Hướng đến nông nghiệp xanh, nông nghiệp có trách nhiệm

Phát triển nền nông nghiệp xanh và làm ra những sản phẩm nông sản chất lượng đang được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm và là xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay.

Vậy nông nghiệp xanh là gì? Nông nghiệp xanh được hiểu là một phương pháp tiếp cận trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm bảo đảm phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe con người. Điểm then chốt của giải pháp này là cân bằng giữa phát triển sản xuất nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Với hướng đi này, Việt Nam đang thực hiện những công việc gì để hiện thực hóa nền nông nghiệp xanh? Thực tế những năm qua, các chính sách phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững đã tạo bước tiến quan trọng trong chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, tập quán canh tác của nông dân và nhận thức về phát triển bền vững. Trong đó, sự phát triển của các mô hình canh tác nông nghiệp bền vững cánh đồng mẫu lớn áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng, đúng cách), giảm phân bón vô cơ. Trong nuôi trồng thủy sản đã áp dụng kiểm soát chất lượng từ ao nuôi đến bàn ăn. Đặc biệt, nông nghiệp hữu cơ ngày càng phát triển, đến nay hầu hết các địa phương trên cả nước đã triển khai nông nghiệp hữu cơ và xu hướng này ngày càng lan tỏa mạnh mẽ.

Đáng chú ý, phát triển nông nghiệp carbon phát thải thấp là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 là đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Trong đó nổi bật là Việt Nam đang tập trung nguồn lực thực hiện Đề án phát triển bền vững một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030; tăng diện tích trồng rừng; khai thác thủy sản theo quy định; du lịch kết hợp với nông nghiệp xanh...

Với xu thế tất yếu của nền nông nghiệp xanh, rõ ràng vấn đề đầu tiên cần nhắc tới là người sản xuất phải có trách nhiệm.

Theo đó, để xây dựng nền kinh tế xanh và phát triển nông nghiệp xanh, các doanh nghiệp và người dân cần đổi mới tư duy và nhận thức để chủ động thúc đẩy kinh tế và tiêu dùng xanh. Trong đó, ngành Nông nghiệp cần tạo đột phá bằng hệ thống giải pháp đồng bộ, phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng đa giá trị, đa ngành và lồng ghép các giá trị kinh tế - xã hội và môi trường. Đồng thời, tận dụng tối đa các ưu thế tự nhiên từ các vùng miền cho việc phát triển nông nghiệp, bảo đảm sự tương tác với môi trường sinh thái.

Người dân cần được nâng cao kiến thức và kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi thông qua mạng lưới khuyến nông. Từ đó giúp họ có thể chủ động trong sản xuất dựa vào những kiến thức của bản thân. Ngoài ra cũng cần đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học mới vào hoạt động sản xuất.

Chuyển đổi xanh trong nông nghiệp là quá trình rất khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm chính trị cao, phải biến thành kế hoạch hành động của từng địa phương và sự thay đổi, quyết tâm thực hiện của từng người dân. Theo đó, cơ quan chức năng cần xây dựng chính sách quản lý, sử dụng tài nguyên theo hướng thân thiện với môi trường; phối hợp với các địa phương hình thành vùng sản xuất tập trung, an toàn, quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp sạch trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cần đổi mới tư duy sản xuất. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Nói cách khác, chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị...

Gieo trồng mầm xanh, tạo nên mùa vàng bội thu. Xây dựng một nền sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với con người và môi trường, góp phần tích cực vào ổn định an ninh lương thực luôn là mục tiêu chiến lược là cam kết của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Bắc Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/huong-den-nong-nghiep-xanh-nong-nghiep-co-trach-nhiem-697466.html
Zalo