Huế S: 'Linh hồn' của đô thị thông minh Thừa Thiên Huế
Ngày 20/12 lúc 15 giờ 29 phút, trên siêu ứng dụng Huế S - Nền tảng dịch vụ đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế' - có phản ánh của công dân tại 'Kiệt 32 Lê Văn hưu phường Thuận Lộc' về: 'Điện đường bị hỏng trước số nhà 31/32. Mong cơ quan chức năng xử lý'. Vài ngày sau, phản hồi về thông tin kiến nghị nói trên đã được đưa lên công khai, cũng ngay trên Huế S, kèm hình ảnh hiện trường: 'Vấn đề quý ông, bà phản ánh, Công ty cổ phần môi trường và công trình đô thị xin thông báo kết quả như sau: Điện đường bị hỏng tại kiệt 32 Lê Văn Hưu (nay là đường Ngự Hà) phường Thuận Lộc đã được thay thế sửa chữa'...
Đây chỉ là một thí dụ nhỏ, chứng tỏ hiệu quả của việc tương tác giữa công dân và các cơ quan chức năng ở Thừa Thiên Huế ngay trên siêu ứng dụng Huế S.
Được thí điểm vào tháng 6/2018, chính thức hoạt động nửa năm sau đó, tháng 1/2019, trải qua kỳ sát hạch đầy khó khăn, nhiều áp lực là đại dịch Covid-19, Huế S đã chứng tỏ là nền tảng đô thị thông minh hiệu quả hàng đầu cả nước, một biểu hiện cho sự thành công có tính mở đường trong ứng dụng chuyển đổi số của Thừa Thiên Huế.
Trên chuyên mục “Phản ánh hiện trường”, người dân có quyền đăng tải thông tin gửi tới các cơ quan chức năng và phải chịu trách nhiệm về các vấn đề mình đưa ra; Ngược lại, các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp tùy nhiệm vụ, thẩm quyền của đơn vị mình phải tiếp nhận, xử lý và báo cáo lại kết quả xử lý ngay trên Huế S.
Tại Huế S, Thừa Thiên Huế đã đặt ra và hoàn thành rất tốt các mục tiêu: Cung cấp thông tin chính thống từ chính quyền tới người dân và doanh nghiệp, bao gồm cả các cảnh báo kịp thời cũng như đáp ứng tức thì các tình huống cần hỗ trợ khẩn cấp…
Những điều này đã được chứng minh qua các thời điểm Thừa Thiên Huế phải đối diện với mưa lũ kéo dài hay trong những ngày tháng cam go nhất của dịch bệnh Covid-19.
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông Thừa Thiên Huế Nguyễn Dương Anh, ứng dụng phòng chống thiên tai bão lũ trên Huế S đã phát đi hơn 2.450 bản tin cảnh báo, thu hút 506.115 lượt truy cập; Trong năm 2022 tổng đài 19001075 tiếp nhận 589 cuộc gọi vào và thực hiện 227 cuộc gọi đến bà con cần hỗ trợ. Riêng tháng 10, tháng 11/2023, 900 cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ đã được tổng đài 19001075 tiếp nhận và các lực lượng liên quan đã phối hợp triển khai kịp thời ứng cứu bà con đang trong tình huống nguy hiểm…
Các tính năng của không gian số trên Huế S cũng tạo điều kiện thúc đẩy sự tương tác giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân; cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Ngay trên Huế S, người dân và doanh nghiệp có công cụ để giám sát chất lượng của các dịch vụ và thông tin được cung cấp, bên cạnh đó lãnh đạo các cấp cũng quản lý, theo sát được quá trình thực thi công vụ, thực thi nhiệm vụ của các cán bộ, nhân viên, các bộ phận liên quan…
Ứng dụng đô thị thông minh Huế S sau hơn nửa thập niên xuất hiện trên không gian mạng, đã nhân lên những ưu điểm vượt trội của chính quyền điện tử, một xu thế không thể bỏ qua trong công cuộc chuyển đổi số đang tác động vào mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội trên cả nước.
Rất nhiều sự ghi nhận cả trong nước và quốc tế đã dành cho Huế S, cũng tức là lời khen tặng nhiệt thành cho những nỗ lực của chính quyền, nhân dân Thừa Thiên Huế, ngay trước thời điểm lịch sử, địa phương giàu bản sắc văn hóa này đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương: Giải thưởng “Giải pháp đô thị thông minh” 2024 do Tổ chức công nghiệp điện toán châu Á-châu Đại dương vừa trao tặng trong buổi lễ long trọng tại Tokyo (Nhật Bản) diễn ra ngày 7/11 vừa qua.
Hoạt động hiệu quả, có tác động thiết thực tới đời sống của Huế S cũng góp phần giúp Thừa Thiên Huế thăng hạng, luôn đứng trong top đầu các địa phương về chỉ số chuyển đổi số và chỉ số hiệu quả cạnh tranh cấp tỉnh (PAPI)…
Cả hành trình dài từ khi bắt đầu thí điểm trên không gian mạng tới lúc đã trở nên quá quen thuộc, cần thiết với số đông người dân, là những nỗ lực không ngưng nghỉ của lãnh đạo Đảng, chính quyền và đội ngũ nhân sự công nghệ thông tin của Thừa Thiên Huế.
Yếu tố quan trọng hàng đầu của chuyển đổi số là dữ liệu, kèm theo đó những đòi hỏi bắt buộc về chia sẻ, tích hợp, liên thông dữ liệu, ông Nguyễn Dương Anh chia sẻ: Lãnh đạo tỉnh đã có yêu cầu các sở, ban, ngành phải số hóa dữ liệu và luôn đưa ra yêu cầu bắt buộc cũng như chế tài xử lý kịp thời với các đơn vị chậm chễ, chây ì. Điều này đã giúp Huế xây dựng được Trung tâm dữ liệu của tỉnh.
Song song đó: “Hệ thống dữ liệu dùng chung được kết nối, quy hoạch, cập nhật, lưu trữ và kết xuất ổn định, nhằm kịp thời phục vụ việc xây dựng, triển khai thành công hơn 20 dịch vụ đô thị thông minh như: Dịch vụ giám sát đô thị thông qua cảm biến camera; Dịch vụ phản ánh hiện trường; Dịch vụ giám sát thông tin báo chí; Dịch vụ giám sát dịch vụ hành chính công; Dịch vụ thẻ điện tử; Dịch vụ cảnh báo mạng lưới đô thị thông minh; Dịch vụ giám sát quảng cáo điện tử; Dịch vụ giám sát môi trường, hồ đập; Dịch vụ giám sát đảm bảo an toàn thông tin; Dịch vụ giám sát tàu cá; Dịch vụ hỗ trợ giám sát, phòng chống dịch bệnh Covid-19; Dịch vụ hỗ trợ giám sát, phòng chống thiên tai”…
Quan trọng hơn, các “dịch vụ” trực tuyến này đã được người dân, doanh nghiệp hưởng ứng, vì thế đã thu được các hiệu quả thiết thực chính từ cuộc sống thường ngày…
Mỗi ngày trên Huế S vẫn có hàng nghìn, hàng chục nghìn lượt truy cập; vẫn có rất nhiều các ý kiến phản ánh của công dân, thậm chí có cả những “con mắt” ngầm dõi theo quá trình tương tác để giám sát và thực thi quyền giám sát…
Huế S - dịch vụ đô thị thông minh của Thừa Thiên Huế vẫn tiếp tục được cải tiến, nâng cấp để đem lại những tiện ích hữu dụng hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp, du khách…, xứng tầm với một Thành phố Huế trực thuộc Trung ương, đúng như chia sẻ của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu: “Huế sẽ không chỉ là thành phố trực thuộc Trung ương mà còn là điểm đến du lịch hấp dẫn, an toàn, một thành phố hiện đại, văn minh, bảo tồn được những giá trị truyền thống và phát triển bền vững…”.