Apple kháng cáo, Meta bức xúc dù EU phạt 'tương đối nhỏ' để tránh ông Trump trả đũa
Hôm 23.4, Apple bị phạt 500 triệu euro (tương đương 570 triệu USD) và Meta bị phạt 200 triệu euro, khi các cơ quan quản lý chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) đưa ra các hình phạt đầu tiên theo một đạo luật mang tính bước ngoặt nhằm kiềm chế quyền lực của các hãng công nghệ lớn.
Động thái này diễn ra sau cuộc điều tra kéo dài một năm do Ủy ban châu Âu (cơ quan hành pháp của EU) tiến hành để xem xét liệu Apple và Meta Platforms có tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) hay không. DMA được EU ban hành nhằm mở đường cho các đối thủ nhỏ hơn tham gia thị trường do những hãng công nghệ lớn nhất thống trị.
Apple cho biết sẽ kháng cáo án phạt của EU.
“Những thông báo hôm nay là ví dụ mới nhất cho thấy Ủy ban châu Âu đang nhắm mục tiêu bất công vào Apple trong hàng loạt quyết định gây bất lợi cho quyền riêng tư và an ninh của người dùng, làm giảm chất lượng sản phẩm và buộc chúng tôi phải cung cấp công nghệ miễn phí”, công ty cho biết trong một tuyên bố.
Tim Sweeney, Giám đốc điều hành Epic Games – nhà sản xuất game Fortnite, hồ hởi sau án phạt Apple của EU: “Tin tuyệt vời cho các nhà phát triển ứng dụng trên toàn thế giới! Quyết định hôm nay mang lại lợi ích cho tất cả nhà phát triển, cả châu Âu lẫn Mỹ. Điều đó càng cho thấy sự cần thiết để Mỹ cũng phải thông qua Đạo luật Thị trường Ứng dụng Mở (Open App Markets Act) để đưa cạnh tranh trở lại thị trường số. Các nhóm vận động hành lang và người phát ngôn được tài trợ bởi các tập đoàn công nghệ lớn Mỹ không nên xuyên tạc án phạt khiêm tốn này với hành vi vi phạm pháp luật của Apple thành một ‘loại thuế của châu Âu với công ty Mỹ’. Làm như vậy sẽ là cố lôi kéo chính quyền vào cuộc chiến thương mại để bảo vệ sự vô luật pháp của Apple”.
Epic Games từng kiện Apple trong sự việc nổi bật, mang tính bước ngoặt trong ngành công nghệ.
Tháng 8.2020, Epic Games đâm đơn kiện Apple sau khi game Fortnite bị gỡ khỏi App Store. Nguyên nhân vì Epic Games lén cài đặt một hệ thống thanh toán riêng trong Fortnite để tránh khoản hoa hồng 30% mà Apple thu trên App Store. Điều này vi phạm chính sách của Apple, vốn bắt buộc mọi giao dịch trong ứng dụng phải thông qua hệ thống thanh toán của công ty này.
Epic Games cáo buộc Apple lạm dụng vị thế độc quyền trên iOS, ngăn cản cạnh tranh bằng cách không cho phép cài đặt ứng dụng ngoài App Store (sideloading), ép buộc các nhà phát triển phải trả phí hoa hồng cao mà không có lựa chọn thay thế.
Năm 2021, Tòa án liên bang Mỹ ra phán quyết một phần thắng cho cả hai bên: Apple không bị buộc phải mở App Store, nhưng phải cho các nhà phát triển cung cấp liên kết tới phương thức thanh toán bên ngoài ứng dụng – một thay đổi lớn.
Cả Apple và Epic Games đều kháng cáo. Đến tháng 1.2024, Tòa án Tối cao Mỹ từ chối xét xử lại, giữ nguyên phán quyết cũ.
Vụ kiện này chính là chất xúc tác dẫn đến các luật như DMA ở EU và Open App Markets Act (đang được đề xuất tại Mỹ). Tim Sweeney vẫn rất tích cực đấu tranh chống Apple.
Meta Platforms (công ty mẹ Facebook và Instagram) chỉ trích quyết định của EU.
“Ủy ban châu Âu đang cố tình làm suy yếu các doanh nghiệp Mỹ thành công, trong khi cho phép các công ty Trung Quốc và châu Âu hoạt động theo những tiêu chuẩn khác. Đây không chỉ là về một khoản tiền phạt, mà việc Ủy ban châu Âu buộc chúng tôi thay đổi mô hình kinh doanh, áp đặt mức thuế hàng tỉ USD với Meta, trong khi lại yêu cầu chúng tôi cung cấp một dịch vụ kém chất lượng hơn”, Meta Platforms tuyên bố.
Số tiền phạt này tương đối nhỏ so với những khoản mà Margrethe Vestager (cựu ủy viên chống độc quyền EU) từng đưa ra trong nhiệm kỳ của bà. Lý do vì thời gian vi phạm ngắn, EU đang tập trung vào việc buộc các công ty tuân thủ hơn là trừng phạt và muốn tránh nguy cơ bị trả đũa từ phíaTổng thống Mỹ Donald Trump, theo các nguồn tin của Reuters.
Dù vậy, án phạt Apple và Meta Platforms nêu trên cũng có thể làm gia tăng căng thẳng giữa EU với ông Trump, vốn từng đe dọa áp thuế với các quốc gia trừng phạt những công ty Mỹ.

EU phạt Apple và Meta Platforms tổng cộng 700 triệu euro vì vi phạm các quy định cạnh tranh kỹ thuật số - Ảnh: Internet
Mô hình "trả tiền hoặc đồng ý"
Cơ quan cạnh tranh EU cho biết Apple phải gỡ bỏ các rào cản kỹ thuật và thương mại cản trở các nhà phát triển ứng dụng điều hướng người dùng đến giao dịch rẻ hơn bên ngoài App Store.
Với Meta Platforms, EU xác định mô hình “trả tiền hoặc đồng ý” được giới thiệu từ tháng 11.2023 đã vi phạm DMA. Mô hình này cung cấp dịch vụ miễn phí được tài trợ từ doanh thu quảng cáo cho người dùng Facebook và Instagram đồng ý bị theo dõi, hoặc đề nghị họ trả phí để không thấy quảng cáo.
Meta Platforms đang thảo luận với EU về một phiên bản mới của mô hình này, được giới thiệu vào tháng 11.2024. Cả Meta Platforms và Apple có hai tháng để tuân thủ các yêu cầu, nếu không sẽ đối mặt án phạt hàng ngày.
Apple đã tránh được một án phạt trong cuộc điều tra riêng liên quan đến các tùy chọn trình duyệt trên iPhone, sau khi thực hiện các thay đổi giúp người dùng dễ dàng chuyển sang trình duyệt hoặc công cụ tìm kiếm thay thế. Các nhà quản lý EU cho biết thay đổi này đã tuân thủ DMA và đóng lại cuộc điều tra hôm 23.4
Tuy nhiên, Apple vẫn bị cáo buộc vi phạm DMA vì cản trở người dùng tải ứng dụng từ các nguồn thay thế App Store. Các cơ quan quản lý chỉ trích điều khoản của Apple, trong đó bao gồm cả một loại phí mới gọi là “Phí công nghệ cốt lõi của Apple”, cho rằng điều này là trở ngại cho các nhà phát triển trong việc sử dụng kênh phân phối ứng dụng thay thế trên iOS.
EU đã rút lại việc xếp Meta Marketplace là gatekeeper (gác cổng) theo DMA vì số lượng người dùng giảm xuống dưới ngưỡng quy định.
Meta Marketplace (trước đây gọi là Facebook Marketplace) là nền tảng mua bán trực tuyến tích hợp ngay trong Facebook, nơi người dùng có thể mua, bán hoặc trao đổi hàng hóa với người khác trong khu vực địa phương hoặc toàn quốc.
Theo DMA, một công ty được xem là gatekeeper nếu đạt đến các ngưỡng người dùng và doanh thu cụ thể như sau:
- Có ít nhất 45 triệu người dùng cuối hàng tháng trong EU và có ít nhất 10.000 người dùng doanh nghiệp hàng năm trong EU (tức các doanh nghiệp sử dụng nền tảng để tiếp cận người tiêu dùng, ví dụ nhà quảng cáo, nhà phát triển ứng dụng, nhà bán hàng...).
- Có doanh thu hàng năm trong EU từ 7,5 tỉ euro trở lên trong 3 năm liên tiếp, hoặc có giá trị thị trường tối thiểu là 75 tỉ euro.
“Chúng tôi đã thực hiện các biện pháp thực thi kiên quyết nhưng cân bằng với cả hai công ty, dựa trên những quy tắc rõ ràng và có thể dự đoán được. Mọi công ty hoạt động trong EU đều phải tuân thủ luật pháp của chúng tôi và tôn trọng các giá trị châu Âu”, bà Teresa Ribera, người đứng đầu cơ quan chống độc quyền của EU, tuyên bố.
Nghị sĩ EU Andreas Schwab kêu gọi Ủy ban châu Âu tiếp tục điều tra hoạt động quảng cáo sinh lời của Google cùng nền tảng X của Elon Musk, và không được trì hoãn các quyết định.
“Không thể có sự khoan nhượng trong thực thi luật vì điều này có thể ảnh hưởng đến vai trò của chính sách cạnh tranh nói chung”, Andreas Schwab tuyên bố và nói thêm rằng những quyết định có liên quan đến yếu tố chính sách thương mại là “nguy hiểm cho toàn bộ cấu trúc của EU”.