Hủ tục lùi xa, văn minh dẫn lối: Kỳ I - Bước 'chuyển mình' vượt qua hủ tục
BHG - Mùa Xuân năm nay, những bản làng người Mông trên vùng Cao nguyên đá Hà Giang không chỉ rộn ràng trong tiếng khèn, điệu múa, mà còn sáng bừng bởi những thay đổi trong tư duy và cuộc sống. Các hủ tục trong việc tang dần được loại bỏ, nhường chỗ cho nếp sống văn minh nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là minh chứng cho ý chí của đồng bào để Xuân tô thắm sắc hoa, niềm tin và hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn.
Kỳ I: Bước “chuyển mình” vượt qua hủ tục
Xóa bỏ hủ tục trong tổ chức tang ma của người Mông được xem là cuộc “cách mạng” thay đổi nhận thức, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Thời gian qua, đã có không ít những người con của đồng bào Mông được ví như “cánh chim đầu đàn”, không chỉ bằng lời nói, mà còn làm gương bằng hành động thực tế, dẫn dắt bà con bước qua hủ tục, xây dựng cộng đồng đoàn kết, văn minh hơn.
Người bước qua hủ tục trong lễ tang ở Lũng Thầu
Chúng tôi gặp anh Giàng Mí Pó, trong căn nhà nhỏ tại thôn Há Đề, xã Lũng Thầu (Đồng Văn). Mùa Đông trên huyện biên giới Đồng Văn lạnh như cứa vào da thịt. Bên bếp lửa, anh Pó đang hồi tưởng lại và chia sẻ với chúng tôi về hành trình đầy gian nan khi dám mạnh dạn bước qua hủ tục nghìn đời của cha ông để thay đổi.
Sinh năm 1979, là người con của đồng bào dân tộc Mông. Anh Pó vô cùng tự hào khi dân tộc mình có bề dày văn hóa, lịch sử lâu đời, nhưng cũng đầy trăn trở khi còn rất nhiều hủ tục trói buộc con người, nhất là trong các đám tang. Từ nhỏ, chứng kiến nhiều gia đình trong dòng họ kiệt quệ kinh tế vì tục dắt gia súc; các chị, các mẹ ngồi trông người mất thâu đêm, suốt nhiều ngày. Anh Pó đã nung nấu ý định muốn thay đổi. Đặc biệt, khi lớn lên, đi học, rồi nhập ngũ, được tiếp xúc với nhiều bạn bè, thầy, cô, được mở mang tri thức, anh càng chắc chắn hơn với mong muốn của mình.
Năm 2014, bố đẻ anh mất, anh và anh trai ruột rất muốn đưa bố vào áo quan nhưng không được chấp nhận mặc dù đã vận động họ hàng, người thân. Đến đầu năm 2023, mẹ anh ốm nặng; ngay sau đó anh đã tổ chức họp gia đình và kiên quyết với việc khi mẹ mất, anh sẽ đưa vào áo quan, không nhận gia súc. Tháng 5.2023 mẹ anh Pó mất, anh là người đầu tiên trong dòng họ và người đầu tiên của xã Lũng Thầu thực hiện đưa người chết vào áo quan. Tiếp đến tháng 8.2023 bác anh cũng qua đời, anh tiếp tục vận động gia đình đưa vào áo quan. Cả 2 lễ tang anh đều tổ chức theo cách đơn giản, tiết kiệm thay vì mổ hàng chục con gia súc. Các nghi lễ phức tạp như thổi khèn, đánh trống kéo dài nhiều ngày cũng được giảm bớt, chỉ giữ lại những nghi thức cơ bản phù hợp với tín ngưỡng.
Trong câu chuyện kể, anh Pó cũng không khỏi xót xa khi nghĩ đến cảnh gia đình anh đã từng sống trong cảnh bần hàn suốt nhiều năm vì trả nợ sau đám tang. Anh cho biết: Tục lệ của người Mông, khi dắt gia súc đến đám tang sẽ phải dắt theo 1 con gia súc nhỏ; nhờ thêm 20 người đi cùng giúp địu ngô, rượu; mời thầy cúng, thầy khèn đi cùng để trả lễ, chi phí hết khoảng trên 20 triệu đồng; cộng với tiền mua bò thì đây là một số tiền rất lớn đối với bà con vùng cao. Khi bố anh mất, do không thể thuyết phục được người lớn tuổi trong dòng họ nên mọi thủ tục trong lễ tang vẫn kéo dài, anh họ anh vẫn mang bò đến. Sau đó, gia đình anh họ có người mất, anh đã phải đi vay nợ để mua bò dắt trả, dẫn đến nhiều năm sau gia đình anh vẫn phải trả nợ. Từ việc “nghĩa tử là nghĩa tận” trở thành món nợ đồng lần, dai dẳng suốt nhiều đời, cuộc sống càng khó khăn hơn. Không dừng lại ở đó, tại các đám tang, người phụ nữ trong dòng họ, các con dâu phải trông người chết suốt ngày đêm. Tang lễ càng kéo dài, họ càng mệt mỏi, kiệt sức. Tục lệ như gông cùm đeo trên đôi vai của người phụ nữ người Mông!
Anh Pó chia sẻ thêm: “Trước hành động kiên quyết của anh cũng gây ra nhiều sự bàn tán, trách móc vì cho rằng không đúng tục lệ, sợ xảy ra điều không hay. Đúng lúc đó, Nghị quyết số 27 của BCH Đảng bộ tỉnh về việc xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh được ban hành, mở “cánh cửa” để tôi thành công vượt qua rào cản. Tôi còn thường xuyên tổ chức các buổi họp mặt dòng họ để giải thích về ý nghĩa thực sự của các nghi lễ truyền thống và tác hại của việc duy trì những hủ tục lạc hậu. Việc tôn kính người đã khuất không nhất thiết phải gắn liền với sự phô trương hay lãng phí, thay vào đó sự đoàn kết và tình yêu thương trong gia đình, dòng họ mới là điều quan trọng nhất. Đến nay, dòng họ Giàng với gần 100 hộ, tất cả đều thực hiện đưa người chết vào áo quan, không giết mổ nhiều gia súc. Điều này không chỉ giúp giảm gánh nặng kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường, khi số lượng gia súc bị mổ thịt trong các đám tang giảm đáng kể”.
Những nỗ lực của anh đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng, nhiều gia đình người Mông ở các xã lân cận cũng học hỏi và làm theo. Sau khi làm gương thực hiện, anh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và người có uy tín trong xã tích cực tuyên truyền, vận động người dân, thầy cúng, thầy khèn để họ hiểu và đồng tình với cách làm của anh. Với sự tiên phong, gương mẫu của bản thân, Huyện ủy, UBND huyện Đồng Văn đã khen thưởng cho anh Giàng Mí Pó và nêu gương anh là người Mông tiến bộ, dám mạnh mẽ bước qua hủ tục.
Lan tỏa ý chí xóa bỏ hủ tục
Trong hành trình xóa bỏ hủ tục của đồng bào Mông trên Cao nguyên đá, không thể không nhắc đến những cán bộ, lãnh đạo đã nêu gương, lan tỏa mạnh mẽ ý chí xóa bỏ hủ tục đến cộng đồng. Đồng chí Chảo Mí Thề, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Lũng Hồ (Yên Minh) sinh ra và lớn lên ở địa phương có 95% đồng bào dân tộc Mông. Bởi vậy, anh sớm nhận thức được hệ lụy từ những hủ tục tang ma lâu đời gây ảnh hưởng đến đời sống. Nghị quyết số 27 như làn gió mới, tiếp lửa để đồng chí bắt tay vào hành động, cùng hệ thống chính trị xây dựng đời sống văn minh trên quê hương mình.
Cuối năm 2021, bố đồng chí Chảo Mí Thề ốm nặng. Lúc này, với cương vị là cán bộ, trách nhiệm của người đảng viên, đồng chí quyết tâm nêu gương xóa bỏ hủ tục. Nhiều lần tổ chức họp bàn với anh em trong dòng họ để thống nhất khi bố mất sẽ đưa vào áo quan, tuy nhiên gặp phải sự phản đối kịch liệt của đa số anh em vì cho rằng làm như vậy sẽ đi ngược lại với truyền thống, làm trái với tâm linh. Bằng sự kiên trì, nhẫn nại, khéo léo đưa các quy định của nghị quyết vào mỗi cuộc trò chuyện, đồng chí Thề đã vận động thành công; gia đình anh cũng là hộ tiên phong của dòng họ Chảo đưa người chết vào áo quan.
Từ sau đám tang của bố đồng chí Thề, đồng bào người Mông xã Lũng Hồ ngày càng nhận thức rõ được ý nghĩa, tính nhân văn của Nghị quyết số 27. Từ đó, một số dòng họ thống nhất đưa nội dung này vào quy ước để thực hiện và tổ chức ký cam kết thực hiện với thôn. Đến nay, đã có 5/14 dòng họ người Mông trên địa bàn thực hiện đưa người chết vào áo quan. Riêng dòng họ Chảo đã có 2/3 nhánh thực hiện, với 8 đám tang thực hiện theo văn hóa mới. Năm 2024, xã có 21/24 người dân tộc Mông chết được đưa vào áo quan, tang lễ tổ chức không quá 48 tiếng, không còn tục lệ đem ra phơi nắng trước khi chôn, chỉ giết mổ từ 1 - 2 con gia súc, có đám không giết mổ trâu, bò; các tục dắt gia súc, lễ vật rườm rà không còn.
Việc khó càng quyết tâm cao, bằng trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên, đồng chí Chảo Mí Thề đã góp phần mang lại những kết quả nổi bật trong cuộc “cách mạng” thay đổi lễ tang của đồng bào dân tộc Mông; khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên, xây dựng cộng đồng phát triển bền vững. Giai đoạn 2022 - 2024, dòng họ Chảo được Đảng ủy xã và Ban Chỉ đạo xóa bỏ hủ tục xã Lũng Hồ tặng Giấy khen; cá nhân đồng chí Thề được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen vì thành tích điển hình, tiêu biểu xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 27.
Có thể thấy, nhiều bản Mông đang ngày càng bừng sáng nhờ có sự nhận thức đúng đắn về việc xóa bỏ hủ tục rườm rà, nhất là trong các đám tang. Trong đó, những tấm gương dám đi ngược với số đông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của những hủ tục này. Xóa bỏ hủ tục không chỉ giúp gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo điều kiện để cộng đồng phát triển, thể hiện tinh thần đổi mới và hội nhập của người Mông trong công cuộc xây dựng cuộc sống văn minh.
-----------------