Hướng đến ngành lúa gạo giá trị cao, phát triển bền vững

Dự thảo về việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia Việt Nam do Bộ Công Thương xây dựng đã nhận được góp ý của nhiều nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp. Trong đó, tập trung vào các giải pháp tăng liên kết, nâng giá trị, xây dựng thương hiệu gạo Việt trên thị trường.

Khắc phục những hạn chế nội tại

Nhấn mạnh sự cần thiết thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phân tích: ngành hàng lúa gạo Việt Nam hiện nay không chỉ đóng vai trò quan trọng với an ninh lương thực quốc gia mà còn trở thành cường quốc về xuất khẩu gạo trên thế giới và góp phần làm nên thương hiệu quốc gia.

Thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia là cần thiết. Ảnh minh họa

Thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia là cần thiết. Ảnh minh họa

Tuy nhiên ngành lúa gạo còn nhiều hạn chế như: sản xuất manh mún, công nghệ chưa tiên tiến, thu nhập người nông dân trồng lúa còn thấp, xuất khẩu gạo chưa đa dạng hóa thị trường...

Nguyên nhân là ngành sản xuất lúa gạo vẫn thiếu một chiến lược, chính sách phát triển ổn định, vững chắc; đầu tư của Nhà nước cho sản xuất, xuất khẩu gạo chưa xứng tầm. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thiếu tính chuyên nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh, không nỗ lực nắm giữ và phát triển thị trường. Việc phối hợp giữa các cấp, các ngành, giữa các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp chưa chặt chẽ.

"Từ những phân tích trên và hướng tới một ngành hàng lúa gạo đa giá trị, đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường, đa dạng nguồn cung, nâng cao giá trị cho người trồng lúa... rất cần thành lập một Hội đồng lúa gạo quốc gia. Hội đồng này sẽ đề ra những quy chế phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội trong việc điều phối các hoạt động chung của sản xuất kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo quốc gia" - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, rất cần một Hội đồng lúa gạo quốc gia để tham mưu những chính sách, xử lý những vấn đề phát sinh của ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Hội đồng lúa gạo quốc gia là đơn vị hoạch định, tham mưu những chính sách lớn, giải quyết những vấn đề phát sinh, vấn đề ngoại giao, hình ảnh của ngành hàng lúa gạo cho Chính phủ, Thủ tướng để phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững.

Nhìn nhận về vấn đề này, nhiều chuyên gia đồng tình quan điểm cho rằng, lúa gạo là mặt hàng có đặc thù so với nhiều ngành hàng khác và việc thành lập Hội đồng lúa gạo quốc gia là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, để hội đồng hoạt động được hiệu quả, phải quy định rõ về quy chế, tổ chức hoạt động, phân công rõ trách nhiệm và quyền hạn của các bên tham gia hội đồng. Trong đó, cần trao quyền một cách tối đa cho hội đồng và các thành viên, trên cơ sở đúng quy định pháp luật và các cam kết quốc tế.

Nâng vị thế ngành lúa gạo trong giai đoạn mới

Đề xuất giải pháp để Hội đồng lúa gạo quốc gia hoạt động hiệu quả, TS Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, hội đồng cần xây dựng cơ sở dữ liệu chung của ngành. Cơ sở dữ liệu này phải được tổng hợp từ các bộ ngành, địa phương từ khâu sản xuất, chế biến, phân phối và kinh doanh (tiêu dùng nội địa và xuất khẩu).

Xây dựng chiến lược lúa gạo theo chuỗi để phát triển bền vững. Ảnh minh họa

Xây dựng chiến lược lúa gạo theo chuỗi để phát triển bền vững. Ảnh minh họa

Cùng với đó là các thông tin dữ liệu của các nước sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, các đối thủ cạnh tranh, dữ liệu về thông tin thị trường lúa gạo thế giới để làm cơ sở điều hành thị trường được sát thực tế, hiệu quả hơn. Về dài hạn, cần phải đánh giá lại chiến lược phát triển ngành lúa gạo Việt Nam, hướng tới xây dựng chiến lược lúa gạo theo chuỗi, sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và tập trung vào sản xuất sản phẩm chất lượng cao, chú trọng xây dựng thương hiệu.

Việc thành lập hội đồng lúa gạo quốc gia không phải là vấn đề mới, các nước đã có ví dụ như Thái Lan có hội đồng lúa gạo quốc gia, Indonesia có hội đồng cọ dầu, Brazil có hội đồng cà phê... Các hội đồng quốc gia này hoạt động rất hiệu quả.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đánh giá, tại Việt Nam, trong bối cảnh dự báo sản xuất, xuất khẩu lúa gạo thời gian tới sẽ có những biến động lớn về thị trường. Do đó, nếu hướng mạnh vào xuất khẩu là gạo thơm, gạo dẻo, gạo đặc sản, gạo dinh dưỡng thì cần có một hội đồng với nhiều góc nhìn và quyết sách về thị trường, khoa học kỹ thuật…

“Tôi kỳ vọng hội đồng sẽ tham vấn và tham mưu cho Chính phủ về thị trường, sản lượng lúa gạo để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu và gia tăng thu nhập của người trồng lúa. Hội đồng cũng sẽ tạo nên mối liên kết trong chuỗi giá trị, từ chuỗi cung ứng vật tư đầu vào để đảm bảo ổn định sản xuất; liên kết nông dân thành lập hợp tác xã; nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học... Đó là xã hội hiện đại về kinh tế thị trường” – chuyên gia Hoàng Trọng Thủy chia sẻ.

Hội đồng lúa gạo quốc gia là tổ chức phối hợp liên ngành tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành đối với sự phát triển ngành hàng lúa gạo. Hội đồng có nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý minh bạch, hiệu quả, đảm bảo ổn định và phát triển thị trường, thúc đẩy phát triển ngành hàng lúa gạo toàn diện, hiệu quả góp phần đảm bảo anh sinh xã hội và an ninh lương thực quốc gia, phát triển sản xuất, xuất khẩu hướng tới mục tiêu bền vững.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huong-den-nganh-lua-gao-gia-tri-cao-phat-trien-ben-vung.html
Zalo