởng ưu đãi tương tự doanh nghiệp công nghệ cao. Ban hành chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng, trong đó đối tượng được mở rộng gồm cả chuyên gia trong và ngoài nước, người Việt Nam ở nước ngoài có uy tín. Áp dụng cơ chế khoán chi đến kết quả, sản phẩm cuối cùng, thay vì phải lập dự toán chi tiết như hiện nay...

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cũng lần đầu tiên bổ sung quy định lập dự toán cho các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo khác như tổ chức hội thảo, thành lập hội đồng tư vấn, tổ công tác chuyên đề, thu hút chuyên gia…

Cùng với ngân sách thành phố, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của Hà Nội sẽ là kênh tài trợ quan trọng, không bị ràng buộc bởi quy định bảo toàn vốn. Quỹ này có thể cấp kinh phí, tài trợ, cho vay hoặc hỗ trợ cho các tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Có thể nói, Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội là một văn bản có tính chất mở đường, góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn kéo dài nhiều năm qua trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Bằng việc trao quyền tự chủ cao hơn cho tổ chức, cá nhân, đồng thời tạo ra hệ thống hỗ trợ tài chính, tổ chức, nhân lực và pháp lý đồng bộ, nghị quyết sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chiến lược phát triển Thủ đô.

Khi nghị quyết được thông qua và triển khai hiệu quả, Hà Nội sẽ không chỉ khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước về khoa học, công nghệ, mà còn trở thành một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu trong khu vực, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô thông minh, xanh, hiện đại và bền vững.

Việc ban hành nghị quyết được giới chuyên gia đánh giá là một "bước mở khóa thể chế", tháo gỡ những điểm nghẽn kéo dài nhiều năm qua trong quản lý, đầu tư và vận hành hoạt động khoa học – công nghệ – đổi mới sáng tạo. Nếu triển khai hiệu quả, chính sách mới sẽ thúc đẩy mạnh mẽ năng lực nghiên cứu, ứng dụng và thương mại hóa, đưa Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước và vươn tầm khu vực.

Với vai trò “đầu tàu” về khoa học, giáo dục và nhân lực chất lượng cao, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng Thủ đô thông minh, xanh, hiện đại và bền vững, trong đó đổi mới sáng tạo chính là động lực cốt lõi và bền vững nhất.

Trung Nguyên/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/ha-noi-de-xuat-5-chinh-sach-dac-thu-thuc-day-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-20250717141959141.htm
Zalo