Hướng đến nâng cao chất lượng nhiếp ảnh tỉnh Đồng Tháp
Năm 2024, nhiếp ảnh (NA) tỉnh Đồng Tháp có nhiều phấn đấu và đã đạt được những thành tựu khá quan trọng. Tổ chức thành công Cuộc thi ảnh cấp tỉnh chủ đề: “Sa Đéc Tình đất - Tình hoa”, thu hút 52 tác giả từ 11 tỉnh thành phố, gởi 521 tác phẩm dự thi và Cuộc thi ảnh thời sự nghệ thuật chủ đề “Rạng ngời sắc Sen”, có 90 tác giả, gởi 628 tác phẩm dự thi. Tham gia tích cực vào hoạt động NA của Quốc gia, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh.
Riêng Liên hoan ảnh Nghệ thuật Đồng bằng sông Cửu Long (lần thứ 39 năm 2024 tổ chức tại Vĩnh Long), Đồng Tháp có 11 tác phẩm được triển lãm và xét trao giải. Kết quả, tác giả Trần Thành Trung đạt Huy chương bạc với bộ ảnh “Thế mạnh sen Đồng Tháp”, tác giả Minh Vũ đạt giải Khuyến khích ảnh đơn.
Các cuộc thi ảnh chuyên đề của tỉnh được anh, chị em NA quan tâm đầu tư. Điển hình là Giải báo chí tỉnh lần thứ VII năm 2024, hội viên (HV) Nhiếp ảnh có 5 tác giả đạt giải (Hoàng Sang đạt giải A ảnh đơn; Kim Ngân đạt giải B ảnh đơn, giải C phóng sự ảnh; Thanh Truyền giải B ảnh đơn; nghệ sĩ NA Hoàng Trọng giải C ảnh đơn; tác giả Minh Vũ giải C và giải Khuyến khích ảnh đơn; Tùng Thiện giải C ảnh đơn.
Năm 2024 là năm đánh dấu sự thành công của hoạt động NA lan tỏa đến cơ sở và doanh nghiệp: phối hợp tham gia Trại sáng tác văn học - nghệ thuật huyện Tháp Mười và huyện Lấp Vò; mở Trại sáng tác ảnh tại Khu văn hóa Phương Nam, với 20 tác giả - 509 tác phẩm. Kết quả: 5 giải A (Lâm Thị Anh Đào, Hóa Vân, Lâm Minh Nhựt, Nguyễn Hoàng Trọng, Hiếu Minh Vũ); 10 giải B (Lâm Thị Anh Đào, Trần Thanh Hậu, Nguyễn Khắc Hiếu, Hóa Vân, Bích Liễu, Kim Ngân, Thanh Nhã, Minh Nhựt, Minh Vũ); 15 giải C (Ngọc Châu, Khắc Hiếu, Hóa Vân, Bích Liễu, Ngọc Loan, Thanh Nhã, Ngọc Nhiều, Thanh Phong, Hoàng Trọng, Hồng Quân, Hoàng Sang). Tổ chức nhiều Cuộc triển lãm để giới thiệu tác phẩm đặc sắc của các HV, lan tỏa hình ảnh quê hương Đồng Tháp trên đường đổi mới, phát triển. Ngoài ra, còn tổ chức một số hoạt động khác nhằm hỗ trợ HV tiếp cận với công nghệ mới như lớp tập huấn phần mềm ứng dụng AI vào NA nghệ thuật và thương mại với gần 100 HV và người quan tâm tham dự...
Bên cạnh đó, NA Đồng Tháp còn những tồn tại, khó khăn. Đặc biệt là chất lượng ảnh chưa được nâng lên tương xứng với bề dày của NA Đồng Tháp và đòi hỏi của thời cuộc. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là xu hướng và kỹ thuật công nghệ chưa được tập huấn cập nhật kịp thời; phong trào nhiếp ảnh từ cơ sở - cội rễ để phát hiện yếu tố năng khiếu còn hạn chế; việc hỗ trợ cho HV chưa được nhiều, có mặt thiếu kịp thời; liên kết giữa nhiếp ảnh với cơ sở và doanh nghiệp còn lỏng lẻo; chính sách đối với HV chưa theo kịp, chưa đạt yêu cầu so với đường lối lãnh đạo của Đảng về phát triển văn học - nghệ thuật thời kỳ hội nhập.
Từ những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân nói trên, thời gian tới, NA Đồng Tháp cần tập trung một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, đánh giá thực chất NA Đồng Tháp, định vị NA tỉnh nhà so với các tỉnh trong khu vực. Khắc phục khó khăn, tập trung tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ; tổ chức các lớp học, workshop: mời các NA gia chuyên nghiệp trong và ngoài nước về chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chụp ảnh, xử lý ảnh. Tạo điều kiện cho HV, nhất là các HV trẻ (bao gồm cả tuổi đời và tuổi nghề) tham gia các khóa học ngắn hạn nhằm tiếp cận với những kiến thức mới nhất về NA; tạo nguồn kinh phí phong phú để tổ chức các cuộc thi ảnh, tạo động lực cho các NA gia sáng tạo và nâng cao chất lượng tác phẩm. Hỗ trợ HV và người quan tâm lĩnh vực NA tự học (cung cấp tài liệu, sách báo, tạp chí, phim tài liệu về NA).
Thứ hai, quan tâm xây dựng cộng đồng NA của tỉnh mạnh cả về số lượng, chất lượng, nhiệt huyết; củng cố nâng cao chất lượng hoạt động các Câu lạc bộ NA trẻ, NA nữ, NA người cao tuổi: tạo không gian để các HV NA giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm; tổ chức các buổi triển lãm ảnh để giúp công chúng hiểu rõ hơn về nghệ thuật NA và tạo cơ hội cho anh, chị em NA được giới thiệu tác phẩm; sử dụng thế mạnh và hiệu quả các mạng xã hội (tạo ra các nhóm, diễn đàn để HV trao đổi, bình luận, chia sẻ thông tin).
Thứ ba, tùy theo tình hình thực tế có cơ chế hỗ trợ HV về cơ sở vật chất như thí điểm xây dựng các studio chụp ảnh, đáp ứng nhu cầu sáng tác của HV; trao đổi, cung cấp (cho mượn, cho thuê...) thiết bị chụp ảnh như: hỗ trợ HV NA có điều kiện tiếp cận với các thiết bị hiện đại; tổ chức các chuyến đi thực tế nhằm giúp các HV NA có cơ hội sáng tác tại nhiều địa điểm khác nhau, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới trên địa bàn tỉnh; tập trung các đề tài và chủ đề đặc trưng của Đồng Tháp như: văn hóa, ẩm thực, phong cảnh...
Thứ tư, tiếp tục hình thành, vận hành tốt hơn nữa các mối quan hệ, liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp; hợp tác với các đơn vị truyền thông: cung cấp hình ảnh chất lượng cao cho các hoạt động quảng bá du lịch, văn hóa của tỉnh; liên kết với các doanh nghiệp du lịch: tổ chức các tour du lịch kết hợp chụp ảnh. Cùng với đó, hợp tác với Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật của tỉnh, các trường đại học, cao đẳng: tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo về NA và hợp tác với các trường học để tổ chức các Câu lạc bộ NA cho học sinh (nhen nhóm niềm đam mê nhiếp ảnh từ khi còn nhỏ).
Thứ năm, nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển NA phù hợp với điều kiện của tỉnh Đồng Tháp. Có những chính sách ưu đãi cho các hoạt động NA như: tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sáng tác; dành kinh phí hỗ trợ các hoạt động của cộng đồng NA tổ chức các sự kiện, triển lãm, cuộc thi; xây dựng cơ chế đánh giá, khen thưởng, tôn vinh các tác phẩm NA chất lượng, tạo động lực cho các anh, chị em NA tỉnh nhà.