Vì sao bỏ quy định xét nghiệm nồng độ cồn khi khám sức khỏe lái xe?

Người dân không bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn khi khám sức khỏe để cấp đổi giấy phép lái xe, trừ trường hợp bác sĩ chỉ định

Bộ Y tế vừa ban hành thông tư số 36-2024 quy định về tiêu chuẩn, quy trình khám sức khỏe lái xe. Thông tư này sẽ có hiệu lực kể từ 1-1-2025, thay thế cho thông tư liên tịch số 24-2015 của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải.

Theo tư mới sửa đổi một số quy định về khám sức khỏe người lái xe. Ảnh: MEDLATEC

Theo tư mới sửa đổi một số quy định về khám sức khỏe người lái xe. Ảnh: MEDLATEC

Thông tư này đưa ra các tiêu chuẩn sức khỏe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng; việc khám sức khỏe định kỳ đối với người hành nghề lái xe ô tô, theo 3 nhóm, gồm:

Trường hợp khám sức khỏe để cấp giấy phép lái xe hạng A1, B1 và người điều khiển xe máy chuyên dùng; Trường hợp khám sức khỏe để cấp giấy phép lái hạng A và B; Trường hợp khám sức khỏe để cấp giấy phép lái hạng C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE.

Điều khiến nhiều người quan tâm là thông tư 36 đã bỏ quy định bắt buộc xét nghiệm nồng độ cồn trong hơi thở hoặc trong máu khi khám sức khỏe để cấp đổi giấy phép lái xe; chỉ xét nghiệm nồng độ cồn khi có chỉ định của bác sĩ.

Trong khi theo quy định hiện hành, một trong những thủ tục bắt buộc khi thực hiện khám sức khỏe lái xe là xét nghiệm nồng độ cồn trong hơi thở hoặc trong máu.

Giải thích quy định này, ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết những trường hợp có chỉ định của bác sĩ là khi người dân đến khám sức khỏe để xin cấp đổi giấy phép lái xe mà bác sĩ nghi ngờ là vừa uống rượu xong (mặt đỏ, mùi rượu hoặc có các bệnh lý nghi do lạm dụng rượu bia…). Khi đó, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn hay không tùy từng trường hợp cụ thể.

Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh

Ông Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh

"Thông thường khi đi khám sức khỏe để cấp đổi giấy phép lái xe, người dân sẽ chuẩn bị để có sức khỏe tốt hơn. Việc sử dụng rượu bia trước hoặc tại thời điểm khám rất ít xảy ra, tuy nhiên thông tư vẫn cần có quy định để phòng ngừa những trường hợp như vậy"- ông Dương nói.

Đồng quan điểm này, một số chuyên gia y tế cũng cho rằng xét nghiệm nồng độ cồn chỉ có tính sử dụng trong thời điểm khám sức khỏe.

"Có thể hôm nay người lái xe họ uống rượu bia nhưng họ không lái xe, ngày mai, ngày kia khi đã "xả" hết bia rượu thì họ lại có thể lái xe, không vi phạm gì và không ảnh hưởng đến khả năng lái xe của người lái xe. Quy định xét nghiệm nồng độ cồn do bác sĩ chỉ định là phù hợp"- một chuyên gia nói.

Trước đó, trong kết luận thanh tra về trách nhiệm thực hiện công vụ, Thanh tra Chính phủ nhận định rằng kết quả kiểm tra nồng độ cồn chỉ phản ánh tại thời điểm khám sức khỏe, không phải tại thời điểm điều khiển phương tiện của người lái xe.

Mẫu giấy khám sức khỏe lái xe

Mẫu giấy khám sức khỏe lái xe

Do đó, việc này là không cần thiết, làm tăng chi phí cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính cấp mới, cấp đổi giấy phép lái xe.

Cơ quan này dẫn số liệu từ Cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, từ ngày 1-1-2021 đến 1-1-2023, ngành Giao thông vận tải cấp hơn 9,9 triệu giấy phép lái xe các loại. Tính theo đơn giá 35.050 đồng/xét nghiệm, chi phí người dân phải bỏ ra để xét nghiệm nồng độ cồn một cách bất hợp lý là khoảng 350 tỉ đồng.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị sửa đổi mẫu giấy khám sức khỏe của người lái xe theo hướng bỏ chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí cho người dân khi thực hiện thủ tục cấp giấy phép lái xe.

N.Dung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/vi-sao-bo-quy-dinh-xet-nghiem-nong-do-con-khi-kham-suc-khoe-lai-xe-196241124090418245.htm
Zalo