HTX định vị mô hình sản xuất để gia tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng

Với mong muốn phát triển hiệu quả và bền vững, phần lớn các HTX đều cần nguồn lực tài chính tốt để tổ chức sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, không ít HTX còn gặp khó khăn do không đáp ứng đủ các điều kiện để tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Tại HTX thủ công mỹ nghệ cói xâu Thọ Thành (Nghệ An), mỗi năm HTX cần ít nhất khoảng 1-1,5 tỷ đồng để mua các nguyên liệu phục vụ sản xuất thủ công mỹ nghệ. Việc huy động nguồn vốn từ các thành viên lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm là không hề đơn giản. Trong khi việc tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng, các chương trình hỗ trợ, các dự án của HTX đều khó khăn.

Không có tài sản thế chấp hoặc tài sản có giá trị thấp

Cũng giống như HTX Thọ Thành, hiện nay, nhiều HTX đã phải dùng đến tài sản cá nhân để thế chấp nhằm vay vốn từ các tổ chức tín dụng để phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh. Nhưng đi liền với đó là những bất cập, rủi ro cho cả thành viên và HTX. Vì nếu thành viên lấy tài sản cá nhân đi vay vốn ngân hàng và đưa cho HTX đầu tư nhưng nếu khâu đầu tư kinh doanh của HTX gặp bất chắc thì thành viên có tài sản thế chấp phải đứng mũi chịu sào. Còn HTX cũng khó lấy được niềm tin từ thành viên.

Hiện, ngoài đi vay bằng tài sản cá nhân một số HTX bước đầu giải quyết bài toán nguồn vốn bằng cách tiếp cận một số nguồn hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, theo nhìn nhận chung của các HTX, nguồn vốn hỗ trợ từ Nhà nước cũng có giới hạn nhất định và không phải HTX nào cũng có thể hưởng được những chính sách hỗ trợ này vì quá trình vay vốn cũng phải trải qua rất nhiều khâu hoàn thiện về thủ tục, thẩm định...

Ngay như Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 và Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP, trong đó quy định nhiều cơ chế tín dụng ưu đãi đối với kinh tế tập thể, HTX như: Chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo; Chính sách ưu đãi lãi suất; Cơ chế xử lý nợ đặc thù. Nhưng từ các tỉnh thành cho thấy, hầu hết các HTX không tiếp cận được với những chính sách này.

Nhu cầu vay vốn, phát triển sản xuất của các HTX là rất lớn.

Nhu cầu vay vốn, phát triển sản xuất của các HTX là rất lớn.

Nhìn nhận thực tế cho thấy, đa số các HTX hiện nay đều không có tài sản thế chấp hoặc có tài sản thế chấp nhưng rất ít, không có giá trị cao nên quá trình thẩm định vay vốn không thuận lợi.

Theo Liên minh HTX tỉnh Lào Cai, hầu hết các tổ hợp tác, HTX, Liên hiệp HTX có nguồn lực yếu và thiếu tài sản. Các nguồn lực chủ yếu của tổ hợp tác, HTX, Liên hiệp HTX là sức lao động, cây trồng và vật nuôi, hệ thống nhà màng, một số máy móc... Vậy nhưng, phần lớn tài sản này nhỏ lẻ, giá trị thấp, khó huy động vốn và khó có thể đem ra thế chấp để vay vốn từ các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, các thành viên HTX đang có quyền sử dụng đất và tài sản trên đất nhưng chủ yếu là rừng quế, đồi chè... Trong khi khu vực kinh tế tập thể hầu hết thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn nhằm phát triển nhanh và bền vững.

Ngay như Lào Cai hiện có 2 quỹ tín dụng nhân dân: Quỹ tín dụng nhân dân Cam đường (dư nợ 22 tỷ đồng) và Quỹ tín dụng nhân dân Lào Cai ( dư nợ 34 tỷ đồng). Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đang cho 12 HTX vay 59 tỷ đồng bằng 0.01% dư nợ tín dụng trong các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh (tính đến năm 2024).

Song song đó, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Lào Cai đang cho 18 HTX vay 19,9 tỷ đồng. Quỹ hỗ trợ HTX Việt Nam đang cho 6 HTX vay 6,9 tỷ đồng.

Nhưng so với tổng thể hơn 400 HTX đang hoạt động trên địa bàn thì đến nay, toàn tỉnh mới có 38 HTX được tiếp cận nguồn vốn tín dụng với tổng dư nợ tín dụng là 141,8 tỷ đồng. Đây là một con số rất thấp so với nhu cầu rất lớn của các HTX để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong giai đoạn hiện nay.

Gỡ khó từ hai phía

Ngoài khó khăn về tài sản thế chấp, theo bà Mạc Thị Tuyết Nga, Phó Giám đốc Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Đông Hải Dương, hiện còn nhiều HTX thành lập tương đối lâu nên giấy tờ hồ sơ thay đổi qua từng thời kỳ. Bên cạnh đó, HTX mức dự phòng tài chính thấp, cơ sở vật chất yếu nên rủi ro cao. Trong khi một số dự án cần nguồn vốn đối ứng của HTX từ 20-30% nên nhiều HTX không đáp ứng được.

Ông Hoàng Minh Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết trong quá trình cho vay đối với HTX còn khó khăn do các HTX chưa có trụ sở, nhà xưởng, kho chứa để bảo quản, sơ chế. Trình độ quản lý của HTX còn thấp, ít vốn đầu tư vào công nghệ. Nhiều HTX cũng chưa xây dựng được liên kết với doanh nghiệp uy tín để tìm kiếm thị trường.

Có thể thấy không ít nguyên nhân xuất phát từ nội tại và khách quan khiến các HTX gặp khó khăn hoặc chưa thực sự tạo được sự tin tưởng cho các ngân hàng để thực hiện vay vốn.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), cho biết việc HTX cần làm lúc này là minh bạch về dòng tiền, có phương án sản xuất kinh doanh rõ ràng. Bên cạnh đó, các bộ ngành cần có các văn bản hướng dẫn cụ thể để HTX thuận lợi trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

Đặc biệt, việc tháo gỡ khó khăn của mô hình Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX sẽ là cơ sở thuận lợi để các HTX gỡ khó về vốn. Đi liền với đó, ngành ngân hàng cần rà soát các cơ chế tín dụng, từ đó tăng cường cho hộ gia đình, HTX vay vốn thông qua các chính sách đặc thù cho mô hình kinh tế tập thể.

Để tạo niềm tin cho các ngân hàng và hạn chế những bất cập trong quá trình thẩm định hồ sơ, giới chuyên gia cho rằng các HTX cần chú trọng nâng cao mô hình sản xuất kinh doanh bằng những giải pháp thiết thực.

Trong thời điểm này, HTX có thể nghĩ đến vấn đề tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu quả hoạt động. TS Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam, cho rằng tinh gọn bộ máy cần thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, phải có cơ cấu, có quy trình, phải định vị được lượng công việc và hiệu quả của công việc.

Ngay như việc cắt giảm bộ máy ở cấp độ thấp nhất là làm sao vẫn bảo đảm được việc gia tăng năng suất cá nhân. Nếu 10 người làm việc mà tăng 10% năng suất rồi thì không cần thêm người thứ 11. Bên cạnh đó, cần sự liên kết giữa con người trong cùng một tổ chức theo hình thức “1+1= 3” thì sẽ nâng cao hiệu quả của mô hình hoạt động. Tiếp đó, HTX mới áp dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động và trở thành đơn vị uy tín, có tài sản rõ ràng thì dù vay vốn ở đâu cũng rất thuận lợi.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/htx-dinh-vi-mo-hinh-san-xuat-de-gia-tang-kha-nang-tiep-can-von-tin-dung-1105098.html
Zalo