HTX giúp nông dân Gia Phú thu tiền tỷ từ loại củ 'phải dùng máy xúc để đào'
Mô hình trồng sắn dây của nông dân Gia Phú (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) liên kết với HTX Nông sản dược liệu Mạnh Hương đã giúp bà con trong xã có thu nhập ổn định, đời sống ngày một nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững, hoàn thành các chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới của huyện.
Tháng 3 là thời điểm nông dân xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng bước vào vụ thu hoạch, chế biến tinh bột sắn dây. Năm nay, người trồng sắn phấn khởi vì sắn dây được mùa, được giá.
Một năm được mùa
Nhờ hợp thổ nhưỡng và được người dân trồng, chăm bón với kỹ thuật, kinh nghiệm rút ra nhiều năm nên cây cho năng suất cao, tỉ lệ bột đạt cao. Năm nay, sản lượng sắn dây của xã Gia Phú đạt khoảng 90 tấn, với giá bán 12.000 đồng/kg, nông dân xã Gia Phú thu được khoảng 1 tỷ đồng.

Nông dân Gia Phú phấn khởi vì sắn dây được mùa, được giá.
Gia đình chị Nguyễn Thị Tuyến, thôn Chính Tiến, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng trồng được 4.000m2 cây sắn dây. Vào vụ thu hoạch, gia đình chị Tuyến thuê máy xúc hỗ trợ đào củ sắn.
Theo lời chị Tuyến, vụ sắn dây năm nay củ to, không bị sâu bệnh, được mùa, được giá nên phấn khởi lắm. Riêng gia đình tôi thu được hơn 10 tấn củ sắn dây.
Các hộ dân trồng cây sắn dây tại xã Gia Phú cho biết giống sắn dây được mang từ tỉnh Hải Dương về để trồng từ nhiều năm nay. Sắn dây là loại cây chịu hạn tốt, được trồng chủ yếu trên đất đồi, đất vườn, cây leo dài tới 10m rễ được phát triển to thành củ là bắt đầu cho thu hoạch. Thân cây có lông để ngăn cản động vật tiêu thụ mình, hoa thì có màu tím hay mọc thành chùm. Mỗi gốc cây củ sắn cho rất nhiều củ, trung bình mỗi củ sẽ đạt trọng lượng từ 10-40 kg/củ. Vì củ to nên nông dân phải sử dụng máy móc hỗ trợ để thu hoạch sắn dây.
“Trồng cây sắn dây không mất nhiều công chăm sóc, khi mới trồng, người dân chỉ cần làm ủ sau đó lấy cây sắn dây đã ươm trước đó trồng vào đất rồi tưới nước, làm giàn cho cây. Sau 11 tháng trồng, cây sắn dây thu hoạch từ tháng 3 hàng năm”, một người dân nói.
Sau khoảng 4 năm nhân rộng diện tích, cây sắn dây cho thấy phù hợp với vùng đất khí hậu ở Gia Phú. Theo đó, bà con đã trồng nhân rộng diện tích, nâng cao thu nhập. Bà Trần Thị Hương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng thông tin, hiện nay, trên địa bàn xã Gia Phú có 8 hộ dân tham gia trồng cây sắn dây, với diện tích 2 ha.
Liên kết với HTX bao tiêu sản phẩm
Được biết, với sự giúp đỡ của Liên minh HTX tỉnh, 8 hộ dân trên đã liên kết với HTX Nông sản dược liệu Mạnh Hương làm mô hình trồng sắn dây lấy củ chế biến tinh bột.
Toàn bộ sản lượng củ sắn dây đã được HTX nông sản dược liệu Mạnh Hương thu mua để chế biến thành tinh bột xuất bán ra thị trường. Hiện nay, HTX thu mua với giá 12.000 đồng/kg, mỗi gốc cây sắn dây thu được hơn 1 tạ củ, người dân thu về trên 1 triệu đồng.
“Sau khi thu về, gia đình tôi sẽ chế biến thành tinh bột để liên kết cùng HTX nông sản dược liệu Mạnh Hương bán ra thị trường. Nếu bán củ tại vườn thì giá khoảng 12.000 đồng/kg, sau khi chế biến thành bột thì giá sẽ cao hơn. Với hơn 10 tấn củ sẽ chế biến được gần 2 tấn bột, như vậy, với giá 200.000 đồng/kg bột sẽ thu về khoảng 200 triệu đồng", chị Nguyễn Thị Tuyến chia sẻ.
Đại diện HTX Mạnh Hương cho biết, những củ sắn dây lớn có thể đạt trọng lượng từ 15 - 20 kg/củ. Củ sắn dây được các thành viên HTX rửa sạch đất, băm nhỏ, ép lấy nước và đem lọc để đưa vào chế biến thành sản phẩm tinh bột. Sau đó tinh bột sắn dây sẽ được sấy khô bằng mấy sấy công nghiệp.

Củ sắn dây được các thành viên HTX Mạnh Hương rửa sạch đưa vào chế biến thành sản phẩm tinh bột.
Được sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh và Liên minh HTX Việt Nam, HTX Mạnh Hương đã hướng dẫn các thành viên và bà con nông dân sản xuất theo hướng sạch, an toàn. Đồng thời kiểm soát chặt vật tư đầu vào, thực hiện quy trình sản xuất nghiêm ngặt để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại, chuẩn bị đầy đủ bao bì, nhãn mác…
Nhờ đó, sản phẩm tinh bột sắn dây của HTX Mạnh Hương đã được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh và là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Lào Cai năm 2024.
Góp phần thay đổi diện mạo mới cho nông thôn
Theo ban lãnh đạo huyện Bảo Thắng, mô hình trồng sắn dây của nông dân Gia Phú đã giúp bà con trong xã có thu nhập ổn định, đời sống ngày một nâng cao. Công cuộc giảm nghèo tại xã không chỉ nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển bền vững, hoàn thành các chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới của huyện.
Thời gian qua, huyện đã tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền để các cấp, các ngành và mỗi người dân nhận thức đúng về trách nhiệm đối với công tác giảm nghèo bền vững, nhất là người nghèo có ý thức vươn lên. Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững của huyện chỉ đạo huy động tối đa các nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả người nghèo tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước. Huyện tập trung chỉ đạo nâng cao năng suất và tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy lợi thế về tài nguyên đất đai, lao động, đồng thời đầu tư khai thác khu vực có điều kiện tự nhiên, thiên nhiên phong phú làm điểm du lịch sinh thái; mở các lớp đào tạo phục vụ cho phát triển thương mại và dịch vụ...
Mặt khác, các địa phương tổ chức phân loại đối tượng hộ nghèo, xác định nhu cầu hỗ trợ, tổ chức để hộ nghèo đăng ký phấn đấu thoát nghèo. Từ đó có giải pháp hỗ trợ tạo sinh kế, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động. Ngoài ra, đã phân công đảng viên, các tổ chức chính trị, đoàn thể cơ sở theo dõi giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ thoát nghèo thông qua hệ thống chính sách giảm nghèo, đồng thời thực hiện đa dạng nguồn vốn để triển khai, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả… Huyện phấn đấu 100% số hộ nghèo có nhu cầu đều được vay vốn ưu đãi, tiếp cận việc làm.
Với những giải pháp đồng bộ trên, năm 2024, tỷ lệ giảm hộ nghèo của huyện đạt 2,18%, vượt kế hoạch đề ra; số hộ nghèo còn lại là 754 hộ (chiếm 2,55% số hộ trên địa bàn), hộ cận nghèo còn 1.217 hộ (chiếm 4,11% số hộ trên địa bàn); tỷ lệ hộ nghèo còn lại của huyện sau khi trừ hộ không có khả năng lao động là 2%. Toàn huyện có 14.298 hộ có thu nhập khá, giàu, đạt tỷ lệ 48,26%.
Kết quả từ công tác giảm nghèo hiệu quả đã và đang góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tạo sự thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, đô thị trên địa bàn huyện Bảo Thắng.
Quyết tâm nỗ lực giảm nghèo, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bảo Thắng tiếp tục đặt ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, tỷ lệ nghèo (trừ hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội) còn dưới 3,8%.