HTX trước mối lo đầu ra cho nông sản

Các quy định khắt khe của các doanh nghiệp thu mua và thị trường xuất khẩu đang khiến nông dân, HTX đứng ngồi không yên. Nếu không có định hướng rõ ràng trong hoàn thiện các tiêu chuẩn, chứng nhận, các HTX sẽ dễ rơi vào tình trạng dội chợ, hẹp cơ hội xuất khẩu mỗi khi vào vụ thu hoạch.

Thị trường EU thông báo sắp tới sẽ giảm mức MRL của Zoxamide trong rau diếp, xà lách, cải bó xôi từ 30ppm xuống còn 0,01ppm (tương đương 3.000 lần). Ngoài ra, hoạt chất Fenbuconazole và Penconazole với nhóm quả có múi và nhóm hạt như hạt điều, hạt mắc ca, gạo, đậu bắp... cũng sẽ bị áp dụng nồng độ ở mức rất thấp, chỉ 0,01ppm.

Siết đầu ra

Những quy định này đang được cho là ngày càng nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm khiến nhiều HTX lo lắng về việc tuân thủ quy định sản xuất để bảo đảm yêu cầu xuất khẩu sang EU.

Bà Cấn Thị Quỳnh Trang, Giám đốc HTX sản xuất rau hữu cơ V.organic (Lâm Đồng), cho biết biến đổi khí hậu khiến các loại rau như xà lách, rau diếp… rất dễ nhiễm các bệnh về nấm. Trong đó, Zoxamide là thuốc diệt nấm, thường được người dân sử dụng để kiểm soát nhiều loại nấm. Do đó, chỉ cần không cẩn thận trong quá trình sử dụng thuốc sẽ khiến vượt ngưỡng cho phép nhiều lại hóa chất trong rau, từ đó khó đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ông Lê Quý Hòa Bình, Quản lý chứng nhận của Control Union, cho biết các thị trường lớn như EU thường rà soát, áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra và quản lý nhập khẩu định kỳ 6 tháng/lần. Trong đó, nhiều nông sản hiện đã có yêu cầu quy định ngưỡng hoạt chất gần như bằng 0 nên quá trình sản xuất của doanh nghiệp, HTX nếu không có sự điều chỉnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xuất khẩu.

Không chỉ thị trường EU, thời gian gần đây, việc xuất khẩu một số nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc cũng có sự sụt giảm đáng kể.

Nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn, hoàn thiện các chứng nhận sản xuất giúp giải tỏa mối lo về đầu ra nông sản cho nông dân, HTX.

Nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn, hoàn thiện các chứng nhận sản xuất giúp giải tỏa mối lo về đầu ra nông sản cho nông dân, HTX.

Theo thống kê, hết tháng 7/2024, xuất khẩu hạt tiêu sang Trung Quốc không giống như dự đoán khi chỉ đạt 8.000 tấn, giảm mạnh gần 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu gạo 7 tháng năm 2024 cũng chỉ đạt 130,8 triệu USD sang thị trường tỷ dân, giảm đến 68,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo giới chuyên gia, việc xuất khẩu một số mặt hàng sang Trung Quốc giảm cũng đồng nghĩa với việc đầu ra cho nông dân, HTX, doanh nghiệp bị co hẹp lại. Điều này một phần do Trung Quốc đang nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa. Thị trường này cũng đòi hỏi khắt khe về chất lượng và mẫu mã bao bì đối với một số mặt hàng như gạo, sầu riêng... Trong khi một số mặt hàng chưa quy định chặt chẽ về chất lượng, bao bì như cà phê, hồ tiêu… thì phải có tính cạnh tranh về giá. Nhưng điều này theo ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX thanh bình (Đồng Nai) là vẫn còn khó khăn vì vấn đề logistics chưa thực sự thuận lợi cho HTX, doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc.

Thực tế, việc các thị trường xuất khẩu đang giảm thu mua, nâng cao tiêu chuẩn, yêu cầu khiến không ít nông dân, HTX lo lắng trong vấn đề tìm đầu ra cho nông sản. Và khi không có đầu ra ổn định, HTX cũng chưa chuyên tâm đầu tư theo hướng hàng hóa tập trung.

Đi liền với đó, thu nhập của các thành viên cũng bị ảnh hưởng. Cùng với đó, tình hình sản xuất nông nghiệp những năm gần đây gặp không ít khó khăn do biến đổi khí hậu khiến điệp khúc "được mùa mất giá" luôn là điều trăn trở đối với nhiều HTX.

Nâng chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn

Ths. Phạm Minh Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Hữu cơ Việt Nam, Giám đốc điều hành Ecolink Vietnam, cho biết hầu hết các thị trường hiện nay đều từng bước nâng cao các yêu cầu về nhập khẩu hàng hóa để bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước cũng như người tiêu dùng của họ. Do đó, không có cách nào khác người dân phải liên kết thành các HTX và các HTX phải sản xuất theo các tiêu chuẩn để đạt các chứng nhận mà thị trường yêu cầu.

Vì sao chứng nhận lại cần thiết? Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Minh Đức cho rằng người tiêu dùng hiện nay có nhu cầu mua những sản phẩm tốt cho sức khỏe và bảo vệ môi trường. Họ sẵn sàng trả mức giá cao hơn để mua những sản phẩm này. Trong khi các chứng nhận là một hình thức hiệu quả để tạo lòng tin cho người tiêu dùng, nhà nhập khẩu đối với nông sản hàng hóa mỗi khi họ xuống tiền. Và ngược lại, khi HTX sản xuất đạt tiêu chuẩn, tạo được lòng tin với khách hàng thông qua các chứng nhận thì sẽ có lợi về đầu ra và bán được hàng hóa với mức giá cao hơn.

Tuy nhiên, một điều cần thiết là HTX phải hiểu và phân biệt rõ giữa rõ ràng tiêu chuẩn và chứng nhận để không bị lấn cấn trong sản xuất và tiêu thụ.

Cụ thể, tiêu chuẩn là những yêu cầu tối thiểu mà nhà sản xuất phải tuân thủ để có chứng nhận. Hiện, trên thị trường đang có những tiêu chuẩn riêng (quy định về dán nhãn riêng). Với tiêu chuẩn riêng, HTX có thể thực hiện trên tinh thần tự nguyện. Nhưng với tiêu chuẩn quốc gia như tiêu chuẩn hữu cơ chẳng hạn, dù không bắt buộc tất cả các HTX phải đạt chứng nhận này nhưng một khi muốn tuyên bố sản phẩm của mình là hữu cơ trên thị trường thì buộc HTX phải có chứng nhận hữu cơ.

Ngoài ra, còn có các tiêu chuẩn về dán nhãn. Đây là những yêu cầu bắt buộc để sản phẩm có thể dán nhãn hữu cơ, organic... tại các thị trường cụ thể như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines…

Còn chứng nhận là hệ thống xác nhận sản phẩm tuân thủ theo một tiêu chuẩn nhất định. Thông thường có chứng nhận bên thứ nhất (do nhà sản xuất công bố), chứng nhận bên thứ hai (do khách hàng đánh giá) và chứng nhận bên thứ ba (do tổ chức đánh giá độc lập). “Hiện trong xuất khẩu sang các thị trường lớn, HTX có chứng nhận hữu cơ thường là chứng nhận bên thứ ba”, Ths. Phạm Minh Đức cho biết.

Đồng tình với việc tuân thủ các tiêu chuẩn, đạt các chứng nhận, PGS - TS. Quang Minh Nhựt (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng các chính sách về nông nghiệp cần ưu tiên lấy nông dân, HTX là trung tâm. Nếu một nông sản nào đó gặp khó trong vấn đề tiêu thụ thì các cơ quan quản lý không nên cứng nhắc khuyên người dân, HTX dừng sản xuất loại nông sản đó để tránh tình trạng chặt bỏ hàng loạt. Thay vào đó, cơ quan quản lý nên giúp HTX điều chỉnh lại sản xuất, nhất là nâng cao chất lượng nông sản bằng cách tập trung đáp ứng các tiêu chuẩn một cách thuận lợi hơn.

Cụ thể là việc nâng cao khả năng liên kết giữa cơ quan quản lý với HTX trong việc dự báo thị trường, tìm kiếm thị trường hay phát hiện ra lợi thế của từng loại nông sản sẽ mở ra các cơ hội trong tiêu thụ lớn hơn.

Chẳng hạn như với sầu riêng, khi xuất khẩu quả tươi gặp khó khăn thì có thể đầu tư cho chế biến, sấy khô sẽ hạn chế được những quy định về vi sinh vật, lượng hàng xuất khẩu cũng nhiều hơn, giá trị kinh tế thu về cũng cao hơn. Đặc biệt, sầu riêng chế biến không chỉ thuận lợi xuất khẩu sang Trung Quốc mà còn được đánh giá cao tại các nước phương Tây vì người tiêu dùng ở đây thường gặp khó khăn trong tiếp cận sầu riêng tươi vì mùi khá nồng.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/htx-truoc-moi-lo-dau-ra-cho-nong-san-1101665.html
Zalo