Hướng đi giúp nông dân vùng biên giới Đồng bằng sông Cửu Long thoát nghèo

Đồng bằng sông Cửu Long - nơi được mệnh danh là 'vựa lúa, vựa cá' của cả nước đang chứng kiến một chuyển biến tích cực trong phát triển thủy sản. Tại nhiều khu vực biên giới như An Giang, Đồng Tháp, Long An, ngày càng có nhiều hộ nông dân mạnh dạn chuyển từ trồng lúa hoặc nuôi cá truyền thống sang nuôi cá rô phi đơn tính phục vụ xuất khẩu. Đây không chỉ là hướng đi mới trong thích ứng với biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên nước, mà còn là 'đòn bẩy' giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững.

Một số hộ dân còn thử nghiệm mô hình nuôi cá trong bể xi măng. Ảnh: Phương Thùy

Một số hộ dân còn thử nghiệm mô hình nuôi cá trong bể xi măng. Ảnh: Phương Thùy

Chuyển mình từ những vùng đất khó

Ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và khu vực các tỉnh biên giới miền Tây như An Giang, Đồng Tháp, Long An nói riêng, là những tỉnh đầu nguồn sông Mekong, nơi được biết đến với những xã nghèo ven biên giới, hiện nay đang dần thay da đổi thịt. Trong làn sóng chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ dân tại các xã biên giới đã mạnh dạn thử nghiệm và thành công với mô hình nuôi cá rô phi đơn tính. Đây không chỉ là một giải pháp sinh kế, mà còn là minh chứng cho một hướng đi nông nghiệp bền vững giúp xóa đói, giảm nghèo rõ rệt.

Tại xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, anh Lê Văn Minh, 45 tuổi, từng thuộc diện nghèo, giờ đã sở hữu 3 ao nuôi cá rô phi với tổng diện tích gần 5.000m². Trước đây, gia đình anh trồng lúa vụ ba nhưng năng suất bấp bênh vì đất nhiễm phèn, chi phí cao. Được sự giúp đỡ, hướng dẫn của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước, BĐBP Đồng Tháp và chính quyền địa phương nên anh chuyển sang đào ao nuôi cá rô phi đơn tính. Thoát khỏi diện hộ nghèo bằng sự nỗ lực không mệt mỏi của bản thân, anh Minh tự hào chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chuyên làm lúa nên chỉ đủ ăn, có năm còn bị thua lỗ. Từ ngày chuyển sang nuôi cá rô phi, mỗi năm, tôi thu được hơn 200 triệu đồng, sau khi đã trừ hết chi phí. Cuộc sống của gia đình tôi cũng từ đó khá giả hơn, không còn phải vay mượn hoặc chạy ăn từng bữa. Quan trọng nhất là đầu ra ổn định, không lo bị ép giá”.

Tương tự như hoàn cảnh của gia đình anh Lê Văn Minh, ông Nguyễn Thanh Tuấn, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, cách đây khoảng hơn 3 năm, nhiều hộ nông dân ở huyện Tân Hồng, nơi giáp ranh với biên giới Campuchia chỉ trồng lúa một vụ nên đời sống rất bấp bênh. “Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các cán bộ, chiến sĩ BĐBP, đặc biệt là sự hỗ trợ kỹ thuật từ các hợp tác xã và doanh nghiệp, bà con nông dân đã bắt đầu mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cây trồng, nuôi cá rô phi đơn tính trong ao cải tạo từ ruộng lúa. Mỗi vụ kéo dài khoảng 5–6 tháng, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi khoảng 90-100 triệu đồng/vụ. Cá được doanh nghiệp bao tiêu nên tôi không phải lo đầu ra như trước” - ông Tuấn nói.

Một điểm nổi bật trong mô hình phát triển cá rô phi ở vùng biên là sự liên kết giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp chế biến. Nông dân được hỗ trợ giống, kỹ thuật nuôi đạt chuẩn ASC hoặc GlobalGAP. Doanh nghiệp thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường nhờ đảm bảo được chất lượng và an toàn thực phẩm theo yêu cầu xuất khẩu. Tại xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang, nơi từng là “điểm nóng nghèo đói” ven biên giới, hơn 30 hộ gia đình đã tham gia mô hình liên kết này và có thu nhập ổn định, một số còn mở rộng quy mô lên 3-4 ao nuôi.

Kết quả khả quan, tương lai rộng mở

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp, đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có hơn 300ha nuôi cá rô phi đơn tính, chủ yếu tại các huyện biên giới như Hồng Ngự, Tân Hồng. Nhiều mô hình đạt năng suất 12-15 tấn/ha/vụ, cho lợi nhuận từ 70–100 triệu đồng/vụ. Tỷ lệ hộ nghèo ở một số xã biên giới đã giảm từ 15% xuống dưới 7% chỉ sau 3 năm triển khai mô hình này.

Nông dân ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi trong lồng bè trên sông Tiền. Ảnh: Phương Thùy

Nông dân ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi trong lồng bè trên sông Tiền. Ảnh: Phương Thùy

Không chỉ vậy, cá rô phi đang được định hướng trở thành mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực, bên cạnh cá tra, khi nhu cầu thị trường thế giới ngày càng tăng. Các nhà máy chế biến tại Cần Thơ, An Giang, Long An hiện đã nâng công suất sơ chế cá rô phi để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu phi lê sang Mỹ, châu Âu và Trung Đông. "Mô hình nuôi cá rô phi không chỉ giúp tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân vùng biên, mà còn đóng góp vào chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững của địa phương. Cá rô phi là sản phẩm phù hợp với biến đổi khí hậu, đặc biệt là vùng có điều kiện nước lợ, phèn, ngập úng. Hướng đi này giúp người dân “ly nông bất ly hương”, không phải bỏ xứ đi làm thuê ở các tỉnh khác” - ông Tuấn chia sẻ thêm.

Không giống như nhiều mô hình thủy sản tiêu tốn nước, mô hình nuôi cá rô phi ở vùng biên lại tận dụng nước tự nhiên sẵn có từ sông biên giới hoặc ao trũng, kết hợp với xử lý sinh học và mô hình tuần hoàn. Cá rô phi đơn tính được đánh giá là dễ nuôi, thích nghi tốt với điều kiện môi trường, ít bệnh, ăn tạp và lớn nhanh. Không chỉ dừng lại ở ao đất truyền thống, một số hộ còn mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi trong lồng bè trên sông hoặc bể biofloc khép kín, tiết kiệm nước và kiểm soát tốt dịch bệnh. Tại xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, bà con nông dân đang thí điểm nuôi cá rô phi kết hợp trồng rau thủy canh theo chuỗi tuần hoàn. Nước từ ao cá sau khi được lọc sinh học sẽ dẫn qua bể rau, việc làm này không những tiết kiệm nước, mà còn tạo thêm nguồn thu nhập phụ từ rau sạch.

Anh Trần Văn Cảnh, hộ dân tham gia mô hình tại đây cho biết: “Một mô hình nhưng mang lại hai nguồn thu, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, tôi thấy đây là cách làm rất hiệu quả và bền vững".

Một điểm then chốt của mô hình nuôi cá rô phi ở vùng biên là sự tham gia chặt chẽ của hợp tác xã và doanh nghiệp chế biến. Các hợp tác xã tại huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) và An Phú (An Giang) đã phối hợp cùng doanh nghiệp như Công ty cổ phần Nam Việt, Hùng Cá Group cung cấp con giống, kỹ thuật nuôi đạt chuẩn GlobalGAP, đồng thời bao tiêu sản phẩm với giá ổn định. Nhờ đó, nhiều hộ dân yên tâm đầu tư, mở rộng quy mô. Cá sau thu hoạch được sơ chế và xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Trung Đông... - nơi tiêu thụ mạnh dòng sản phẩm phi lê cá rô phi đông lạnh.

Mô hình nuôi cá rô phi tại các xã biên giới không chỉ giúp người dân có nguồn thu ổn định, mà còn tạo ra sự thay đổi rõ nét trong tư duy sản xuất nông nghiệp. Từ một loài cá từng chỉ phục vụ tiêu dùng nội địa, rô phi đang trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực, góp phần làm nên “kỳ tích thoát nghèo” của vùng biên giới Đồng bằng sông Cửu Long, nơi từng được xem là vùng trũng phát triển. Tuy thành công bước đầu đã rõ rệt, mô hình nuôi cá rô phi vùng biên vẫn đối mặt một số thách thức như: bà con nông dân rất thiếu vốn đầu tư ban đầu. Mặt khác, khó tiếp cận công nghệ nuôi tuần hoàn, biofloc. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước, nhất là vào mùa khô... Chính vì vậy, để giúp cho nhân dân vùng biên có cơ hội vươn lên thoát nghèo, các cấp chính quyền cần tăng cường hỗ trợ tín dụng ưu đãi, tập huấn kỹ thuật quy mô nhỏ lẻ và xây dựng trung tâm giống rô phi chất lượng cao tại địa phương để nhân rộng mô hình.

Phương Thùy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/huong-di-giup-nong-dan-vung-bien-gioi-dong-bang-song-cuu-long-thoat-ngheo-post490173.html
Zalo