Huế được gì khi đăng cai Năm Du lịch Quốc gia?

Việc đăng cai Năm Du lịch Quốc gia có thể giúp ngành du lịch tại Huế chạm đến những con số 'lần đầu tiên' như cách Điện Biên, Bình Thuận từng đạt được.

13 năm quay lại đăng cai Năm Du lịch Quốc gia (NDLQG), Thừa Thiên Huế tiếp tục khai thác thế mạnh di sản văn hóa, đưa du khách ngược dòng lịch sử khám phá sự nguy nga của cố đô.

Bên cạnh bề dày truyền thống, Huế còn là cửa ngõ của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây nối Myanmar, Thái Lan, Lào với biển Đông và là trung điểm trong hành trình "Con đường Di sản miền Trung", theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình.

Với lợi thế đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn thành phố trực thuộc trung ương này làm nơi tổ chức Nam Du lịch Quốc gia 2025 với chủ đề "Huế - Kinh đô xưa, Vận hội mới".

 Huế tổ chức Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2025 bên dòng sông Hương tối 25/3. Ảnh: Đính Trần.

Huế tổ chức Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2025 bên dòng sông Hương tối 25/3. Ảnh: Đính Trần.

Trong khoảng gần 9 tháng tổ chức sự kiện (25/3-hết tháng 12), ngành du lịch địa phương kỳ vọng sẽ hút 4,8-5 triệu lượt khách, mang lại doanh thu khoảng 10.800 - 11.200 tỷ đồng (gần bằng tổng thu ngân sách toàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong năm 2024).

Theo một số chuyên gia, sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế này sẽ giúp ngành công nghiệp không khói của Huế trở lại thời kỳ hoàng kim như năm 2019, đáng chú ý là trong bối cảnh du lịch địa phương ghi nhận mức tăng trưởng tương đối chậm trong 2 năm trở lại đây.

Thấy gì từ những con số?

Không nằm ngoài vòng xoáy đại dịch Covid-19, Huế cũng chứng kiến lượng khách cả nội và ngoại giảm khá thê thảm, rơi từ hơn 4,817 triệu lượt khách (năm 2019) xuống còn 1 triệu lượt vào năm 2020.

Song, khác với một số điểm đến du lịch cùng khu vực, Huế còn là tâm điểm của các đợt mưa lớn, chịu ảnh hưởng của đợt bão lũ "kinh khủng" vào năm này.

Trong 6 tuyến sông chứng kiến vượt mức nước lũ lịch sử trải dài từ Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2020, sông Bồ của Huế cũng thuộc danh sách trên. Thời điểm đó, lũ từ thượng nguồn đổ về cộng mưa lớn kéo dài khiến tình hình lũ lụt thêm nghiêm trọng. Chính quyền địa phương đã tiến hành sơ tán 6.700 hộ với 19.550 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Mức độ hoành hành từ đại dịch Covid-19 và thiên tai ảnh hưởng đáng kể doanh thu ngành kinh tế khác của tỉnh nói chung và ngành du lịch nói riêng. Năm 2020, hoạt động dịch vụ địa phương chỉ đạt 4,9 tỷ đồng, giảm đến 14,550 tỷ đồng, chiếm 75% doanh thu so với năm 2019.

Sự sụt giảm lượng khách tiếp tục kéo dài đến năm 2021. Tổng lượt khách đến Huế trong năm này ước đạt 691.571 lượt, giảm gần 60% so với năm 2020. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh ăn uống, dịch vụ cũng tạm ngưng hoạt động vì không thể trụ sau loạt khó khăn.

Năm 2022, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế chứng kiến sự "thay da đổi thịt" khi lượng khách tăng vọt lên 2,05 triệu lượt khách. Đáng chú ý, 4 tháng cuối năm địa phương ghi nhận sự quay trở lại một số thị trường khách ngoại như Thái Lan, Pháp, Mỹ, Malaysia.

Tuy nhiên, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế nhận định địa phương vẫn chưa đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng do còn một số hạn chế từ tình hình chính trị và dịch bệnh toàn cầu.

Tổng lượt khách du lịch đến Huế năm 2023 cho thấy mức độ phục hồi khả quan với 3,2 triệu lượt khách, tăng 56% so với năm 2022.

Du khách diện cổ phục, tham quan Điện Kiến Trung (Huế) vào Tết Giáp Thìn. Ảnh: Quỳnh Danh.

Du khách diện cổ phục, tham quan Điện Kiến Trung (Huế) vào Tết Giáp Thìn. Ảnh: Quỳnh Danh.

Điểm nhấn trong năm này là lượng khách quốc tế tăng vượt mức kỳ vọng của địa phương, từ 226.000 lượt năm 2022 lên 1,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 361%. Năm đó, top 10 thị trường khách đến Huế trong năm là Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Mỹ, Malaysia, Pháp, Anh, Australia, Đức, Tây Ban Nha và Hàn Quốc.

Năm 2024, điểm sáng của du lịch Huế là khách quốc tế. Tính riêng dịp 2/9, dù là mùa du lịch nội địa, các cơ sở lưu trú tại Huế lại phục vụ khoảng 16.000 lượt khách quốc tế. Sở Du lịch tỉnh cho biết đây là một con số ấn tượng khi tăng đến 49,7% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, trong khi Việt Nam ghi nhận sự đổ bộ của dòng khách Hàn Quốc, Đài Loan vẫn chiếm phần lớn lượng khách đến Huế.

Năm Du lịch Quốc gia là đòn bẩy cho địa phương?

Sự kiện Năm Du lịch Quốc gia thường gắn với một cột mốc quan trọng tại nơi tổ chức, chẳng hạn năm 2024 Điện Biên (nơi đăng cai NDLQG) kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. 2025 cũng là thời điểm mừng 50 năm Ngày Giải phóng Huế (26/3/1975-26/3/2025).

Việc đăng cai tổ chức NDLQG gắn với ngày lễ trọng đại giúp tăng khả năng thu hút khách du lịch cho địa phương.

Mục tiêu đón 4,8-5 triệu lượt khách vào năm 2025 của Huế là có cơ sở khi nhìn về sự thành công của Điện Biên vào năm 2024 và Bình Thuận năm 2023. Sự kiện mang đến mức doanh thu lần đầu tiên đạt được cho địa phương tổ chức.

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Trưởng Ban tổ chức Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024, cho biết qua 169 sự kiện được tổ chức tại Điện Biên năm 2024, địa phương đã thu hút 1,85 triệu du khách, mang về doanh thu "chưa từng có" với 3,321 tỷ đồng (tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2023).

Bên cạnh đó, số ngày lưu trú bình quân của du khách tại địa phương cũng nâng lên 3 ngày.

Bình Thuận cũng lần đầu tiên ghi nhận mức doanh thu hơn 23.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so năm 2022 với 8,5 triệu lượt khách vào năm đăng cai NDLQG.

Đặc biệt, con số trên đưa Bình Thuận vào danh sách 9 tỉnh, thành phố có doanh thu du lịch cao nhất cả nước. Đây được coi là thành công lớn của tỉnh năm này.

Do đó, với hơn 170 sự kiện cấp quốc gia, cấp tỉnh tại Huế, con số 4,8-5 triệu mà địa phương đặt mục tiêu hoàn toàn có thể chạm tới được. Bên cạnh đó, NDLQG còn là cơ hội để tỉnh đăng cai nâng cấp cơ sở, vật chất trên địa bàn, mở rộng tiềm năng đón khách khi kết thúc chương trình.

Tường Vi

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/hue-duoc-gi-khi-dang-cai-nam-du-lich-quoc-gia-post1542307.html
Zalo