Huế cần làm gì để xứng tầm thành phố trực thuộc Trung ương

Khẳng định, đưa Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là xứng đáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý những việc cần làm để cố đô thực sự xứng tầm với vị thế mới.

Đưa Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tạo động lực và sức bật mới để Huế phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Ảnh: Đình Duy

Đưa Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tạo động lực và sức bật mới để Huế phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Ảnh: Đình Duy

Đã đủ điều kiện trình Quốc hội

Tháng 11/2003, Quốc hội khóa XI quyết định thành lập TP. Cần Thơ trực thuộc Trung ương.

Sau 20 năm, đến Kỳ họp thứ tám (khai mạc vào ngày 21/10 tới), Quốc hội khóa XV mới lại xem xét về việc thành lập thêm một thành phố trực thuộc Trung ương. Đó là Huế.

Tại Phiên họp thứ 37 vừa qua, khi Ủy ban Thường vụ cho ý kiến về nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói, 20 năm trước “lẽ ra Thừa Thiên Huế cùng lên thành phố trực thuộc Trung ương một lượt với Cần Thơ”. Một trong những lý do khiến việc “nâng cấp” khi đó chưa thành là hai huyện A Sầu, A Lưới lúc đó còn nghèo.

A Sầu, A Lưới giờ đây chắc hẳn đã bớt nghèo. Còn tính chung cả tỉnh Thừa Thiên Huế, thì năm 2023, tốc độ tăng trưởng (GRDP) đã cao hơn mức bình quân chung của cả nước (đạt 7,03%). Thu ngân sách nhà nước đạt 11.350 tỷ đồng; chi ngân sách địa phương thực hiện 10.487 tỷ đồng. Tổng sản phẩm trong tỉnh ước đạt 73.230 tỷ đồng (giá hiện hành), GRDP bình quân đầu người ước đạt 62,6 triệu đồng (2.665 USD/người), tăng 9,5% so với năm 2022; quốc phòng, an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.

Ngày 30/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 924/QĐ-TTg công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập TP. Huế trực thuộc trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I. Các khu vực thành lập quận, thị xã, phường thuộc thành phố trực thuộc trung ương đã được công nhận đạt tiêu chí về phân loại đô thị và trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị theo quy định.

“Thương hiệu thành phố trực thuộc trung ương tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển sôi động, kích thích nguồn cung chất lượng và nguồn vốn lớn từ người dân khu vực, các địa phương lân cận, đặc biệt là đầu tư nước ngoài”, Chính phủ nêu một trong một số tác động tích cực về phát triển kinh tế của Huế.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho hay, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan tham gia thẩm tra đều tán thành với việc thành lập TP. Huế trực thuộc trung ương.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cao với sự cần thiết thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương và thống nhất hồ sơ đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ tám.

Cần những chính sách đột phá

Mọi việc dường như đang thuận lợi, song Huế có thực sự trở thành thành phố thứ 6 trực thuộc Trung ương hay không, vẫn phải chờ Quốc hội bấm nút. Và sau khi được Quốc hội tán thành, Huế cũng còn rất nhiều việc phải làm.

Đơn cử, phần lớn các thành phố trực thuộc trung ương đều đang tổ chức chính quyền đô thị theo những mô hình đã được điều chỉnh khác với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Chẳng hạn, TP. Hà Nội thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo hướng không tổ chức HĐND cấp phường theo quy định của Luật Thủ đô. Đà Nẵng và TP.HCM thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo hướng không tổ chức HĐND cấp quận, phường theo các nghị quyết của Quốc hội. TP. Hải Phòng cũng đang đề nghị được thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo hướng không tổ chức HĐND cấp quận, phường.

Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế báo cáo, làm rõ thêm về định hướng phát triển mô hình chính quyền đô thị của Huế khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, dù chuẩn bị chu đáo, thì khi đi vào thực tế, đề án thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương sẽ gặp những khó khăn, nếu không tập trung giải quyết, thì sẽ không đạt được các mục tiêu trong thời gian tới. Cụ thể là, cần có các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong việc xác định, duy trì hoạt động của mô hình tổ chức chính quyền đô thị, đặc biệt là với các quận, huyện, thị xã được thành lập mới.

“Phương án, kế hoạch để chuyển đổi cơ cấu xã hội nghề nghiệp, cơ cấu kinh tế phải hết sức cụ thể, đặc biệt là cơ cấu xã hội nghề nghiệp, vì từ nông thôn lên thành đô thị, từ thành phố nhỏ lên thành phố lớn”, ông Phương lưu ý.

Đặc biệt, theo Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, cần có những chính sách đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, về chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào thế mạnh của Thừa Thiên Huế.

Cần chính sách đổi mới khoa học - công nghệ theo đúng Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhưng phải báo cáo các cấp có thẩm quyền để cụ thể hóa các chủ trương này bằng những quyết sách cụ thể, các cơ chế đặc thù. “Sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nếu không có các cơ chế và giải pháp đột phá, đặc thù, thì sẽ rất lâu và khó để Huế đạt được những mục tiêu trước mắt cũng như dài hạn”, ông Phương nhìn nhận.

Đồng tình với ý kiến của Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gợi mở có những việc “không tiền vẫn làm được”. Đó là “cán bộ phải mạnh, phải gánh việc thành phố lên trực thuộc Trung ương, phải quyết đoán, quyết liệt, quyết tâm, quyết làm cho có sản phẩm”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Hồi âm sự quan tâm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, ông Lê Trường Lưu nói, đưa Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tạo ra động lực và sức bật mới để Huế phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và thực hiện tốt các mục tiêu xây dựng một đô thị di sản văn hóa sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và thông minh. TP. Huế cùng với Đà Nẵng sẽ trở thành một khu vực động lực của vùng Duyên hải miền Trung và thực hiện chiến lược phát triển đô thị Việt Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho hay, sau khi Đề án được Quốc hội thông qua, sẽ tiếp tục nghiên cứu Đề án về mô hình chính quyền đô thị và đặc biệt là tổng kết cơ chế đặc thù cho tỉnh Thừa Thiên Huế để đề nghị Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét có những cơ chế mạnh mẽ hơn để TP. Huế phát triển nhanh và mạnh hơn.

Thành lập 2 quận Phú Xuân, Thuận Hóa

Theo phương án Chính phủ trình, TP. Huế trực thuộc Trung ương được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 4.947,11 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đồng thời, thành lập 2 quận Phú Xuân, Thuận Hóa thuộc TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở TP. Huế hiện hữu.

Thị xã Phong Điền được thành lập trên cơ sở nguyên trạng huyện Phong Điền. Huyện Nam Đông nhập với huyện Phú Lộc để thành lập huyện Phú Lộc mới.

Ngoài ra, còn thành lập 11 phường, 1 thị trấn và 1 xã trên cơ sở sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp xã.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hue-can-lam-gi-de-xung-tam-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-d226350.html
Zalo