Hưng Yên: Phát hiện nhiều vụ vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử, nộp ngân sách hơn 400 triệu đồng

Ngày 24/11, thông tin từ Cục Quản lý thị trường Hưng Yên cho biết, từ đầu năm đến nay đơn vị đã xử lý 24 vụ vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử, nộp ngân sách nhà nước hơn 400 triệu đồng.

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên, thời gian qua trên các trang thương mại điện tử, tài khoản trên sàn thương mại điện tử thường sử dụng các hình ảnh của hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người dùng có nhu cầu mua sắm, sử dụng hàng hiệu giá rẻ.

Sau khi người tiêu dùng đồng ý mua thì tiếp tục sử dụng các công cụ thanh toán trung gian không dùng tiền mặt (chuyển khoản, sử dụng thanh toán QR) hoặc dịch vụ giao nhận, vận chuyển và phát hàng hóa kèm thu tiền để giao hàng cho khách hàng nhưng thực tế hàng hóa bán là hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng.

 Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên phát hiện cơ sở trên địa bàn bán hàng trên TikTok có dấu hiệu vi phạm. Ảnh: Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên phát hiện cơ sở trên địa bàn bán hàng trên TikTok có dấu hiệu vi phạm. Ảnh: Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên

Thủ đoạn của các đối tượng này thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa nên khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý hành vi vi phạm.

Để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử, cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị có liên quan. Hằng năm, Cục thường xuyên chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường căn cứ chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được giao, triển khai và thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, nắm vững tình hình các cơ sở sản xuất, kinh doanh, diễn biến của thị trường.

Trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát các nhóm, mặt hàng cấm, hàng lậu, hàng giả mạo, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng. Giám sát, nắm bắt thông tin, truy tìm đường dây, ổ nhóm, kho bãi tập kết hàng hóa, để chào hàng, bán online, livestream qua mạng xã hội (Facebook, TikTok, YouTube…). Các đầu mối vận chuyển hàng hóa qua các bưu cục, điểm trung chuyển hàng hóa, để xác định nguồn gốc cung cấp, chào bán.

Tính đến ngày 18/11/2024, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên đã kiểm tra xử lý: 24 vụ; tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước là: 271.500.000 đồng, trị giá tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu bán đấu giá là: 61.368.00 đồng; trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy là: 93.845.000 đồng

Nhóm hàng, hành vi vi phạm chủ yếu bị lực lượng chức năng phát hiện vẫn là: Buôn bán hàng cấm (thuốc lá điếu nhập lậu, hàng cấm nhập khẩu, hàng hóa không được phép lưu hành…); tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ như thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, hàng hóa tiêu dùng, hàng điện tử, khoáng sản…; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp như mặt hàng thời trang, lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng….; các hành vi vi phạm trong kinh doanh mặt hàng xăng dầu.

Để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử, trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường Hưng Yên thường xuyên chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tập trung kiểm tra, kiểm soát các nhóm, mặt hàng cấm, hàng lậu, hàng giả mạo, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng. Giám sát, nắm bắt thông tin, truy tìm đường dây, ổ nhóm, kho bãi tập kết hàng hóa, để chào hàng, bán online, livestream qua mạng xã hội (Facebook, TikTok, YouTube…).

Trần Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hung-yen-phat-hien-nhieu-vu-vi-pham-tren-nen-tang-thuong-mai-dien-tu-nop-ngan-sach-hon-400-trieu-dong-post322641.html
Zalo