Gieo ước mơ trên những mùa dâu xanh lá
Dọc theo tuyến đường nội đồng bên bờ sông Hồng uốn lượn qua xã Trấn Yên, Lào Cai, giờ đây không còn thuần những ruộng lúa, nương ngô bạc màu mà bạt ngàn sắc dâu xanh trù phú. Ít ai ngờ chính những cánh đồng ấy đã giúp hàng trăm hộ dân nơi đây xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu…
Đất lành cho nghề bén rễ
Với địa hình đồi núi dốc và có nhiều lưu vực sông, việc canh tác các loại cây trồng truyền thống như ngô, lúa ở vùng đất Trấn Yên trước kia thường không đem lại hiệu quả kinh tế do đất dễ bị rửa trôi và tiêu tốn nhiều phân bón. Tuy nhiên, chính những đặc điểm này lại là lợi thế cho cây dâu phát triển.
Nhận thấy tiềm năng đó, chính quyền nơi đây đã quy hoạch, khuyến khích bà con chuyển đổi sang trồng dâu nuôi tằm, hình thành những vùng trồng dâu tập trung. Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Hồng Lê ở thôn Trúc Đình là một minh chứng sống động cho sự thay đổi ấy.

Chị Nguyễn Thị Hồng Lê bên cánh đồng dâu xanh mướt của Hợp tác xã Dâu tằm Hạnh Lê. Ảnh: NVCC
Năm 2018, gia đình chị Lê tham gia chuỗi liên kết của Hợp tác xã Dâu tằm tơ Việt Thành, mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng lúa và đất soi bãi sang trồng dâu; đồng thời thuê thêm đất để mở rộng diện tích trồng lên hơn 1ha. Học cách trồng dâu nuôi tằm, chị mới thấm thía câu nói của các cụ xưa: Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng.
Nghề nuôi tằm theo phương pháp truyền thống vô cùng vất vả, nhọc nhằn. Một lứa tằm kéo dài hơn 20 ngày, trong suốt thời gian ấy, người nuôi phải túc trực không ngơi nghỉ. Từ lúc ấp trứng đến khi thu kén, cứ 1 - 2 giờ lại phải vệ sinh thay tằm sang nong khác, 3 giờ cho ăn một lần. Riêng việc hái lá dâu cần tới công sức lao động trong nhiều giờ mới đủ cho tằm ăn.
“Bấy giờ, các nhà đa phần làm nghề theo cách truyền thống, tự học nhau kinh nghiệm, kỹ thuật, chủ yếu nuôi tằm trên nong đan bằng tre, nứa, sau đó chuyển sang nuôi tằm dưới nền nhà, do diện tích nuôi nhỏ hẹp, khó chăm sóc, khó dọn vệ sinh nên tằm dễ mắc bệnh… Chưa kể, việc nuôi tằm cả hai giai đoạn (nuôi tằm từ trứng cho đến thu kén) khiến nhiều hộ nuôi tằm thất thu. Bởi vì nuôi tằm con rất khó nếu không chuyên môn sâu, không đúng kỹ thuật, tằm dễ bị bệnh thì sẽ hỏng hết cả lứa tằm… Tất bật, hối hả là vậy nên thời gian đầu, nghề trồng dâu nuôi tằm chưa mấy triển vọng”, chị Nguyễn Thị Hồng Lê nhớ lại.

Áp dụng mô hình nuôi tằm lớn trên khay trượt giúp công việc nuôi tằm ươm tơ trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn. Ảnh: NVCC
Về sau, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia nông nghiệp, công đoạn nuôi tằm được tách bạch hai giai đoạn, đồng thời áp dụng mô hình nuôi tằm lớn trên khay trượt. Cách làm này vừa tiết kiệm được diện tích làm nhà tằm, vừa giảm công chăm sóc, nuôi tằm, hạn chế tình trạng nồm ẩm vụ xuân, tưới được nước lên nền khi thời tiết nóng mùa hè nên hạn chế dịch bệnh, tăng được năng suất, chất lượng kén tằm.
“Tích lũy đủ kinh nghiệm, có ít vốn, tháng 3/2023, tôi quyết định mở rộng sản xuất, thành lập Hợp tác xã Dâu tằm Hạnh Lê với 20 thành viên. Các thành viên được tập huấn kỹ thuật chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho cây dâu, kỹ thuật nuôi tằm, sát khuẩn, khử trùng để tằm sinh trưởng và cho sản lượng kén tốt. Hợp tác xã đầu tư mô hình nuôi trên né gỗ ô vuông, giúp con tằm làm kén không bị kết đôi, chất lượng kén đẹp và được giá hơn”, Giám đốc Hợp tác xã Dâu tằm Hạnh Lê Nguyễn Thị Hồng Lê cho biết.
Học hỏi, nâng cao giá trị
Không dừng lại ở việc nuôi tằm lấy kén, chị Lê nhận ra nút thắt quan trọng của nghề - con giống. Nuôi tằm con là một trong những công việc khó khăn và rủi ro nhất, nhưng nếu chăm nuôi tốt thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao; đồng thời giúp bà con trong vùng chủ động nguồn giống nuôi trồng.
Từ kinh nghiệm học hỏi ở các cơ sở cung cấp giống uy tín, chị Lê quyết định đầu tư xây dựng hai nhà nuôi riêng biệt cho tằm giống và tằm thịt, có trang bị máy điều chỉnh nhiệt độ phù hợp nhằm giúp tằm con sinh trưởng tốt, tránh được dịch bệnh.

Đoàn công tác của Trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương và đối tác nước ngoài tham quan thực địa mô hình trồng dâu, nuôi tằm của Hợp tác xã Dâu tằm Hạnh Lê. Ảnh: NVCC
Mô hình nuôi tằm hai giai đoạn được Hợp tác xã Dâu tằm Hạnh Lê triển khai bài bản. Theo chị Lê, điều quan trọng nhất khi nuôi tằm giống là phải bảo đảm vệ sinh sạch sẽ khu nuôi, đồng thời sát sao trong quá trình nuôi để sớm phát hiện tằm bệnh kịp thời xử lý. “Nuôi tằm là từ khi bắt đầu tằm nở đến hết tuổi 3 (tằm nhỏ). Giai đoạn này nhà tằm con sẽ chịu trách nhiệm về kỹ thuật. Đây là khâu quan trọng nhất, phải để tâm chăm sóc như trẻ sơ sinh, để mắt từng phút từng giờ… 10 - 14 giờ sau nở sẽ chuyển sang giai đoạn tằm lớn, lúc này có thể chuyển giao tằm giống. Cứ như thế Hợp tác xã canh tác tập trung, tạo ra sản phẩm chất lượng đồng đều”, chị Lê giải thích.
Với sự tận tâm và quy trình nghiêm ngặt, Hợp tác xã Dâu tằm Hạnh Lê đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình chị Lê cùng bà con tham gia. Bình quân mỗi lứa tằm, một người có thể nuôi được 50kg kén. Ước tính với giá thành hiện tại khoảng 170.000 - 200.000 đồng/kg kén tùy theo chất lượng, trong vòng 10 ngày có thể mang lại thu nhập đến 15 - 20 triệu đồng, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trồng và nuôi các cây trồng, vật nuôi khác. Nghề trồng dâu nuôi tằm từ chỗ manh mún, giờ đây đã cơ bản hoàn thiện quy trình nuôi trồng tiên tiến.
Mấy năm qua, dù có thời điểm đối mặt với khó khăn như bão lũ gây thiệt hại, nhưng những nông dân trồng dâu nuôi tằm như chị Lê vẫn cần mẫn viết tiếp ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương. Hơn ai hết họ tin rằng mình đang đi đúng hướng, như phù sa của con sông Hồng vẫn luôn bồi đắp cho những cánh đồng dâu thêm tốt tươi...