Hương Tết ở làng mật hơn 50 năm tuổi

Những giọt mật mía Thọ Điền thơm ngọt được chắt chiu từ bàn tay người nông dân cần cù, chân chất. Dịp này, làng nghề 50 năm tuổi nhộn nhịp, bếp đỏ lửa xuyên ngày đêm để phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán.

Rộn ràng mùa mật

Mảnh đất Thọ Điền (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) nằm sát bên đường mòn Hồ Chí Minh, từ lâu nổi tiếng với nghề làm mật mía. Cận Tết Nguyên đán, trời chuyển rét ngọt, làng nghề như khoác lên mình một chiếc áo bình dị bởi mùi hương thơm nồng của mật mía cuộn theo hương gió khiến không gian miền quê thêm ngào ngạt, mang nét đặc trưng riêng.

4h sáng, khi trời còn chưa tỏ, sương mù còn phủ trắng cánh đồng, bà Phan Thị Hương (55 tuổi, trú ở xã Thọ Điền) cùng các thành viên trong gia đình thức dậy để đi chặt mía, chuẩn bị cho việc sản xuất mật.

Nghề mật vận vào bà Hương từ chục năm qua. Với người phụ nữ, đây là nghề cực nhọc, nhưng đổi lại sự an lành, con cái có con chữ. Năm nay, gia đình bà Hương trồng hơn 5 sào mía để làm mật. Mảnh đất thấp trũng, ngô khoai kém phát triển, còn cây mía cứ thế vươn mình phát triển tốt.

Làng mật mía đỏ lửa xuyên ngày đêm để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Làng mật mía đỏ lửa xuyên ngày đêm để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Trồng, chăm sóc cả năm, đến tháng 11 Âm lịch, vườn mía của gia đình bà bắt đầu thu hoạch để ép nước, nấu mật. Nếu như trước đây, việc ép mía phải sử dụng sức trâu, bò quay che thì nay người dân làng nghề đầu tư máy móc hiện đại để vừa giảm sức lao động, đồng thời cho chất lượng mật đảm bảo, vệ sinh sạch sẽ hơn. Bà Hương nói, nghề nấu mật đòi hỏi sự chịu khó, kiên nhẫn và tỉ mỉ ở từng công đoạn. Mía sau khi được cạo sạch, ép nước cốt, rồi đổ vào lưới chắt lọc loại bỏ những lớp cặn.

Đổ dòng nước trong veo có màu xanh nhạt vào nồi chảo lớn, bà Hương đốn thêm củi bỏ vào lò, lửa cháy đỏ rực. Bà Hương nói, nghề nấu mật nhìn đơn giản, nhưng cực lắm. Dịp này mỗi ngày nấu 100 - 150 lít mật, làm quần quật đến đêm, khi ngả lưng xuống giường thì ê ẩm hết người.

Theo bà Hương, thời gian đốt mỗi mẻ mật từ 4 - 5 giờ đồng hồ. Khi sôi phải có người đứng đều tay đảo nồi và liên tục vớt bọt. Nếu để mật bị trào sẽ hao hụt sản lượng, kém thơm, màu không đẹp mắt.

Khi chảo mật đổi màu cánh gián cũng là lúc mật đạt chất lượng. Lúc này người thợ lành nghề tiếp tục đổ vào thùng, lọc qua lớp vải màn để lọc sạch cặn, chọn những giọt mật tinh túy nhất.

Bà Phan Thị Hương người có hàng chục năm làm nghề nấu mật.

Bà Phan Thị Hương người có hàng chục năm làm nghề nấu mật.

"Để tạo nên những giọt mật vàng óng, người nấu phải đứng 'canh' bếp, giữ lửa luôn đỏ. Thời gian đốt mỗi mẻ mật từ 4 - 5 giờ đồng hồ. Khi sôi phải có người đứng đều tay đảo nồi và liên tục vớt bọt. Nếu để mật bị trào sẽ hao hụt sản lượng, kém thơm, màu không đẹp mắt", bà Hương nói.

Làng nghề mong Tết

Làng mật mía dịp này nhà nhà đỏ lửa, làn khói trắng xóa bốc lên từ gian bếp nhỏ nối sợi kéo dài từ rạng sáng đến nửa đêm. Người người tất bật làm việc, từ đốn củi, đổ nước mía rồi đến vớt bọt… bàn tay thoăn thoắt liên tục không ngừng.

Mía được người dân Thọ Điền trồng để ép lấy mật.

Mía được người dân Thọ Điền trồng để ép lấy mật.

Sinh ra ở làng mật từ nhỏ anh Lương Sĩ Đức (31 tuổi) đã gắn bó với nghề được cha ông truyền lại. Anh Đức cùng vợ Đoàn Thị Nhàn (sinh năm 1993) được đánh giá là một trong những người trẻ tiên phong đưa những giọt mật vươn xa khỏi lũy tre làng đến những tỉnh, địa phương khác.

Anh Đức cho biết, mỗi năm gia đình làm trên 10 tấn mật, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Dịp này, nhiều đơn hàng Tết với số lượng lớn được đặt nên làm việc từ ngày đến đêm để cho ra những mẻ mật đạt chất lượng. Anh Đức nói, mật ở đây được nấu thủ công, không trộn lẫn hóa chất. Bởi lẽ đó nên hàng sản xuất ra đến đâu, được thu mua đến đó.

Anh Lương Sĩ Đức đóng mật vào chai gửi đi cho khách.

Anh Lương Sĩ Đức đóng mật vào chai gửi đi cho khách.

“Giờ mỗi ngày gia đình nấu trên 100 lít mật. Dịp Tết Nguyên đán là lúc làng nghề vào vụ nhộn nhịp nhất trong năm, bởi lúc này thị trường tăng cao, mía đủ độ tuổi thu hoạch để ép nước nấu mật. Trước đây nghề cũng khó khăn do thị trường đầu ra, nhưng giờ làng mật được nhiều người biết đến nên việc xuất bán rất thuận lợi”, anh Đức nói.

Người dân nấu mật từ 4-5 giờ mới tạo nên thành phẩm.

Người dân nấu mật từ 4-5 giờ mới tạo nên thành phẩm.

Theo anh Đức, mật hiện tại đang được bán với giá từ 65 - 70 nghìn/lít (tương đương 1,4kg). Để phục vụ nhu cầu thị trường, anh Đức cũng thu mua mật giúp cho bà con địa phương. “Mật được nhiều mua từ lòng tin, nên trong quy trình sản xuất chúng tôi phải đảm bảo chất lượng. Cứ đến Tết Nguyên đán, người dân địa phương lại vui mừng vì có thêm nguồn thu nhập từ mật mía, phấn khởi lắm", anh Đức nói.

Theo ông Đặng Khánh Trình - Bí thư Đảng ủy xã Thọ Điền, tại địa bàn có 30ha trồng mía để nấu mật. Trung bình mỗi năm, người dân trên địa bàn cung cấp ra thị trường gần 190 tấn mật thương phẩm, mang về nguồn thu khoảng 10 tỷ đồng. "Dịp Tết Nguyên đán, việc nấu mật mang lại nguồn thu nhập khá cao đối với người dân địa phương. Ngoài khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng nguyên liệu, thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân", lãnh đạo xã Thọ Điền cho hay.

Dưới dãy Trường Sơn hùng vĩ, những giọt mật được làm ra từ bàn tay của những người nông dân cần cù chân chất, từ những mồ hôi mặn chát và tấm lòng ngay thẳng của những người nông dân Thọ Điền. Làng nghề mật mía tồn tại hơn 50 năm qua, với hàng chục hộ dân làm nghề. Với người dân làm mía Thọ Điền, nghề nấu mật đang mang lại nguồn thu nhập chính cho các gia đình nơi đây, cũng là một nét văn hóa riêng có của vùng đất này. Đó là một làng nghề dân dã và bình dị.

Hoài Nam

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/huong-tet-o-lang-mat-hon-50-nam-tuoi-post1707516.tpo
Zalo