Hướng dẫn quy định nghỉ hưu theo Nghị định 178/2024
Bộ Nội vụ trả lời bạn đọc về về thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để hưởng chế độ hưu trí theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Bạn đọc hỏi Bộ Nội vụ về việc áp dụng thời điểm nghỉ hưu theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Cụ thể, Quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP, điểm “d) Trường hợp có tuổi đời còn dưới 02 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP và có đủ thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi”.
Bạn đọc hỏi, quy định này chưa rõ thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là đủ 20 năm được nghỉ hưu trước tuổi hay là 30 năm đối với nữ, 35 năm đối với nam?
Bộ Nội vụ trả lời như sau: Tại điểm d khoản 2 Điều 7 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã quy định về: “có đủ thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội…”.
Theo đó, việc hiểu về thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:
- Đối với trường hợp nghỉ trước thời điểm 1/7/2025 (là thời điểm có hiệu lực của Luật Bảo hiểm năm 2024) thì áp dụng Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và thời gian công tác có đóng bảo hiểm bắt buộc để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật là 20 năm.
- Đối với trường hợp nghỉ sau thời điểm 1/7/2025 (là thời điểm có hiệu lực của Luật Bảo hiểm năm 2024) thì áp dụng Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 và thời gian công tác có đóng bảo hiểm bắt buộc để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật là 15 năm.