Hương Sen tỏa ngát giữa đời
Hiếm nơi nào mà thầy thuốc thuộc hết cả tên, tuổi, quê quán, tính cách, hoàn cảnh gia đình sự phát triển của bệnh nhân như ở Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen. Tại đây, quá trình điều trị cho các em nhỏ không may bị khuyết tật bẩm sinh, tai nạn thương tích… thường kéo dài 2, 3, 5 năm hoặc lâu hơn. Bởi thế mà các y, bác sĩ vừa hướng dẫn điều trị, vừa là bạn, là người đồng hành chia sẻ vui buồn, nỗ lực hàn gắn, bù đắp những thiệt thòi cho các em.
Hàn gắn mảnh ghép khuyết
Tại phòng thực hiện kỹ thuật của các khoa lâm sàng, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen luôn ồn ào bởi tiếng khóc, tiếng cười của những bệnh nhi khuyết tật. Các bác sỹ, kỹ thuật viên vẫn kiên trì dỗ dành, đôi tay không ngớt xoa bóp, kéo nắn xương khớp, chiếu tia laser, tia hồng ngoại theo phác đồ điều trị. Tại đây có nhiều em nhỏ bị khuyết tật về trí tuệ, vận động, ngôn ngữ do bại não, hội chứng down đang được điều trị. Nhiều nhất là trẻ bị bại não, việc điều trị mất rất nhiều thời gian nên các thầy thuốc đã quen với tiếng cười, tiếng khóc cũng như tình trạng bệnh của trẻ.
Như bé Phan Ngọc Tuyết, sinh năm 2019, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) bị liệt tứ chi do viêm não, gia đình thuộc hộ nghèo. Đến nay sau hơn 3 năm điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen bằng phương pháp vận động trị liệu (xoa bóp toàn thân, tập vận động các khớp) điện phân, điện xung, cháu bắt đầu đứng lên đi được, có phản xạ với những người xung quanh. Chị Tủ Thị Rưi mẹ của bé Phan Ngọc Tuyết chia sẻ: “Nhà tôi nghèo lắm hơn 3 năm điều trị cho cháu tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen có những lúc tôi đã xin các bác sĩ cho cháu về, gia đình không còn kinh tế để điều trị cho cháu. Những lúc như vậy mẹ con tôi được cán bộ, y, bác sỹ của bệnh viện tận tình và ân cần, luôn có sự đồng cảm, chia sẻ với gia đình, thậm chí các thầy thuốc ở đây còn quyên góp tiền, thực phẩm để giúp đỡ mẹ con tôi để tiếp thêm động lực để gia đình kiên trì tập luyện cho cháu. Tôi rất mừng vì sức khỏe của cháu tiến triển rõ rệt, hiện hai tay đã có thể cầm nắm được các vật nhẹ”.
Kỹ thuật viên trưởng Khoa Khám bệnh, Cấp cứu hồi sức, cận lâm sàng, dược, và xưởng sản xuất dụng cụ trợ giúp Trịnh Thị Minh Hiền - người có 25 năm trong nghề - đang cẩn thận tập vận động cho một em bé. Chị Hiền tâm sự, việc can thiệp khi trẻ còn nhỏ càng sớm thì càng hiệu quả. Dù thể lực các em còn yếu, việc xoa, nắn chỉnh xương có thể sẽ khiến trẻ quấy khóc do sợ, do lạ, do đau... nhưng nếu không cố gắng tập luyện thì xương khớp cổ tay, cổ chân, cột sống… sẽ bị sai lệch tư thế, chai cứng rồi thành tật suốt đời. Vì thế, các em khóc, có khi các điều dưỡng cũng khóc theo vì xót nhưng không có cách nào khác là phải cố gắng thực hiện đúng quy trình, theo phác đồ điều trị của bác sĩ đưa ra. Vừa làm, chị Hiền vừa trò chuyện động viên, dỗ dành để trẻ hợp tác điều trị.
Tình thương và trách nhiệm
Từ khi chọn học nghề y, kỹ thuật viên Tiêu Thị Thắng, Khoa Vật lý trị liệu - Hoạt động trị liệu - Ngôn ngữ trị liệu - Tâm lý trị liệu luôn xác định tâm thế cống hiến, hết lòng vì người bệnh. Lúc ấy ai cũng bảo nghề y vất vả, tiếp xúc nhiều với dịch bệnh, đêm hôm lại phải trực, trong khi phụ nữ còn phải thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ, dâu con gánh vác việc gia đình. Khi ấy, chị chỉ nghĩ đơn giản, mình đã chọn thì cứ theo, với lại, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì cuộc sống sinh hoạt, sức khỏe của những người khuyết tật sẽ ra sao. Đến nay, sau hơn 20 năm gắn bó với trẻ khuyết tật, chị lại luôn tâm niệm: Một đứa trẻ khuyết tật đi không vững, nói không thành lời bị thiệt thòi rất nhiều, biết bao gia đình kiệt quệ kinh tế, dẫn đến đói nghèo. Nếu được phục hồi chức năng tốt ngay từ khi trẻ còn nhỏ, khi bệnh mới chớm thì sẽ giảm đáng kể thương tổn. Đó là lý do để chị và các đồng nghiệp nỗ lực mỗi ngày. “Không giống như mắc bệnh cấp tính điều trị một thời gian sẽ khỏi, chăm sóc, điều trị cho trẻ khuyết tật cần quá trình bền bỉ, lâu dài và tốn kém. Nếu không được đồng hành, khích lệ, gia đình sẽ nản, dễ bỏ cuộc. Chúng tôi luôn cố gắng chia sẻ, hỗ trợ để gia đình không đơn độc trong hành trình phục hồi chức năng cho con em họ”, chị Thắng cho biết.
Nói rồi, chị Thắng kể về nhiều trường hợp tiến bộ rõ rệt sau thời gian điều trị tích cực tại đây. Như cháu Lê Thái H, ở huyện Na Hang, năm 2022 cháu vào tập phục hồi chức năng từ khi đó cháu mới 1 tuổi. Sau 2 năm kiên trì luyện tập, đến nay cháu đã đi học, hòa nhập cùng các bạn tại một trường Mầm non ở Na Hang.
Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen, tôi đã bắt gặp hình ảnh của các bà, các mẹ hay những ông bố ngồi chờ con tập, điều trị ngoài hành lang và nhận thấy niềm hạnh phúc của mọi người khi con có sự tiến bộ hàng ngày. Vừa đón con anh Bàn Văn Thuyết, xã Lương Thiện (Sơn Dương) chia sẻ: “Đối với những người làm cha, làm mẹ, việc có con bị tự kỷ rất khổ về mọi mặt, con tôi trước đây chậm phát triển ngôn ngữ, 3 tuổi vẫn không biết nói, không tương tác với mọi người xung quanh... Nhưng sau 6 tháng được can thiệp tại đây, cháu đã có sự tiến bộ trong việc nhận thức một số kỹ năng sống cơ bản, đã gọi được bố, mẹ. Nhìn thấy con nhanh nhẹn hơn, gia đình tôi cũng vui vẻ hạnh phúc hơn rất nhiều”.
Và tôi hiểu rằng, niềm vui của anh Thuyết cũng là niềm vui của biết bao gia đình trong hoàn cảnh này. Bằng tình yêu thương, trách nhiệm, thầy thuốc của Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen đã và đang cố gắng từng ngày để mang đến cho gia đình có con em bị khiếm khuyết những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống, thắp sáng lên niềm tin, hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.