Hướng đi mới trong đào tạo nghề

Thái Nguyên hiện có 37 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 12 trường cao đẳng, 9 trường trung cấp, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện; 3 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 4 cơ sở có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Năm 2024, toàn tỉnh tuyển sinh 42.098 học viên, học sinh, sinh viên. Trong đó, đào tạo trình độ cao đẳng 3.511 sinh viên; đào tạo trình độ trung cấp 11.531 học sinh; đào tạo trình độ sơ cấp 16.120 học viên và đào tạo thường xuyên 10.936 người.

Giờ thực hành của học sinh Trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên.

Giờ thực hành của học sinh Trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên.

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp, trong đó đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề là hướng đi tích cực; đồng thời thể hiện rõ "cái bắt tay" chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp trong hợp tác đào tạo. Từ đó, mở ra cơ hội để học sinh, sinh viên hội nhập tốt với thị trường lao động quốc tế.

Mới đây, Tập đoàn AVESTOS (Cộng hòa Liên bang Đức) do ông Matthias Kaiser, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành cùng đoàn công tác đã có buổi làm làm việc với Trường Cao đẳng Thái Nguyên, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh nhằm tìm hiểu cơ hội hợp tác trong lĩnh vực GDNN. Trong đó tập trung hợp tác đào tạo một số ngành nghề được thị trường lao động Cộng hòa Liên bang Đức quan tâm, phù hợp với năng lực đào tạo của các trường, như: Điện công nghiệp, điện tử công nghệ, cơ khí, công nghệ - thông tin, chăm sóc sắc đẹp, kỹ thuật chế biến món ăn...

Giờ học của cô và trò Trường THCS Trưng Vương (TP. Thái Nguyên).

Giờ học của cô và trò Trường THCS Trưng Vương (TP. Thái Nguyên).

Tại buổi làm việc, ông Matthias Kaiser đánh giá cao tiềm năng của Thái Nguyên nói chung và của 2 trường nói riêng trong việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động quốc tế. Đồng thời, ông bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với tỉnh Thái Nguyên trong việc phát triển các chương trình đào tạo nghề tiên tiến. Đây sẽ là bước tiến quan trọng giúp nâng cao chất lượng đào tạo nghề tại Thái Nguyên, tạo cơ hội cho học viên tiếp cận công nghệ tiên tiến và mở rộng cơ hội việc làm trong và ngoài nước.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế là nội dung quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo uy tín, thương hiệu và sự phát triển nhà trường. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hợp tác sẽ mang lại cho các nhà trường cơ hội thường xuyên được cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng, gắn với chuẩn đầu ra. Từ đó, tạo ra môi trường giáo dục chất lượng cao.

Mở rộng hợp tác quốc tế là hướng đi mới, tích hợp, được các nhà trường đang tập trung đẩy mạnh. Các hoạt động hợp tác quốc tế, liên kết, hợp tác với doanh nghiệp đã góp phần từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, nâng cao chất lượng đào tạo, tạo điều kiện để học sinh, sinh viên có cơ hội thực tập, thực hành, vững tay nghề, có cơ hội tìm kiếm việc làm, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các công ty, doanh nghiệp.

Ngọc Thảo

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202504/huong-di-moi-trong-dao-tao-nghe-00f05d1/
Zalo