Hướng đến trở thành siêu đô thị tầm cỡ quốc tế

Sau hợp nhất, không gian phát triển mới đang mở ra cho Thành phố Hồ Chí Minh nhiều cơ hội mang tính đột phá. Với địa bàn rộng lớn, kết nối vùng hiệu quả và tiềm lực kinh tế-xã hội mạnh mẽ hơn, thành phố bắt đầu tiến bước dài hướng tới mục tiêu trở thành một siêu đô thị mang tầm vóc quốc tế.

Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh CTV)

Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh CTV)

Để kỳ vọng này trở thành hiện thực, một trong những điều kiện tiên quyết chính là việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài, lực lượng được xem là “đòn bẩy” của mọi chiến lược phát triển.

Không thiếu chủ trương, cũng không thiếu quyết tâm, từ hơn một thập niên trước, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiên phong triển khai chính sách thu hút chuyên gia, trí thức làm việc trong khu vực công. Quyết định số 5715/QĐ-UBND năm 2013 từng được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá khi đưa ra nhiều ưu đãi: Thu nhập lên tới 150 triệu đồng/tháng, hỗ trợ nhà ở, chi phí hội thảo, quyền chia sẻ lợi nhuận từ sản phẩm nghiên cứu,... song kết quả lại không như mong đợi. Trong số 19 nhà khoa học được mời về, đã có tới 14 người rời đi sau thời gian ngắn. Lý do chính được chỉ ra là chính sách đãi ngộ tuy có nhưng chưa phù hợp thực tiễn, chưa đủ sức giữ chân người tài trước những cơ hội rộng mở hơn từ khu vực tư nhân hoặc thị trường quốc tế.

Gần đây nhất, Nghị quyết số 25/2023/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố về chính sách thu hút công chức, viên chức từ nguồn sinh viên xuất sắc, người có trình độ cao là một bước tiến mang tính cải thiện đáng kể. Theo đó, người có học vị tiến sĩ được hỗ trợ thêm bốn lần mức lương tối thiểu vùng mỗi tháng; thạc sĩ và sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được hỗ trợ ba lần; các cá nhân có công trình khoa học cấp thành phố trở lên được nhận thưởng tới 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau một năm thực hiện, con số thu hút được chỉ dừng lại ở... 6 người. Một lần nữa, thực tế cho thấy khoảng cách không nhỏ giữa chính sách ban hành và kết quả thực thi. Nguyên nhân được phân tích là do phần lớn sinh viên giỏi, cán bộ khoa học trẻ có xu hướng chọn học tập, làm việc tại các viện, trường lớn trong và ngoài nước hoặc gia nhập doanh nghiệp tư nhân, nơi họ được chào đón với mức thu nhập cao, môi trường năng động và cơ hội phát triển nhanh chóng. Trong khi đó, khu vực công hiện vẫn còn nhiều rào cản về cơ chế, môi trường làm việc, thủ tục hành chính và nhất là cơ hội phát triển cá nhân.

Vấn đề đặt ra là: Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thu hút và giữ chân người tài bằng cách nào trong bối cảnh cạnh tranh nhân lực chất lượng cao đang diễn ra gay gắt cả trong nước và quốc tế?

Câu trả lời nằm ở việc đổi mới tư duy và cơ chế thực hiện chính sách. Cần phải nhìn nhận rằng thu hút nhân tài không thể chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ thu nhập, vốn khó lòng cạnh tranh được với khu vực tư nhân. Thay vào đó, thành phố cần kiến tạo một môi trường làm việc thật sự chuyên nghiệp, sáng tạo, năng động; tạo điều kiện để người tài được tôn trọng, trao quyền, làm việc đúng chuyên môn và được ghi nhận xứng đáng với giá trị đóng góp.

Đồng thời, cũng cần có những cơ chế linh hoạt hơn trong tuyển dụng, sử dụng nhân lực, tránh sự cứng nhắc, rập khuôn vốn tồn tại lâu nay trong khu vực hành chính công. Một tiến sĩ hay chuyên gia hàng đầu không thể bị ràng buộc bởi quy trình tuyển dụng như một viên chức thông thường. Họ cần được lựa chọn dựa trên năng lực, thành tựu thực tiễn và được sử dụng đúng trọng tâm chiến lược.

Mặt khác, bài toán nhân tài không chỉ là câu chuyện của riêng ngành nội vụ hay giáo dục, mà cần có sự chỉ đạo đồng bộ ở cấp cao nhất. Việc xây dựng và thực thi một “chiến lược nhân tài” lâu dài, nhất quán và có tính hệ thống là điều không thể thiếu. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần đóng vai trò tiên phong trong cả tư duy thể chế lẫn mô hình vận hành để lan tỏa và dẫn dắt các địa phương khác trong tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng quốc gia.

Với tầm nhìn trở thành một siêu đô thị, trung tâm tài chính-công nghệ-dịch vụ-giáo dục của khu vực và thế giới, Thành phố Hồ Chí Minh không thể trông chờ vào may rủi trong câu chuyện thu hút nhân tài. Sự nghiệp phát triển thành phố trong giai đoạn mới đòi hỏi một đội ngũ chuyên gia, trí thức, nhà khoa học có tư duy đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ, có tinh thần dấn thân và trách nhiệm xã hội. Lực lượng này chính là hạt nhân để tham mưu chiến lược, hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án lớn của thành phố.

Câu chuyện nhân tài không mới, nhưng vấn đề là cần cách làm mới, phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn và nhịp độ của thời đại. Đó là điều kiện cần để Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ mơ ước trở thành siêu đô thị, mà thực sự chuyển mình để hiện thật hóa khát vọng ấy bằng chính yếu tố con người.

KHÁNH TRÌNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/huong-den-tro-thanh-sieu-do-thi-tam-co-quoc-te-post896247.html
Zalo