Doanh nghiệp thực hiện tốt các tiêu chuẩn ESG sẽ tạo được uy tín bền vững
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà đã nói vậy tại Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề 'Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới' do báo Dân trí tổ chức, chiều 23/4.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: TC.
Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) đã trở thành một xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, là thước đo quan trọng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và quốc gia. Theo bà, các nhà đầu tư, người tiêu dùng và cộng đồng ngày càng quan tâm đến 3 yếu tố trên trong các quyết định của mình.
"Doanh nghiệp nào thực hiện tốt các tiêu chuẩn ESG sẽ có lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư và tạo dựng được uy tín bền vững", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn coi phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện ESG, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao năng lực quản trị.
Chia sẻ khi thực hành ESG tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Công nghệ thông tin (VINASA) cho rằng, khi thực thi ESG, FPT không coi mình trong vai doanh nghiệp lớn mà hoạt động giống như các doanh nghiệp bình thường khác. Ông thông tin, FPT đã thực hành ESG được hơn 10 năm, nhưng 4 năm trở lại đây là thời điểm doanh nghiệp triển khai trên quy mô toàn diện, từ nội bộ đến toàn bộ đối tác để tạo ra những điểm kết nối.
Theo ông Khoa, vận dụng ESG vào việc xây dựng chiến lược rất quan trọng vì nó tạo ra sự bền vững, tạo "sức đề kháng" cho doanh nghiệp chống lại những thay đổi nhanh của thời cuộc. "Đưa ESG vào hoạt động cốt lõi sẽ nâng cao hoạt động, mở rộng tăng trưởng bền vững, tạo môi trường tốt, thu hút lao động trẻ", ông nêu.
Ông Khoa thông tin, khung chiến lược cho thực thi ESG tại FPT được xây dựng theo 5 nguyên tắc, gồm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc, đóng góp cho cộng đồng.
Trong khi đó, ông Phạm Tuấn Anh, Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng quốc gia (PVN), chia sẻ chi tiết về chiến lược đổi mới mô hình tăng trưởng trong kỷ nguyên mới.
Theo ông, Việc tích hợp các yếu tố ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị), khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xác định là động lực then chốt cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
"Trong bối cảnh kinh tế thế giới và ngành năng lượng đang trải qua những biến động sâu sắc và khó lường, việc đổi mới mô hình tăng trưởng không chỉ là một lựa chọn mà là một yêu cầu sống còn đối với PVN", ông Tuấn Anh nhấn mạnh và cho rằng, thế giới đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ sang các nguồn năng lượng sạch hơn, sự trỗi dậy của các công nghệ mới, và đặc biệt là sự gia tăng nhận thức về tầm quan trọng của phát triển bền vững, thể hiện qua các yếu tố ESG.
ESG là gì?
Từ viết tắt ESG ra đời vào giữa những năm 2000 trong một báo cáo của chuyên gia đầu tư Ivo Knoepfel. Ông lập luận rằng các yếu tố ESG trong phân tích tài chính nên được tính đến trên thị trường vốn vì chúng giúp xác định rủi ro, tác động đến việc đánh giá doanh nghiệp và dẫn đến thay đổi xã hội tích cực.
Ở cấp độ cơ bản nhất, ESG là viết tắt của Environmental (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị). Dữ liệu về ESG sẽ giúp các doanh nghiệp, tổ chức tăng tính minh bạch, nắm bắt các rủi ro phi tài chính và cơ hội đối với hoạt động hàng ngày. ESG bao gồm một loạt các khía cạnh kinh doanh mà phân tích tài chính có thể không xem xét theo cách truyền thống. Việc không đo lường được rủi ro ESG có thể gây ra tổn thất tài chính đáng kể cho doanh nghiệp.