Hướng dẫn một số nội dung trọng tâm về công tác phòng, chống lãng phí

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vừa ban hành Hướng dẫn số 63-HD/BCĐTW một số nội dung trọng tâm về công tác phòng, chống lãng phí.

Trên phố Tô Hiệu (quận Hà Đông) hiệu có 3 cơ sở nhà, đất do cơ quan Nhà nước quản lý bị bỏ hoang. Ảnh: Quang Phong/Báo Tin tức và Dân tộc

Trên phố Tô Hiệu (quận Hà Đông) hiệu có 3 cơ sở nhà, đất do cơ quan Nhà nước quản lý bị bỏ hoang. Ảnh: Quang Phong/Báo Tin tức và Dân tộc

Hướng dẫn này nêu rõ 7 hành vi gây lãng phí cần tập trung chỉ đạo phòng, chống, gồm: Hành vi vi phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, gây lãng phí. Hành vi gây lãng phí liên quan đến xây dựng, ban hành thể chế về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công.

Hành vi gây lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai và các tài nguyên khác. Hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Các hành vi khác gây lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đáng chú ý, đối với hành vi vi phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, gây lãng phí, theo Hướng dẫn số 63, đó là: Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý để xảy ra lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc phạm vi trực tiếp lãnh đạo, quản lý hoặc phân công phụ trách.

Chỉ đạo hoặc cho chủ trương thực hiện trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc không rõ việc, không cụ thể, không nhất quán gây lãng phí tài chính công, tài sản công. Không xử lý, bao che, dung túng cho tổ chức, cá nhân có hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công thuộc phạm vi trực tiếp quản lý, phụ trách; chỉ đạo chỉ xử lý nội bộ hoặc xử lý hành chính, kinh tế đối với hành vi gây lãng phí có dấu hiệu tội phạm.

Trong hành vi gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; đầu tư xây dựng, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, Hướng dẫn số 63 nhấn mạnh đó là: Quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Quyết định đầu tư khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định; quyết định đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh chương trình, dự án không đúng với các nội dung về mục tiêu, địa điểm, cơ cấu nguồn vốn, vượt tổng mức đầu tư trong chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Quyết định điều chỉnh tổng vốn đầu tư của chương trình, tổng mức đầu tư của dự án trái với quy định của pháp luật.

Thông đồng với tổ chức tư vấn, thẩm định, định giá, nhà thầu dẫn tới quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước, tài nguyên quốc gia. Yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt, gây nợ đọng xây dựng cơ bản.

Đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, bán, cho thuê, cho mượn, sử dụng tài sản công, sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công do nguyên nhân chủ quan; không quyết toán, chậm quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công dẫn đến lãng phí. Giao tài sản công cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vượt tiêu chuẩn, định mức, không đúng đối tượng hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không có nhu cầu sử dụng. Sử dụng xe ô tô và tài sản công khác do tổ chức, cá nhân tặng cho không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.

Sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật. Xử lý tài sản công trái quy định của pháp luật; hủy hoại, cố ý làm hư hỏng, chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản công.

Không xử lý kịp thời đối với tài sản công không sử dụng được, không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng hiệu quả thấp, không đạt mục tiêu đã định. Thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng tài sản công, gây lãng phí.

Hướng dẫn số 63 cũng nêu về đối tượng, phạm vi, nội dung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống lãng phí; phạm vi, cơ chế phối hợp chỉ đạo xử lý vụ án, vụ việc gây lãng phí. Theo đó, Ban Chỉ đạo Trung ương trực tiếp theo dõi, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc gây lãng phí nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, thuộc một trong những trường hợp sau đây:

Liên quan đến nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Liên quan đến cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tiến hành tố tụng có thể làm sai lệch kết quả điều tra, truy tố, xét xử vụ án, xử lý vụ việc; các vụ án gây lãng phí đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng có khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đề nghị xem xét lại, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Các vụ án, vụ việc gây lãng phí nghiêm trọng, phức tạp khác mà Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương xét thấy cần thiết trực tiếp theo dõi, chỉ đạo.

Hướng dẫn số 63 cũng nêu rõ, Ban Nội chính Trung ương chỉ đạo theo dõi, đôn đốc đối với các vụ án, vụ việc gây lãng phí được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương giao hoặc các vụ án, vụ việc gây lãng phí không thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo mà quá trình xử lý có khó khăn, vướng mắc kéo dài hoặc các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và cấp ủy địa phương còn có quan điểm khác nhau.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/huong-dan-mot-so-noi-dung-trong-tam-ve-cong-tac-phong-chong-lang-phi-20250514195026064.htm
Zalo