Hưng Yên: Cá được giá, người nuôi cá lồng phấn khởi

Những ngày này, các thành viên trong Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản và nuôi trồng thủy sản Quyết Thắng, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên, đang tất bật thu hoạch cá lồng để phục vụ thị Tết.

Cá lồng chủ yếu là cá chép có trọng lượng từ 3-5kg/chu kỳ nuôi. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Cá lồng chủ yếu là cá chép có trọng lượng từ 3-5kg/chu kỳ nuôi. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi trận bão lũ vừa qua nhưng nhờ sự chủ động ứng phó nên hầu hết các lồng cá của người dân trên địa tỉnh Hưng Yên vẫn an toàn. Thời điểm này, nhiều hộ dân đã bắt đầu thu hoạch cá để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Năm nay, cá bán được giá, tiêu thụ thuận lợi nên người dân rất phấn khởi.

Những ngày này, các thành viên trong Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản và nuôi trồng thủy sản Quyết Thắng, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên đang tất bật thu hoạch cá lồng để phục vụ thị Tết.

Ông Trần Văn Mý, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ, nằm ở ngã ba sông Hồng, sông Luộc, xã Tân Hưng được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất bãi bồi trú phú, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, nhất là trồng cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản.

Theo ông Mý, nhận thấy việc trồng nhãn, trồng chuối mang lại hiệu quả nên năm 2017, ông cùng 17 hộ dân trong thôn đã liên kết thành lập nên Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng.

Khi mới thành lập Hợp tác xã tập trung vào phát triển cây nhãn, cây chuối với diện tích khoảng 50 ha. Năm 2019, được hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, hợp tác xã tiếp tục triển khai mô hình nuôi cá lồng và đổi tên thành Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản và nuôi trồng thủy sản Quyết Thắng. Từ 20 lồng ban đầu, đến nay, hợp tác xã đã phát triển được 60 lồng cá,chủ yếu là cá trắm, cá chép, cá lăng, cá diêu hồng.

Hơn chục tấn cá được thương lái chuyển đi tiêu thụ mỗi ngày là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của ông Mý và các thành viên trong hợp tác xã, bởi ít ai biết vào những ngày đầu tháng 9/2024, bão lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho nơi này.

Ông Mý nhớ lại, gần 60 tuổi nhưng chưa bao giờ chứng kiến trận bão đổ vào Hưng Yên lại lớn như vậy. Toàn bộ gần 20 ha chuối của hợp tác xã tan hoang chỉ trong một đêm. Nhìn những buồng chuối non "ăn cũng chẳng được mà bán cũng chẳng ai mua" nằm ngổn ngang mà xót xa. Chuối chưa kịp khắc phục xong, nước lũ dâng cao, khiến 60 lồng cá của hợp tác xã đặt trong tình trạng báo động.

"Lúc đó, tâm trạng chúng tôi rất bất an vì nước lũ lên quá nhanh, hàng chục lồng cá bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, cùng sự chung sức đồng lòng của các thành viên trong hợp tác xã để bảo vệ các lồng nuôi nên tỷ lệ cá chết, thất thoát không đáng kể. Chúng tôi đã chủ động việc gia cố, buộc neo lồng cá để không bị trôi khi dòng nước dâng cao, lũ chảy xiết," ông Mý cho hay.

Để phù hợp với diện tích mặt nước, các thành viên trong Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản và nuôi trồng thủy sản Quyết Thắng tự thiết kế lồng nuôi; đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các hộ nuôi trước.

Mỗi chu kỳ cá kéo dài khoảng 15 tháng/lứa, trung bình mỗi lồng sẽ cho thu hoạch từ 8-9 tấn cá. Dự kiến vụ cá này, hợp tác xã sẽ cho thu hoạch khoảng 500 tấn, với tổng doanh thu khoảng 25 tỷ đồng, từ 60 lồng cá.

Gần 6 năm gắn bó với nghề nuôi cá lồng trên sông nhưng đây có lẽ là khoảng thời gian hạnh phúc nhất đối với bà Trần Thị Liễu, ở xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên, bởi hàng ngày có rất đông thương lái hỏi mua cá.

Bà Liễu cho biết, năm nay gia đình nuôi 5 lồng cá, dự tính sẽ cho thu hoạch được khoảng 40 tấn cá chép. Cá của gia đình đã được một thương lái ở Hải Dương đặt mua hết. Với giá bán tại lồng là 62.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình bà sẽ thu về khoảng 300 triệu đồng.

Cũng giống như các hộ nuôi trong hợp tác xã, đợt này, gia đình ông Trần Văn Pháp, ở xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên cho thu hoạch 3 lồng cá chép, 5 lồng cá còn lại thương lái cũng đã đặt mua và ra Tết Nguyên đán sẽ thu hoạch.

Ông Pháp chia sẻ, điều quan trọng của việc nuôi cá lồng trên sông là người nuôi phải nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cá, áp dụng tốt biện pháp phòng, chống thiên tai bởi nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng vốn đầu tư ban đầu lớn, rủi ro cao nhất là vào mùa bão, lũ.

 Người dân xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên thu hoạch cá lồng trên sông. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Người dân xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên thu hoạch cá lồng trên sông. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Để phòng bệnh cho cá, gia đình ông thường xuyên vệ sinh lưới, giúp cá không bị thiếu oxy, hạn chế việc phát sinh mầm bệnh, khử trùng môi trường nước, sạch mầm bệnh, kiểm soát nguồn thức ăn bảo đảm cho cá phát triển.

Mô hình nuôi cá của anh mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần so với nuôi cá trong ao truyền thống. Dự tính, 8 lồng cá của gia đình sẽ cho thu về trên 60 tấn cá, trừ chi phí gia đình thu lãi khoảng 500 triệu đồng.

Do có nguồn tiêu thụ cá chép nên gần nửa tháng nay, bà Mạc Thị Thủy, ở tỉnh Hải Dương phải đi khắp các tỉnh miền Bắc để tìm mua cá. Bà Thủy cho biết, năm nay do dịch bệnh và mưa lũ nên nguồn cá chép thương phẩm khan hiếm hơn so với mọi năm. Vì thế, phải đặt cọc tiền trước mới có cá để tiêu thụ. Từ đầu tháng 12 âm lịch đến nay, bà đã thu mua được khoảng 50 tấn cá chép.

Hưng Yên có sông Hồng và sông Luộc chảy qua địa bàn 6 huyện, thành phố với chiều dài 90 km, đây là tiềm năng lớn về diện tích mặt nước để phát triển thủy sản.

Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được trên 400 lồng cá trên sông, tập trung ở các xã Tân Hưng, phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên); xã Mai Động, Đức Hợp (huyện Kim Động); xã Quang Hưng (huyện Phù Cừ)...

Tỉnh Hưng Yên cũng đã phê duyệt Đề án "Phát triển thủy sản tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025". Theo đó, đến năm 2025, diện tích nuôi thả thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt trên 6.000 ha, với sản lượng đạt 65.000 tấn.

Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng đến việc phát nuôi cá sông trong ao nước tĩnh, nuôi cá trong ao bán nổi, nuôi cá lồng trên sông nhằm từng bước nâng cao giá trị của sản phẩm.

Để nghề nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, thời gian tới, tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục quy hoạch vùng nuôi, số lượng lồng nuôi, đồng thời hạn chế số lồng vượt quá quy hoạch; tập huấn cho hộ nuôi quy trình nuôi cá lồng trên sông theo hướng VietGAP.

Cùng đó, tỉnh tiếp tục xây dựng các mô hình khuyến nông về thủy sản với những giống thủy sản có chất lượng cao, đa dạng về chủng loại, kích cỡ con giống, phù hợp với hình thức nuôi cá lồng trên sông; đẩy mạnh nuôi các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, đặc sản như cá lăng, chép giòn../.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/hung-yen-ca-duoc-gia-nguoi-nuoi-ca-long-phan-khoi-post1007295.vnp
Zalo